Là một người mẹ hết mực nhân từ nhưng cũng rất nghiêm khắc, rèn giũa con trai mình từng đức tính chuyên cần, chính trực. Bà chính là thân mẫu của Mạnh Tông, cách giáo dục của bà đã dưỡng thành một người con tài đức.
Mạnh Tông (? – 271), tự Cung Vũ, người huyện Giang Hạ (huyện Hiếu Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay), sau vì tránh tên tự của Ngô Mạt Đế Tôn Hạo mà đổi tên thành Mạnh Nhân. Ông xuất thân hàn vi, về sau làm quan đến chức Tư Không nước Ngô, là trọng thần của nhà Ngô thời Tam Quốc, nhiều lần đảm nhiệm chức quan hiển hách.
Mạnh Nhân là người con có hiếu nổi tiếng trong lịch sử, “khóc đến tre mọc măng” trong “Nhị thập tứ hiếu” chính là câu chuyện kể về ông. Có thể nói hành sự một đời của Mạnh Nhân đều là kết quả tự mình nêu gương, tận tâm giáo huấn của mẹ ông.
Ngay từ khi Mạnh Nhân còn nhỏ, Mạnh mẫu đã bắt đầu tiến hành dạy dỗ một cách nghiêm khắc đối với con trai. Khi Mạnh Nhân lớn lên, phải đi học bên ngoài, theo học người thầy tên Lý Túc học giả vùng Nam Dương. Trước khi Mạnh Nhân đi hoc, mẹ ông đã đặc biệt may vội cho con một tấm chăn rất dày, rộng và ấm. Hàng xóm nhìn thấy cách làm đặc biệt này, họ không sao đoán được dụng ý của bà, chỉ cảm thấy kỳ lạ khó hiểu: “Con của chị nhỏ vậy, sao cần tấm chăn lớn thế?”.
Mạnh mẫu nói với người ta rằng: ““Nhà của tôi vốn không có gì đặc biệt để chiêu đãi bạn học của Mạnh Tông. Hơn nữa, những người đi học bên ngoài phần đông gia cảnh nghèo khổ, có những người thậm chí không có lấy một tấm chăn mang theo. Tôi may một tấm chăn rộng như vậy, chính là để con trai và bạn học nó cùng đắp chung, kết làm bạn thân với nhau. Điều này nhất định có ích đối với việc học của con trai”.
Lời được nói rõ ra, mọi người đều hiểu được dụng tâm vất vả và cảm phục sự nhân hậu của bà.
Mạnh Nhân hiểu được dụng tâm vất vả của mẹ, ông học hành hết sức chuyên cần, buổi tối thường thắp đèn đọc sách giữa đêm khuya, không chịu nghỉ ngơi. Thầy của ông là Lý Túc rất hài lòng, khen ngợi rằng: “Con quả là có tài đức của một tể tướng!”.
Sau khi Mạnh Nhân trưởng thành, lúc đầu đảm nhiệm chức quan nhỏ dưới quyền phiêu kỵ tướng quân Chu Cứ, ông bèn đón mẹ về sống chung. Lúc này, chức quan của ông đã thấp, lại không được như ý nguyện, tình cảnh vô cùng khó khăn. Một buổi tối nọ, bên ngoài mưa to, trong nhà bị dột đến khó mà ngủ yên được. Bản thân Mạnh Nhân vốn không cảm thấy gì, chỉ thương mẹ già phải chịu khổ sở như vậy, càng nghĩ càng cảm thấy buồn. Ông từ trên giường ngồi dậy, không cầm lòng được khóc lóc như mưa, tạ tội với mẹ.
Thân mẫu Mạnh Nhân lại không để bụng, bà khích lệ con trai rằng: “Chỉ cần con không quên chí hướng, chuyên cần nỗ lực, chịu chút khổ thì nào có đáng gì, có gì đáng để khóc chứ!”. Mạnh Nhân được lời khích lệ của mẹ, lập tức không khóc nữa.
Sau khi phiêu kỵ tướng quân Chu Cứ biết được tình cảnh khó khăn của hai mẹ con Mạnh Nhân, bèn đề bạt Mạnh Nhân làm giám trì tư mã (chức quan nhỏ quản lý ngư nghiệp). Mạnh Nhân tuy gia cảnh bần hàn, nhưng lại rất thanh liêm. Lúc này, thân mẫu của ông đã về sống ở quê nhà.
Mạnh Nhân tuy thân là giám trì tư mã, nhưng bản thân lại tự học đan lưới, ông dùng lưới của mình đan, tự mình bắt cá. Ông đem số cá mà mình bắt được chế biến thành cá khô, gửi về nhà cho mẹ già ăn. Thân mẫu Mạnh Nhân sau khi nhận được, trái lại ngay lập tức gửi trả số cá về, và viết một phong thư khiển trách con trai, rằng: “Con thân là ngư quan, lại gửi cá khô cho ta, lẽ nào con không biết cần phải tránh bị hiềm nghi sao?”.
Mạnh Nhân dưới sự đốc thúc dạy dỗ không ngừng của thân mẫu, dần dần đã trở nên chín chắn hơn. Về sau ông đã làm huyện lệnh, vẫn không thể đón mẹ già đến nơi nhậm chức. Vì vậy mỗi khi có được đồ ăn ngon, ông đều gửi về nhà cho thân mẫu ăn trước để tận tròn đạo hiếu. Ngày mẹ Mạnh Nhân qua đời, ông vô cùng đau lòng, không màng đến pháp lệnh của triều đình, từ quan trở về quê nhà chịu tang. May thay triều đình biết được hiếu tâm của ông nên đã miễn tội cho ông. Sau đó, vẫn tiếp tục để ông ra làm quan.
Nhờ có sự dạy dỗ nghiêm khắc của thân mẫu, đã dưỡng thành nên cốt cách của Mạnh Nhân – một con người tài đức, một vị quan chuyên cần, thanh liêm chính trực.
(Theo “Tam Quốc chí – Tôn Hạo truyện chú”, “Uyên giám loại hàm”)
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com