Tuy khá trầm lặng nhưng Hoắc Khứ Bệnh là một vị tướng khôn ngoan và đặc biệt dũng cảm trong chiến đấu. Ông được coi là thiên tài và là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Hoa thời bấy giờ.
Triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 SCN), dưới thời Hán Vũ Đế, đã có sự bành trướng lãnh thổ rất mạnh mẽ. Với sự giúp sức của nhiều tướng tài, Hán Vũ Đế đã từ bỏ tư duy phòng thủ của các Hoàng đế trước đó và phát động nhiều chiến dịch quân sự thành công chống lại Hung Nô – mối đe dọa từ phương Bắc.
Trong hàng ngũ quân chủng của Hán Vũ Đế, Hoắc Khứ Bệnh (140 TCN – 117 TCN) nổi lên như một vị tướng có những thành tựu vĩ đại nhất trong nhiều thập kỷ chiến tranh với Hung Nô.
Một vị tướng trẻ tài ba
Hoắc Khứ Bệnh có một thời thơ ấu bình dị và ham học. Vệ Thanh – cậu của Hoắc Khứ Bệnh – là một vị tướng nổi tiếng. Ông dạy cho Hoắc các loại võ thuật, đặc biệt là kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung. Vào thời đó, quân Hung Nô vượt xa nhà Hán ở hai kỹ năng này. Gia tộc của Hoắc Khứ Bệnh có địa vị lớn dần khi dì ruột ông trở thành hoàng hậu của Hán Vũ Đế. Ở tuổi 17, Hoắc Khứ Bệnh đã chứng tỏ tài năng và trí tuệ quân sự kiệt xuất, từ đó được Hoàng đế sủng ái, chọn làm cận vệ.
Năm 123 TCN, Hán Vũ Đế ra lệnh cho Vệ Thanh và quân đội tiến công Hung Nô. Trận đánh này trở thành một trong những chiến thắng lớn nhất của nhà Hán trong lịch sử chống lại kẻ thù phương Bắc. Hoắc Khứ Bệnh – mới 18 tuổi – đã cầu xin Hoàng đế cho phép tham gia trận đánh. Yêu cầu được chấp thuận, Vệ Thanh chọn một đội kỵ binh 800 người giao cho Hoắc chỉ huy. Mặc dù đây là lần viễn chinh đầu tiên, song Hoắc không hề tỏ ra lo sợ. Ông đột kích thành công doanh trại địch, tiêu diệt hơn 2.000 quân Hung Nô.
Hoắc Khứ Bệnh được công nhận là người chiến binh xuất sắc nhất và Hán Vũ Đế đã ban cho ông danh hiệu “Quán Quân Hầu”. Sau đó, tên tuổi của Hoắc trở nên nổi tiếng và ông được phong tướng. Thời điểm đó, Hoắc Khứ Bệnh được đánh giá cao ngang với chú của mình là Tướng quân Vệ Thanh. Hán Vũ Đế ban cho ông một dinh thự xa hoa ở kinh đô Trường An.
Tuy nhiên, Hoắc đã từ chối món quà và thưa rằng: “Làm sao thần có thể an nhàn trong khi Hung Nô vẫn tấn công đất nước ta?”. Những từ ngữ đơn giản này đã trở thành một câu nói nổi tiếng lưu truyền qua các thời đại, như một ví dụ điển hình của tinh thần yêu nước và lòng tận tụy của Hoắc Khứ Bệnh.
Có truyền thuyết kể rằng một bình rượu quý được gửi đi từ kinh đô đến doanh trại Hoắc Khứ Bệnh như một món quà từ Hán Vũ Đế. Thay vì giữ cho riêng mình, Hoắc Khứ Bệnh cho đổ rượu vào một dòng suối gần đó để tất cả binh sĩ đều có thể thưởng thức. Thung lũng tràn ngập hương thơm của rượu và vùng này sau đó đã được đổi tên thành Tửu Tuyền, nghĩa là “Suối rượu”.
Vinh danh một anh hùng
Hoắc Khứ Bệnh qua đời ở tuổi rất trẻ vì một căn bệnh gần giống như dịch hạch ở tuổi 24. Cuộc sống của ông có thể được ví như một vì sao băng – ngắn ngủi nhưng huy hoàng, sáng chói.
Hán Vũ Đế đã tổ chức một đám tang lớn cho Hoắc Khứ Bệnh và cho dựng lăng mộ ông bên cạnh các Hoàng đế.
Để tưởng niệm những thành tựu quân sự xuất chúng của vị tướng trẻ này, 16 bức tượng đá khổng lồ được trạm khắc.
Theo Đại Kỷ Nguyên