Tinh Hoa

Học Khổng Tử phân biệt bậc quân tử và kẻ tiểu nhân

Dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững đạo nghĩa, tuân theo Thánh hiền dạy bảo mà làm người, tâm địa rộng rãi, khiến người xung quanh tôn trọng đạo nghĩa, đó chính là phẩm hạnh và tác phong của người quân tử. Sau đây là vài câu chuyện được ghi chép lại trong “Luận Ngữ” và “Khổng Tử Gia Ngữ”.

Khổng tử nói: “Chi Lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương; quân tử tu Đạo lập đức, bất vi cùng khốn nhi cải tiết” (Cỏ Chi Lan sống ở hang núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi)

Quân tử dùng hành động thể hiện

Có một lần Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: “Lời nói của tiểu nhân có đặc điểm gì chung? Là một người quân tử, không thể không phân biệt cho rõ”.

Khổng Tử trả lời: “Quân tử dùng hành động của mình thay lời nói, lời nói đi đôi với việc làm, trong mỗi lời nói và hành động, nỗ lực làm theo đạo của Thánh hiền; tiểu nhân chỉ khoe tài miệng lưỡi, một mặt yêu cầu và chỉ trích người khác, bản thân lại không thực hiện.

Quân tử dùng thành tín đối xử với mọi người, sau khi hiểu rõ bạn bè có chỗ không phù hợp đạo đức nhân nghĩa, sẽ dùng lời lẽ chính nghĩa khích lệ giúp người xung quanh hướng thiện, nội tâm xuất phát từ trách nhiệm muốn bảo vệ mọi người, sau đó quan hệ bạn bè càng thêm thân cận; tiểu nhân coi việc loạn cộng đồng làm cơ sở, thoạt nhìn bề mặt là nhất trí, nhưng sau lưng lại công kích lẫn nhau”.

Khổng Tử còn nói: “Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài thổ. Quân tử hoài hình, tiểu nhân hoài huệ”. (Người quân tử tâm lưu đạo đức, kẻ tiểu nhân trong tâm chỉ có đất cát; quân tử muốn dùng hình phạt để giáo huấn bản thân và nhắc nhở người khác, tiểu nhân luôn ghi nhớ ân tình mình ban cho người khác và cầu xin người khác bỏ qua sai lầm của mình). Chính là nói điều mà người quân tử và tiểu nhân lưu giữ trong tâm mỗi người là khác nhau.

Quân tử không làm người nước chảy bèo trôi, càng không thông đồng làm bậy, mỗi ngày đều lo lắng bản thân làm sao cho đúng đạo nghĩa; tiểu nhân chỉ ôm giữ không gian của riêng mình. Trong nội tâm người quân tử luôn giữ một phần quy củ, luật pháp, không thể vượt qua giới hạn; tiểu nhân chỉ cân nhắc tư lợi cá nhân, trong đầu chỉ chứa đầy cái hàm ân và lợi ích của bản thân.

Như trong “Đệ Tử Quy” có viết: “Thiện tương khuyến, đức giai kiến. Quá bất quy, đạo lưỡng khuy” (Dùng thiện khuyến khích, Đức được kiến lập khắp nơi. Làm quá khỏi khuôn phép, thì cả quy củ và đạo đức đều băng hoại). Chỗ làm của tiểu nhân và quân tử là khác nhau.

Lời nói và việc làm của con người đều tùy tâm mà phát, quân tử lấy tâm dùng người, lấy tâm dùng lý, lời nói và việc làm tự nhiên sẽ lương thiện và nhân hậu, yêu người không lợi riêng mình.

Khi một nơi nào xuất hiện một người chính nhân quân tử, thiện niệm thuần khiết của người đó sẽ ảnh hưởng một phương, làm thức tỉnh lại đạo đức lương tri, gieo mầm mỹ đức nhân hậu lương thiện.

Nghe tiếng đàn, cởi bỏ áo giáp

Khổng Tử dẫn đệ tử về nước Tống, đến đất người Khuông, bởi vì có một người tên Dương Hổ đã từng bạo hành người dân nơi đây, nên người dân bản xứ thấy bề ngoài của Khổng Tử giống với Dương Hổ, liền cho rằng Dương Hổ lại tới nữa, liền chạy nhanh báo cho lãnh chúa Giản Tử.

Giản Tử nghe xong, lập tức xuất binh sĩ, mặc thêm áo giáp, đuổi ngựa tiến về phía trước, bao vậy đoàn người Khổng Tử lại.

Tử Lộ trời sinh tính tình dũng mãnh, vừa thấy người Khuông không biết vì lý do gì mà khí thế hung hăng, vô cùng không vui, liền cầm lấy binh khí muốn đối chiến với họ.

Khổng Tử thấy, lập tức ngăn cản Tử Lộ rồi nói:

“Có người tu hành nhân nghĩa nào, lại không thể cải biến hung bạo của người đời chứ? Không truyền thụ thi thư, không học tập lễ nhạc, đó là lỗi của ta. Nếu việc truyền bá đạo lý của Tiên vương và tôn phục luật pháp cổ xưa lại trở thành khuyết điểm, thì đó không phải lỗi lầm của ta.

Sau khi Chu Văn Vương chết, văn hóa điển tịch đều không phải ở chỗ của ta hay sao? Trời nếu muốn tiêu diệt văn hóa nhà Chu, như vậy ta cũng không giữ những văn hóa này rồi, nếu trời không muốn diệt những văn hóa này, người Khuông kia có thể làm gì ta đây? Nào! Tử Lộ, ngươi hát, ta phụ họa”.

Tử Lộ nghe Khổng Tử dạy bảo, liền buông binh khí, lấy đàn ra bắt đầu đàn hát, Khổng tử cũng theo đó phụ họa lên, hát được ba lượt, người Khuông biết là Thánh nhân, không phải là Dương Hổ, liền cởi bỏ áo giáp, giải tán.

Khổng Tử trong lúc bị người Khuông bao vây, nguy hiểm tứ bề, lại có thể bình tâm tĩnh khí, trước tiên xem xét sai lầm của bản thân. Như không có gì xảy ra, tiếp tục dùng Lễ Nhạc giáo hóa người đời, gảy đàn ca hát.

Một hành động kia, so với Dương Hổ hoàn toàn khác hẳn, trong thoáng chốc người Khuông đã hiểu rõ, người này dù bề ngoài giống Dương Hổ, nhưng lại là một vị Thánh nhân quân tử nho nhã lễ độ, cảm thấy hổ thẹn và cảm động, cởi giáp mà về.

Khổng Tử dùng Nhân trị người, thay đổi tình thế, được xưng là thiện nhân vậy. Khiến người đời cảm nhận được tính tình cương trực và ý chí rộng lớn nhân hậu, lấy kế thừa truyền thống văn hóa làm trách nhiệm của ông.

Vua Thuấn đội mũ gì?

Có một lần Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Trước kia, Vua Thuấn đội mũ gì?”. Khổng Tử không trả lời ngay, Ai Công liền hỏi: “Quả Nhân hướng ngài thỉnh giáo, vì sao ngài không nói lời nào ?”.

Khổng Tử thi lễ đáp: “Bởi vì vấn đề Quân Thượng hỏi, không đặt ở điều quan trọng, nên thần đang lo nghĩ không biết trả lời ra sao”.  Ai Công nghe thấy lạ nên nói: “Điều quan trọng kia là gì vậy?”

Khổng Tử nói:

“Lúc Vua Thuấn làm Quân Vương, yêu dân như con, tuyển hiền tài chọn năng lực. Đức hạnh của người cao như bầu trời, dày như đất, lại điềm tĩnh khiêm nhường; cách Người dạy dỗ như bốn mùa, bao dung vạn vật, khiến vạn vật sinh trưởng, cho nên bốn biển đều tiếp nhận Người dạy dỗ. Cả Phượng Hoàng và Kỳ Lân đều xuất hiện, muôn chim thú cũng được cảm hóa bởi ân đức của Ngài.

Không có nguyên nhân khác, chỉ bởi vì tấm lòng Ngài ấy vô biên! Nay Quân Thượng bỏ mất những phương diện này, chỉ hỏi Vua Thuấn đội mũ gì, nên thần mới không kịp hồi đáp vậy!”

 

Vua Thuấn đđược người đời truyền tụng bởi đức hạnh của ông, chứ không phải vì ông độ mũ gì

Nhìn lại xã hội ngày nay, không phải mọi người ít nhiều đều giống Ai Công đó sao, ai cũng mong mình được đẹp như thần tượng, muốn xe phải hợp thời, nữ thì muốn áo quần sắc đẹp, nam thì muốn tiền tài danh vọng, trẻ con bị cuốn theo thần tượng, ai ai cũng như vậy, các chương trình truyền hình càng cường điệu những điều này, nên chúng ta ngày càng bị cuốn sâu vào, đến nỗi tính khí, tâm hồn mình tệ hơn hẳn lúc nào không biết? Đó không phải vì điều chúng ta truy cầu hàng ngày đều là những thứ bề ngoài chóng qua hay sao?

Đức hạnh của Vua Thuấn cảm hóa bầu trời, ân huệ của ngài bao trùm mọi nơi, các triều đại chư hầu quân vương, ai cũng ngưỡng mộ đức hạnh của ngài, bởi ngài ấy dùng thiện trị vì thiên hạ. Lỗ Ai Công thân là vua một nước, muốn hỏi Khổng Tử, nhưng mở lời lại hỏi Vua Thuấn đội mũ gì, không hỏi quốc kế dân sinh, Ai Công muốn vẻ ngoài của mình cũng giống như Vua Thuấn để được người đời truyền tụng, lại không nghĩ rằng Vua Thuấn trở thành huyền thoại không phải vì vẻ bề ngoài mà vì đức hạnh của Người.

Điều Ai Công làm ấy chính là bỏ gốc lấy ngọn, bỏ lớn lấy nhỏ. Khổng Tử chậm trả lời, không phải không trả lời, mà chỉ hy vọng có thể trợ giúp Ai Công mang lại an bình và thịnh vượng cho đất nước, đặt điều quan trọng ở trong lòng. Học tập nặng ở thực chất mà không phải hình thức, cần học tập ở Thuấn Vương lòng nhân ái, mưu lợi cho muôn dân trăm họ.

Khổng Tử còn nói: “Quân tử học đạo tắc ái nhân”, nghĩa là quân tử thấu hiểu đạo lý nên yêu mến người khác, lấy điều bản thân học được để đối xử với mọi người, trong xử sự, giao tiếp, dùng phẩm hạnh tốt đẹp của mình cảm hóa lòng người, lòng lương thiện giống như nước, vun bồi cho vạn vật mà không tranh dành với ai.

Theo Daikynguyenvn