Tinh Hoa

Hỏi thế nhân, tình là gì? (phần 1)

“Hỡi thế nhân, tình là gì”. Câu hỏi có lẽ có từ thiên cổ mà ai ai cũng mải miết đi tìm lời giải, bởi mọi hỉ nộ ái ố đều xoay vầng quanh cái tình này.

water-heart

Trong các tác phẩm điện ảnh và văn học đều luôn có sự hiện diện của tình, nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về vợ chồng đôi lứa, tình cảm cha mẹ con cái, nhưng dường như chúng không giúp người ta hiểu hết được bản chất của tình mà còn bị nhấn sâu thêm hơn vào trong nó. Trong bài này, người viết sẽ phân tích một khía cạnh mới về cái “tình” này.

Có phải chỉ đơn thuần là một từ ngữ mang tính trừu tượng?

Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều sự việc có thể dễ dàng động đến tâm can của chúng ta. Đơn giản là khi bạn bắt gặp một ánh mắt thế là về nhà thầm thương trộm nhớ, hoặc chỉ một đoạn phim cảm động cũng có thể khiến ta rơi nước mắt, khi ấy trái tim cũng sẽ đập nhanh hơn. Rồi lúc gặp chuyện không hay, bạn lo lắng sợ hãi, hay khi chuyện bực mình ập đến bạn giận dữ, không kiềm chế nỗi bản thân, trái tim cũng tăng cường độ trong lồng ngực. Khi hạnh phúc ùa về, trái tim bạn lâng lâng dâng trào cảm xúc, đôi khi thấy ấm áp. Thế nên không ngẫu nhiên mà người ta gán ghép trái tim với cái tình.

Người ta cảm nhận cái tình này thông qua cảm giác của trái tim. Cũng từ đó bộ não trở thành đại diện của lý trí và trái tim là hiện thân của cảm tình. Thế nên, lắm lúc người ta khuyên bạn rằng hãy nghe theo lời mách bảo của con tim, đừng nghe lời xúi bẩy của bộ não, tức là lý trí? Vậy não và tim có quan hệ gì, liệu có phải chỉ đơn thuần là khi bộ não hưng phấn xuất phát từ tình thì sẽ sản sinh ra chất Andenalin gây kích thích nhịp tim? Nếu chỉ đơn thuần là một phản xạ mang tính sinh học vậy tại sao khi gặp những hoàn cảnh đặc thù thì người khác nhau có những phản ứng khác nhau, có người lên cơn đau tim mà ngạt thở, nhưng cũng có người bình thản đón nhận mọi thứ.

Giới khoa học luôn không ngừng tranh luận với nhau rằng bộ não chi phối trái tim, hay trái tim chi phối não bộ, tranh luận tới lui mãi vẫn chưa có được kết luận cuối cùng. Thực tế, não và tim là hai bộ phận chi phối lẫn nhau dưới tác dụng của tình. Tình mới chính là thứ chi phối cả hai cơ quan này của con người. Tình điều khiển cả não bộ và con tim, bởi tình là một loại vật chất, là thứ hữu hình chứ không phải vô hình. Có lẽ bạn sẽ không tin điều này, nhưng thực tế tình là một dạng năng lượng tiềm tàng mà con người dùng mắt thường thì không thể nhìn thấy được.

Cũng chính bởi người ta không thấy được sự hiện diện của tình nên chỉ có thể tìm ra nó thông qua việc đo lường các chỉ số của tim và não bộ. Khi hưng phấn hay đau khổ, các chỉ số liên quan đến tim và não đều sẽ có thay đổi. Biến đổi của tim và não kéo theo biến đổi của tất cả các cơ quan và bộ phận khác trong cơ thể.

Nói tình là vật chất nhiều người sẽ không đồng ý, nhưng bạn thử tìm hiểu về cách mà các nhà khoa học tìm ra các hạt vi quan, họ không hề nhìn thấy được nó, mà chỉ phán đoán được sự hiện diện của nó thông qua các phép đo, các phép tính toán cộng với những quy luật. Chưa ai từng thấy hạt quark hay neutrino, nhưng họ đo lường và tính toán được nó.

Thế nên, vật chất tình cũng vậy, hạt vật chất tình nó còn vi quan hơn những hạt mà các nhà khoa học tìm thấy được, bởi thế dù có thêm nghìn năm nữa các nhà khoa học cũng chưa thể chứng minh được sự tồn tại của tình. Cũng bởi sự vi quan và vi tế này mà tình thấm đẫm vào trong từng tế bào con người, chúng ta dẫu có vùng vẫy, vật lộn với tình cũng không thể thoát ra khỏi sự khống chế của nó. Con người sống trong tình nên không thể thoát khỏi vòng lẩn quẩn của hỉ nộ ái ố. Vui là tình, buồn cũng là tình, yêu hận cũng là tình, thích không hay không thích thảy đều là chứng minh sự hiện diện của tình.

Cũng bởi điều này, mà Phật gia giảng rằng, vạn vật hữu tình, tại sao lại vạn vật hữu tình, bởi nếu bất kì vật thể nào từ cái bàn, cái ghế, con vật, từ không khí cho đến con người đều có phân tử, nguyên tử, electron, neutron, thế thì hết thảy chúng cũng đều mang theo “hạt” tình.

Câu chuyện về động vật có tình hẳn nhiều người đã được nghe nói, còn bàn ghế vật dụng có tình thì khó mà tin cho được. Tuy nhiên, bạn thử nghĩ một chút mà xem, tại sao một chiếc xe, một ngôi nhà, hay bất kì vật dụng nào bị bỏ quên hay không dùng đến thì chúng sẽ trông rất buồn thảm và xấu xí, thậm chí hoen rỉ rồi mục nát, chẳng phải đó chính là tình, không được dùng đến thì buồn rầu, nhưng bị lạm dụng thì cũng sẽ mệt mỏi, hư hỏng. Đó chỉ đơn giản là nói về điều con người có thể cảm nhận được. Vạn vật hữu tình không đơn giản mà có thể quan sát được bằng mắt thường. Nó trở thành triết lý cao thâm của nhà Phật.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, con người ngoài sự chi phối của tình thì cũng còn có những vật chất khác chi phối, ví như lý trí mà chúng ta nói, rồi đức, nghiệp mà Phật gia đề cập đến. Hết thảy đều là vật chất. Thế giới hữu hình nhìn thấy được đa dạng bao nhiêu thì thế giới vật chất mà con người không nhìn thấy được lại phong phú bấy nhiêu. Con người nếu dùng khoa học mò mẫm thì mãi cũng không tìm thấy.

Tình có mang lại lợi ích gì chăng?

Nhưng rốt cuộc thì cái tình này ngụ trong phạm vi trái tim của con người để làm gì, các nhà khoa học chỉ biết rằng khi con người trong trạng thái cao hứng hoặc lo buồn đều khiến cho trái tim của người đó phản ứng mạnh mẽ nhất, dường như nó thông linh với cảm xúc của con người. Theo y học, tác dụng của trái tim là để lọc máu, máu đen với nhiều khí Các-bô-nic khi vào quả tim, nó sẽ tiếp xúc với Oxy, sau trở thành màu đỏ rồi được bơm ngược lại cơ thề, như vậy quả tim chỉ cơ bản là cái pít-tông co giãn để đẩy máu thôi sao? Nói tới đây tôi mới thấy Đông y cổ đại vốn uyên thâm hơn Tây y rất nhiều, nếu vậy có lẽ tạo hóa chỉ nên gộp lại tim và phổi làm một.

Thực ra thì trái tim có một chức năng, đó chính là tịnh hóa, nó khiến cho máu người mang theo những thứ không tốt khi đi qua sẽ được tịnh hóa trước khi được đưa trở lại thân thể. Trái tim trở thành cơ chế thanh lọc máu, cũng chính vì thế tim, hay từ Hán Việt chính là tâm, sẽ là yếu tố giúp con người thoát khỏi sự khống chế của tình, lọc vật chất tình ra khỏi con người khiến con người không còn bi ai khổ lụy.

Điều này khiến cho tôi nghĩ đến những con sông như những mạch máu đổ ra đại dương, nước sẽ qua chu trình tịnh hóa rồi quay lại sông hồ, còn những chất phế bỏ cũng sẽ được biển mẹ tịnh hóa. Nếu không như thế thì qua hàng triệu năm sông ngòi chỉ toàn là những thứ ô nhiễm. Điều này quả thực đúng như trong lời một bài hát mà tôi vẫn thường thích nghe

Nước biển chính là nước mắt từ bi của Phật…

“Tại sao nước biển lại có vị mặn chát?

Một Thánh nhân từng trả lời rằng,

Nó đến từ những giọt nước mắt từ bi của Phật,

Tất cả bởi những đứa con đã mê lạc của Ngài”.

Từ lâu các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, khi phóng đại tinh thể nước biển người ta thấy thù hình của nó giống y hệt như thù hình của một giọt nước mắt. Nước biển mang năng lực lớn vậy, là vì nội tại trong nó bao hàm sự từ bi của Phật, cũng như trái tim người, nó có thể mang năng lực tương đồng nhưng phạm vi nhỏ hơn như thế, bởi vì trong nó mang cái tình của con người, cũng chính là nguồn năng lượng chính để khiến cho con người duy trì sự sống.

Trăm dòng sông về biển để được tịnh hóa, trăm dòng máu đổ về tim cũng chờ được thanh tẩy, vật chất tình dấy động tại tim cũng nhắc nhở con người hãy thanh tẩy cái tình này để trở về bản ngã.

Trẻ em luôn tràn đây năng lượng, bởi vì chúng mang một trái tim thuần thiện không vị tư

Tôi có sở thích quan sát những đứa trẻ, thấy rằng chúng có thể chơi đùa cả ngày mà không biết mệt, la hét nô đùa vô tư như vậy cho đến khi khôn lớn hiểu chuyện. Có thể thấy bản thân chúng luôn tràn đầy năng lượng, đó là chúng mang một trái tim thuần khiết, chưa hề vướng bận sự đời.

Hay nói khác đi, khối tình trong tim chúng vẫn chưa bị ô nhiễm, nó đang ở trạng thái tốt nhất và cơ thể con người cũng luôn tràn đầy sinh lực. Nhưng dù sao thì trẻ em vẫn là trẻ em, con người vẫn cần một quá trình phát triển qua các giai đoạn, không thể mãi cứ như trẻ em được, đây chỉ đơn thuần là một phép so sánh cho chúng ta dễ hình dung về tác dụng của tình này. Và điều này cũng phù hợp với lời dạy của Lão Tử:

Người có đức dày ví như trẻ thơ, côn trùng, bọ cạp, rắn rít không châm chích, chim săn thú dữ không vồ bắt. Xương yếu gân mềm mà tay nắm chắc. Đó là tinh khí đầy đủ. Cả ngày gào thét mà giọng không khan. Đó là hòa khí sung túc. Hòa thì trường tồn, biết thường thì gọi là sáng. Tham sống thì gọi là điềm xấu. Dung tâm sử khí thì gọi là cường bạo. Vật cường tráng thì sẽ già, như vậy không phải đạo. Không phải đạo thì chết sớm.

(Đạo đức kinh – Lão Tử)

 

Xem tiếp: Hỏi thế nhân, tình là gì? (Phần 2)

Khai Nguyên