Tôi từng có cơ hội được nghe một vị kia thuyết giảng, ông này vừa là người có học vị vừa là người tu hành. Trong phần nói về người tu hành, ông có đề cập về một khía cạnh rất hay liên quan đến cái “tình” này.
Đại ý như sau: Điểm khác biệt cơ bản giữa người tu luyện và người bình thường chính là, người tu hành có đan điền, toàn bộ tinh hoa của con người sẽ theo sự thăng tiến của người đó mà tập trung vào đan điền này; còn một người bình thường thì tinh hoa sẽ đi vào tim, và nó chính là cái tình của người đó.
Về điểm này tôi thấy hoàn toàn có lý, con người trong cuộc sống chính là vun đắp cho bản thân một môi trường sống dào dạt cái tình. Căn bản con người ta vì tình này mà sống, nếu trong tim người không có tình, có lẽ người ta sẽ như một xác sống (zoombie) di động, luôn sẵn sàng sát hại lẫn nhau mà không cần bất kỳ lý do nào.
Nói đến đây tôi mong là người đọc sẽ không liên tưởng đến những tác phẩm võ hiệp, thực ra thì những điều trong đó chỉ để thỏa mãn tâm lý người đọc, người ta càng đọc nó thì càng bị nhấn sâu về cảm thụ về tình, trong truyện cũng không có lý giải thực sự về tu hành, chúng chỉ nâng cao trí tưởng tượng của con người mà thôi.
Hữu tình làm gì, vô tình chẳng tốt hơn sao?
Theo quan niệm y học, để giữ cho thân thể khỏe mạnh thì cần một trái tim khỏe mạnh. Để trái tim khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh tim mạch, bác sĩ cũng dặn chúng ta phải thường xuyên vận động, chế độ ăn uống hợp lý, tập các bài thể dục với hít thở nhằm vận động hệ hô hấp. Nhất là trong rèn luyện khí công, dưỡng sinh, người hướng dẫn cũng yêu cầu người học tập điều hòa hơi thở.
Vốn dĩ từ xa xưa, người ta đã biết chú trọng đến điều tức, khi ngồi viết chữ, vẽ hội họa đều cần tĩnh tâm, vận khí. Nhưng theo cá nhân tôi, nhận thức của người xưa thực sự không phải chỉ là chút hiểu biết nông cạn về hô hấp như chúng ta vẫn nghĩ.
Giữ cân bằng hơi thở hay nhịp tim không phải là điều căn bản, thực ra chính là ức chế vật chất tình này. Mọi người hãy thử nghĩ, khi trái tim có thể vận hành và tịnh hóa cho toàn cơ thể, vậy thì nhân tố đằng sau nó không phải là rất then chốt hay sao. Cái vật chất tình này quá cường thịnh thì người đó sẽ luôn nóng vội, gặp sự việc không vừa ý sẽ nhảy cẫng lên ngay. Nếu vật chất tình này suy kiệt, thì người đó tâm trí nguội lạnh, gặp việc gì cũng lãnh cảm không quan tâm. Do đó nó có quan hệ trực tiếp đến tâm tính người ta.
Người xưa rèn luyện chính là rèn giũa cái tâm thái, giữ cho nó luôn tường hòa. Thông qua trạng thái tĩnh tâm sẽ khiến cho tư tưởng con người luôn tĩnh lặng, nhịp tim ổn định chính là cái tình này được khống chế vững chắc, toàn bộ cơ thể cũng theo đó hoạt động ổn định nhịp nhàng. Như vậy có thể thấy chỉ một chút đó thôi cũng đã là một phương pháp dưỡng sinh hiệu quả rồi, vừa lợi cho sức khỏe, vừa tốt cho tâm tính.
Đấng tạo hóa đặt khối tình vào vị trí trọng yếu nhất, và cũng là nhạy cảm nhất trong cơ thể, hẳn là có lý do của Ngài. Khi tư tưởng con người không ổn định, quá hưng phấn hay phiền não cũng là điều không tốt. Khi đó trái tim sẽ như là cái chuông cảnh báo con người nên điều chỉnh lại, đừng để cảm xúc lấn át đi lý trí.
Hiện nay con người không còn ý thức được điều đó, nhiều người thích thỏa mãn cảm giác bằng cách đạt tới cực hạn về cảm xúc. Phim ảnh nếu không là bạo lực bắn giết thì cũng là miên man tình cảm, kể cả những thứ khiêu dâm.
Con người luôn tìm cách lý giải về tình, các văn sỹ, thi nhẫn lẫn triết học đều tìm cách luận giải về nó. Nhưng chưa có ai có thể làm được điều này, người ta càng đào sâu nhiều vào các tác phẩm văn học càng trở nên bối rối và rơi vào vòng lý luận.
Để hiểu được cái tình này, một người cần phải đạt được “thanh tâm quả dục”, tức là tư tưởng thuần khiết thiện lương, không có những suy tính xấu xa. Nếu một người thông thường đạt được đến mức này, người đó có thể nhìn thấu hết sự tình, nhận rõ thị phi, trong cuộc sống xô bồ mà tâm không động.
Những thứ con người nghe và thấy đều ảnh hưởng đến cái tình này. Nếu một người hàng ngày đập vào mắt là những thứ bạo lực, tranh đấu, thì cái tình trong tim người đó sẽ trở nên biến dị, trái tim sẽ giống như sa mạc cằn cỗi.
Thế hệ trẻ ngày nay đã chủ động tiếp nhận quá nhiều xung kích về cảm xúc, họ trở nên chai lì, có thể vô cảm trước nỗi đau hay bất hạnh của người khác. Đồng thời người đó cũng đang làm hại bản thân mình, cơ thể càng ngày càng suy nhược thiếu sức sống, chưa về già nhưng thân thể đã khô héo, kèm theo đó là xuất hiện nhiều bệnh tật.
Nên mới nói, ngày nay khối tình trong trái tim mỗi người đều đã bị biến dị đến mức đáng sợ. Có những người vì muốn hạnh phúc cho bản thân và gia đình mà sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của nhiều người khác. Ra ngoài xã hội làm đủ hết những điều xấu, nhưng khi về nhà lại dành sự quan tâm lo lắng cho vợ con và gia đình. Họ còn tự cho như vậy là đúng đắn.
Tình trong tâm họ thực ra đã biến hóa thành một dạng vật chất khác, vốn khác xa với những gì mà trái tim họ cần có. Những người này cũng tự rước vào thân đủ thứ bệnh tật, ăn không ngon ngủ không yên.
Nhưng ở đời vốn dĩ có luật nhân quả, cuộc sống gia đình của họ cũng không thuận hòa, con cái của họ cũng không hiếu thuận với họ. Rốt cuộc thì chính những người duy nhất mà họ có thể đặt niềm tin vào cũng khiến họ thất vọng, họ nhận lấy một cuộc sống mà không biết nên đặt niềm tin nơi đâu, về già tâm tư cũng trở nên nguội lạnh.
Tu hành là gạt bỏ Tình?
Hiện nay nhiều người, có thể nói là đa số, có quan niệm rằng khi một người đi vào tu hành là trở nên vô tình, gạt bỏ hết trách nhiệm mà đi tu. Kỳ thực không phải vậy.
Hòa thượng Pháp Hải là một ví dụ rõ nét, thông qua các tác phẩm văn học về ông đã tạo cho người ta một định kiến về người tu hành: cứng nhắc đến ác độc, đi tu rồi trở nên lú lẫn, áp đặt vô tình khiến hủy hoại hạnh phúc gia đình người ta. Thực ra hình thức đi tu đơn độc là do giới luật định ra thế, đó không phải là bản chất của tu hành.
Xem thêm: Xem lại ‘Bạch Xà truyện’ giải nỗi oan nghìn năm cho Pháp Hải
Người tu hành trên căn bản không phải trút bỏ hết tình trong trái tim mình, như vậy chưa tu thành có lẽ đã trở thành phế nhân rồi; mà mục đích chính là hoán chuyển tình trong bản thân mình thành vật chất cao thượng hơn, đó chính là từ bi. Người thực tu lấy từ bi để nhìn nhận sự việc, dùng từ bi để đối đãi với vạn vật, từ đó nhìn thấu hết thảy những giả tướng trong nhân loại, cao hơn nữa là nhìn thấy cả sự vận động của vũ trụ.
Trong thế giới của các vị Phật không có vật chất tình này, mà thay vào đó là từ bi, vật chất từ bi này tràn đầy trong thế giới của Phật, khiến cho thế giới của Phật luôn được viên dung và các chúng sinh được duy trì sự an lạc trong đó. Trong mắt Thần Phật không có cái tình của người thường.
Thiên Chúa giáo có câu rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”, thực ra hiện nay nhiều người đã hiểu sai câu này. “Tình yêu” của Thiên Chúa có thể hiểu nông cạn là sự từ bi của ông với chúng sinh. Đó không phải là cái tình nhân thế mà con người tự áp đặt vào, anh tốt với tôi và tôi cũng tốt với anh. Trải qua lịch sử dài đằng đẵng, những điều của các vị Thần Phật truyền lại đều bị con người làm cho sai hết ý nghĩa vốn có của nó.
Một người tu hành khi đến một trình độ nhất định sẽ nhìn thấy được rõ ràng vật chất tình này, thấy rõ con người trong mọi thời khắc đều ngụp lặn trong nó, vui buồn sướng khổ đều từ nó mà ra. Nói khác đi, người này đã nhảy ra khỏi cái tình, từ đó mà quay lại nói cho thế nhân hiểu được bản chất của nhân sinh, không nên quá mê lạc trong nó.
Kết thúc bài viết này tôi xin gửi đến các bạn một bài thơ của một vị sư phụ mà tôi luôn tôn kính:
Hà vi nhân? Tình dục mãn thân.
Hà vi Thần? Nhân tâm vô tồn.
Hà vi Phật? Thiện đức cự tại.
Hà vi Đạo? Thanh tĩnh chân nhân.
Tạm dịch:
Người là gì? Thân đầy tình dục.
Thần là gì? Nhân tâm chẳng chứa.
Phật là gì? An nơi thiện đức.
Đạo là gì? Chân Nhân thanh tĩnh.
(Trích Hồng Ngâm, thầy Lý Hồng Chí)
Xem thêm: Hỏi thế nhân, tình là gì? (Phần 1)
Khai Nguyên