Quây quần bên người thân, họ hàng cùng nhau dùng bữa chắc hẳn ai cũng sẽ rất vui, nhưng nếu ở chung một nhà thì không đơn giản chỉ là kê thêm một chiếc giường. Người thân từ xa đến, tốt nhất không nên sắp xếp ở lại nhà mình, có 4 nguyên nhân chính…
Ở lâu ngày sẽ thường xảy ra mâu thuẫn
Một ngày nọ, anh họ của Tiểu Chí đến nhà chơi và có ý định ở lại mấy tháng. Mẹ của Tiểu Chí đã chào đón anh họ bằng một bữa tối rất nồng hậu và sắp xếp cho anh sống ở trên lầu. Nhưng sau đó mới biết, anh họ ở bên ngoài thiếu nợ người ta rất nhiều tiền, nên đang tìm chỗ để trốn nợ.
Mẹ Tiểu Chí biết chuyện liền khuyên can: “Cố gắng kiếm tiền mới là biện pháp tốt nhất, chứ chạy trốn thế này cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề gì!”.
Anh họ nghe xong tức giận nói: “Mới ăn nhờ có mấy bữa, đâu cần phải đuổi nhanh như thế?”.
Chỉ cần nói chuyện qua lại vài câu, giữa những người thân thích liền xảy ra mâu thuẫn và xung đột. Nguyên nhân là, khi họ hàng quá thân thiết, những khuyết điểm và hoàn cảnh gia đình của họ sẽ không thể che giấu, từ đó biến thành đề tài câu chuyện. Thường xuyên nói chuyện qua lại, mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng.
Cũng có một số người thân thích, vì quá thân quen liền “đổi khách thành chủ”, hoàn toàn không còn coi bản thân mình là người ngoài, gây ra những tranh chấp không cần thiết.
Thói quen sinh hoạt bất đồng
Một cư dân mạng từng kể lại rằng, anh ta có một người anh họ đã đến Tân Cương kiếm sống từ nhiều năm trước, từ đó về sau hiếm khi trở về quê nhà ở Hồ Nam.
Năm ngoái, anh họ đưa con về quê và ở nhờ nhà họ hàng. Mặc dù bà con đã lấy ra những bộ chăn ga gối đệm đẹp nhất để tiếp đãi khách nhưng cả đêm anh họ không ngủ vì lo tiếng ngáy của mình sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người.
Buổi sáng anh họ dậy sớm, phát hiện chủ nhà vẫn chưa thức dậy. Để “giết thời gian”, anh họ lặng lẽ ra ngoài đi dạo nhưng kết quả lại đánh thức chủ nhà.
Nói chung, người dân ở các vùng khác nhau có thói quen ăn uống khác nhau. Ví dụ, người Sơn Tây thích ăn chua, người Hồ Nam thích ăn ớt, người Đông Bắc thích ăn hành, và người Thượng Hải thích ăn đồ ngọt.
Nếu mọi người sống chung dưới một mái nhà, nhưng mối quan hệ của họ lại không thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, mà ngược lại bởi vì thói quen khác nhau mà ảnh hưởng lẫn nhau, làm phiền nhau, thậm chí là bài xích lẫn nhau thì tốt nhất không nên ở gần nhau.
Ở lâu ngày sẽ không còn khả năng đáp ứng
Có câu nói rằng: “Cá để 3 hôm bốc mùi, người ở 3 ngày chướng mắt”. Nếu có người thân đến ở nhà bạn, nhưng một thời gian lâu mà vẫn không có ý định rời đi, lẽ nào bạn có thể đành lòng đuổi họ? Nếu bạn cảm thấy không thoải mái nhưng lại không thể nói ra, thì bạn chỉ có thể tự mình mang ấm ức.
Thông thường, khi có người thân ở trong nhà thì sẽ dọn thêm một hoặc hai món ăn phù hợp với khẩu vị và thói quen của họ. Ngày một ngày hai thì có thể chịu được, nhưng nếu trong 1 tháng 2 tháng, thì đoán chừng là không ai muốn điều đó.
Mỗi ngày bạn đều phải cân nhắc tới sở thích của người thân trước khi quyết định ăn gì, xem gì, uống gì và nói chuyện gì, như vậy không khí trong gia đình sẽ trở nên rất thận trọng. Nếu trong gia đình có trẻ nhỏ, có thể chúng sẽ lao vào tranh giành xem TV với người thân.
Mối quan hệ họ hàng thân thích dù tốt đến đâu cũng không thể tốt bằng cha mẹ và con cái. Chỉ có cha mẹ mới có thể nuôi dưỡng con cái suốt cuộc đời. Còn đối với thân thích, bề ngoài thì tỏ ra lịch sự, nhưng thực chất lại ức chế lẫn nhau và cảm thấy không thoải mái.
So sánh lẫn nhau, đắc tội với người
Trong giao tiếp cần chú trọng “giao tiếp lịch sự”, nhưng điều đáng nói là, bạn tốt với người họ hàng này bao nhiêu thì cũng phải làm như vậy với người họ hàng khác, nếu không thì giữa hai người sẽ nảy sinh tâm so bì lẫn nhau.
Ví dụ, nếu con gái của gia đình anh họ kết hôn, bạn mừng 500 ngàn, còn con trai của gia đình em họ kết hôn, bạn mừng 200 ngàn. Khi em họ biết được sự việc, nhất định sẽ nghĩ rằng bạn đang “coi thường” họ.
Tương tự như vậy, nếu bạn tiếp đãi nồng hậu một người thân đến sống ở nhà mình, thì những người thân khác sẽ nhìn chằm chằm vào bạn để xem bạn đối xử với họ như thế nào trong tương lai, tất cả các loại so đo sẽ dần dần xuất hiện.
Trong các mối quan hệ giữa người với người, sự mất cân bằng về cảm xúc, sự ghen tị, nghi ngờ và những cảm xúc khác là điều khó tránh khỏi ngay cả đối với những người thân như anh chị em, chứ chưa nói đến giữa họ hàng với nhau.
Kết luận
Vậy khi người thân từ xa đến, chúng ta nên sắp xếp cuộc sống như thế nào? Đầu tiên, đối với người thân mà bạn quý mến, thì cũng không nên vội vàng tiếp cận, tránh bị người ta nghi ngờ gần gũi chỉ vì quyền lợi.
Thứ hai, đối với người thân mà bạn không có cảm tình thì cũng đừng biểu lộ thái độ chán ghét, dù muốn người thân rời đi cũng đừng quá kích động, cần kiên nhẫn một chút, hãy biểu đạt nó một cách uyển chuyển tùy theo tình huống.
Thứ ba, tốt nhất bạn nên thu xếp cho người thân ở nhà nghỉ hoặc khách sạn gần đó. Hơn nữa cần giao tiếp kịp thời, giải thích việc quyết toán chi phí, sắp xếp đồ ăn thức uống, v.v.
Thứ tư, đối với những người thân gặp khó khăn, chúng ta có thể giúp họ tìm việc làm, giúp họ tự lập thay vì phụ thuộc lâu dài vào bạn.
Thân thích là không thể lựa chọn, nó được quyết định ngay từ khi bạn sinh ra. Không kết giao với người thân thì xem ra quá lạnh nhạt; nhưng quá nhiệt tình sẽ tự chuốc lấy rắc rối cho chính mình. Tốt nhất là bạn nên giữ một khoảng cách nhất định, như vậy cũng sẽ giảm bớt những phiền nhiễu không cần thiết.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)