Vợ chính là hậu phương vững chắc cho người chồng, không chỉ là chăm lo việc nhà mà còn có thể khuyên can khi thấy chồng mình làm những điều không phải. Nhưng để có được dũng khí và sự quyết đoán như người vợ dưới đây thì không phải đơn giản, thật đáng khen ngợi!
Vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, có một nơi buôn bán rất nổi tiếng gọi là Đào Ấp. Đào Ấp có phía Đông giáp với hai nước Tề và Lỗ; Phía Tây là nước Tần và Trịnh; Phía Bắc là nước Tấn và Yên; Phía Nam là nước Sở và Việt, đây đúng là miền đất tuyệt vời để kinh doanh buôn bán.
Phạm Lãi trợ giúp Việt Vương Câu Tiễn phục quốc, sau khi thành công rồi thì lui về ở ẩn, từng chuyển nhà đến Đào Ấp để buôn bán và đã trở thành một thương gia giàu có lúc bấy giờ. Tư Mã Thiên trong “Sử Ký” đã miêu tả về Đào Ấp như sau:
“Bên trong thiên hạ, chư hầu bốn bên, là nơi giao dịch hàng hóa”.
Có một người tên là Đáp Tử, đảm nhiệm chức trưởng quan của Đào Ấp, quản lý Đào Ấp ba năm mà không làm ra được thành tích gì, hơn nữa còn có tiếng xấu, từ lúc làm quan trong nhà trở nên giàu có khác thường. Bởi vì Đáp Tử kiếm tiền bất minh, vợ anh ta đã khuyên nhủ nhiều lần nhưng đều không nghe.
Đáp Tử làm quan 5 năm thì bị cách chức, chở theo 100 xe tài vật về quê hương, họ hàng thân thích đến mổ trâu ăn mừng, duy chỉ có vợ của anh ta thì ôm con nhỏ khóc thút thít không ngớt.
Mẹ của Đáp Tử tức giận mà trách cứ con dâu: “Cô thật là xúi quẩy! Chồng đi làm về mang theo nhiều tiền bạc như vậy, làm vợ đã chẳng ra chúc mừng lại còn khóc lóc không ngừng, không phải là làm cụt hứng rồi sao?”
Vợ Đáp Tử mới quay ra mẹ chồng khóc lóc kể lể: “Chồng con năng lực có hạn, mà chức quan lại lớn, điều này ắt sẽ gây họa. Quản lý Đào Ấp, không vì đất nước mà lập nên thành tích gì, lại thấy trong nhà giàu lên nhanh chóng, đây chính là tai họa đang tích góp từng chút một!
Ngày xưa lệnh doãn Tử Văn của nước Sở, quản lý làm cho quốc gia vô cùng giàu có, mà nhà của mình lại rất nghèo khó. Vua rất tôn kính Tử Văn, dân chúng cũng rất yêu mến, phúc đức ông tích được đều để lại cho con cháu đời sau, tên tuổi còn được lưu truyền đến hậu thế.
Chồng của con lại không như vậy. Tham tiền bạc, coi đây là điều quan trọng, không quan tâm chút nào đến việc có thể để hậu họa cho tương lai, như vậy tất nhiên sẽ dẫn đến mối họa.
Con nghe nói ở Nam Sơn có con báo màu đen, gặp phải mưa dầm không ngớt, thà rằng đói bảy ngày cũng không đi săn. Vì sao vậy? Đó là bởi vì nó muốn giữ cho da lông sáng bóng, hiện lên đường nét, nó sẽ không bởi vì tham mồi, mà làm thương tổn chính mình. Nó đã che giấu tung tích của mình, nên cũng tránh được tai họa.
Heo chó tham lam, cái gì cũng ăn, chúng ăn cho mập thân của mình, cũng là lúc tiến gần đến con dao hơn. Chồng con ở Đào Ấp làm quan, nhà của mình trở nên giàu có rồi, đất nước lại nghèo khó đi. Vua không tôn trọng chàng, dân chúng cũng không kính yêu chàng, đây là dấu hiệu của thất bại! Con hy vọng có thể cùng với con nhỏ rời khỏi nhà này!”.
Mẹ Đáp Tử nghe thấy thế vô cùng phẫn nộ, liền đuổi con dâu hiền ra khỏi nhà. Kết quả, không đến một năm, Đáp Tử bởi vì mắc tội tham ô nên bị xử chém, mẹ của anh ta bởi vì tuổi già, nên may mắn thoát khỏi.
Trong một đêm, tan cửa nát nhà, chỉ còn lại mỗi mẹ già chịu tang đứa con trong đau đớn. Vợ Đáp Tử sau khi nghe được tin người chồng gặp nạn, mang theo con nhỏ quay lại nhà, phụng dưỡng mẹ chồng, để cho bà có thể sống yên ổn những năm tuổi già.
Người đời sau ca ngợi vợ Đáp Tử có thể coi nhẹ lợi ích, giữ vững đạo nghĩa, đồng thời còn có kiến thức phi phàm.
Chân Chân (Theo NTDTV)
Xem thêm: