Hoa mẫu đơn được mệnh danh là vương của các loài hoa, không chỉ bởi hương sắc rực rỡ mà còn vì mẫu đơn thanh cao không biết cúi mình trước cường quyền, hoa gắn liền với những câu chuyện và nhân vật mang tính huyền thoại.
Có nơi còn gọi Mẫu Đơn là Mộc Thược Dược, hoa nở từ đầu xuân đến đầu hạ, nên còn có tên là Phú Quý hoa.
Loại hoa sặc sỡ, kiêu sa biểu hiện cho sự giàu có, hoa vàng quý phái được gọi là Diêu Hoàng, lấy từ tên của người đã phát hiện ra sắc hoa này.
Những người đẹp trong lịch sử như nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Dương Quý Phi hay Vương Chiêu Quân trong tứ đại mỹ nhân thường được ví như hoa mẫu đơn cùng cụm từ mô tả “sắc nước hương trời” hay “quốc sắc thiên hương”.
Cũng bởi “sắc nước hương trời” nên cuộc đời hoa mang lắm nỗi truân chuyên, rồi cũng lại bởi sự truân chuyên mà sắc hương mẫu đơn ngời khí tiết thanh cao.
Cái khí tiết ấy thể hiện rõ nét trong giai thoại hoa Mẫu đơn cùng Võ Tắc Thiên. Chuyện kể rằng:
Một chiều đông lạnh lẽo, Võ Tắc Thiên đến dạo vườn Thượng uyển, thấy cảnh vật quạnh quẽ, liễu đào ủ rũ, liền nổi giận lấy viết đề 4 câu thơ:
“Lai triều du Thượng uyển,
Hoả tốc báo xuân tri,
Bá hoa liên dạ phát,
Mạc đãi hiếu phong xuy”.
Tạm dịch:
“Bái triều du thượng uyển,
Khẩn cấp báo xuân hay,
Hoa nở hết đêm nay,
Ðừng chờ cơn gió sớm”.
(Vô Danh)
Thế là trăm hoa không dám trái lệnh, chỉ trong một đêm mà bừng nở khắp vườn, ngào ngạt mùi hương. Hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn, thấy muôn hồng ngàn tía rực rỡ như những vầng mây, sắc phủ cả vòm trời xanh nên lòng rất lấy làm vui thích. Tuy nhiên, bất chợt bà cau mày, vì chỉ có hoa Mẫu đơn bướng bỉnh, không chịu phụng mệnh, nên cành khẳng khiu, không một lá non.
Cuồng giận đóa hoa cứng đầu, bà tìm cách trả thù, và giáng chiếu đày hoa Mẫu đơn xuống Giang Nam. Người đương thời có bài “Ngọc lâu xuân tứ”, cảm thương và tán dương vẻ diễm lệ của những đoá Mẫu đơn phong trần phiêu bạt, bị đày ải khỏi mảnh vườn vương giả nơi đế đô.
Thật ra, tổ tiên loài hoa này ở tận Hà Trạch, Sơn Đông. Lạc Dương chỉ là nơi Mẫu đơn tái sinh để đăng quang ngôi vị “quốc hoa”. Người Trung Quốc đặc biệt yêu thích Mẫu đơn, bởi vẻ ung dung quý phái, quốc sắc thiên hương của hoa. Hai bộ phận cành và lá góp phần làm nền cho đoá Mẫu đơn trở nên quyến rũ, đầy sức sống, khi thì đình đình ngọc lập, khi lại dịu dàng như thiên nga soi bóng, khi hư hư thực thực như thiếu nữ trong mơ. Mỗi dân tộc đều chọn cho mình một loài hoa biểu trưng, Bulgari là hoa hồng, Hà Lan với hoa Tulip,… còn Trung Quốc là hoa mẫu đơn.
Nói về nhan sắc, hẳn nhiều loài hoa không thua kém chi mẫu đơn. Nhưng loại nhan sắc cốt cách ung dung thanh thoát, không chịu riu ríu cúi đầu trước cường quyền, thì chỉ mẫu đơn là duy nhất. Thế nên, Mẫu đơn trở thành vua của các loài hoa.
Lạc Dương ngày nay vẫn có 20 vườn hoa chỉ trồng Mẫu Đơn cho du khách thưởng ngoạn. Nổi tiếng nhất là công viên hoa mẫu đơn bên bờ sông Lạc Thuỷ, nơi diễn ra Lễ Hội hoa mẫu đơn hàng năm từ 15/4 đến 25/4. Hoa mẫu đơn trên khắp đất nước Trung Quốc đều tụ về đây khoe sắc đua hương; quyến rũ bao tao nhân mặc khách.
Đa số du khách thích hoa mẫu đơn màu trắng. Phải tinh tế lắm mới nhận ra bên trong cánh hoa màu trắng giản dị và mong manh ấy ẩn chứa nguồn nội lực mà không bạo lực, cường quyền nào lay chuyển được. Chỉ hiện hữu với thế gian trong vòng mười ngày ngắn ngủi, nhưng những gì “Quốc hoa” thể hiện, vẫn sống mãi trong lòng mọi người qua tranh, ảnh, thơ, nhạc…
Mẫu đơn không chỉ nổi danh tại Trung Hoa mà còn là loài hoa chiếm vị trí ưu ái trong vườn hoa thế giới. Khi những nhà truyền giáo Phật đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa Mẫu đơn này. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. Mẫu đơn là hoa Tháng Sáu ở Nhật Bản.
Rồi từ Trung Hoa và Nhật Bản, hoa chu du sang tận đỉnh núi Olympus, và khoác lên mình cái tên Peony, được đặt theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp. Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus để xoa dịu cơn đau của người phụ nữ khi sinh nở. Asclepius hóa ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa Mẫu đơn. Điều đó cho thấy Mẫu đơn được người phương Tây đánh giá cao khi nó trở thành hiện thân của một vị thần.
Ở Đức, hoa Mẫu đơn được gọi là Pfingstrose, dù chúng đã nở trước dịp lễ Pfingsten (Lễ Ngũ Tuần là lễ 50 ngày sau ngày Phục Sinh).
Theo tích kể, Đức mẹ Maria khi nghe tin Chúa bị đóng đinh đã khóc nhỏ hàng nghìn giọt nước mắt lên một bụi hoa hồng. Kỳ diệu thay, vào khoảng lễ Ngũ tuần từ bụi hoa hồng này, nở những bông hoa to lớn, tuyệt đẹp và không có gai …Từ đó, hoa Mẫu đơn hiện diện trên cõi đời.
Bản thân cái tên Mẫu đơn cũng nói lên rất nhiều điều, trong đó chữ mẫu có cái nghĩa hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ, vì mẫu có nghĩa là giống đực, con trống, hay gò đất hoặc chìa khóa. Mẫu ở đây gắn với những gì thiêng liêng, thần thánh. Thế nên, Mẫu đơn trở thành loài hoa thiêng đưa thần thánh, điềm lành và dương khí vào không gian sống. Chữ đơn, hay còn đọc là đan, nghĩa là màu đỏ tươi của son chu sa. Các nhà Đạo sỹ thì đặt lò nhóm lửa thái dược luyện đan. Như vậy, đan là thuốc quý, thông qua sự bào chế công phu bí mật của Thần mới có được. Đan tâm chính là tấm lòng son sắt, thủy chung, không phai nhạt.
Hai chữ Mẫu đơn ghép lại thành loài hoa thần thánh trang nghiêm, mang cái cốt cách cương trực, đoan dung, mỹ hạnh.
Ngắm hoa Mẫu đơn, chợt nhớ vài câu thơ của Bạch Cư Dị:
“Nơi kinh kỳ mỗi mùa hoa thắm,
Bao ngựa xe đi ngắm Mẫu Đơn,
Giang Châu Tư Mã chạnh buồn,
Năm năm cứ nhớ phố phường Tràng An”.
Cổ Văn