Tinh Hoa

Giếng bậc thang có 1-0-2 ở Ấn Độ: Giải pháp thông minh của người cổ đại

Ấn Độ là nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ nổi tiếng đã trở thành huyền thoại như đền Taj Mahal, đền tháp Khajuraho… Tuy nhiên, chắc hẳn ít người biết rằng, đất nước này còn sở hữu một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo. Đó chính là giếng bậc thang Chand Baori.

Giếng bậc thang Baori là công trình độc nhất vô nhị chỉ có ở Ấn Độ. (Ảnh: en.wikipedia.org)

Với sự phát triển khoa học kỹ thuật, con người hiện đại luôn tự hào với những gì chúng ta đang sở hữu. Tuy nhiên, những “tiến bộ” đó dường như đã được tổ tiên của chúng ta thực hiện từ rất lâu về trước. Một trong những bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này đó là các công trình cổ kính nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Chúng đại diện cho những thành tựu huy hoàng của các nền văn minh trong quá khứ.

Giếng bậc thang Chand Baori là một trong những công trình cổ đại đáng kinh ngạc nhất từng được tìm thấy ở Ấn Độ. Giếng được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX, với chiều sâu khoảng 30m, gồm 13 tầng và 3500 bậc thang.

Chand Baori được xem là giếng nước sâu và hoành tráng nhất thế giới. Nó được đặt đối diện đền thờ nữ thần Harshat Mata – nữ thần của niềm vui và hạnh phúc – thuộc làng Abhaneri, bang Rajasthan Ấn Độ.

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, nhưng đến nay, Chand Baori vẫn kiên cường với thời gian. (Ảnh: travel.thaiza.com)

Mục đích ban đầu khi xây dựng giếng Chand Baori trong quá khứ là để dự trữ nước cho cộng đồng người dân thời điểm đó.

Với thiết kế gồm nhiều bậc thang theo các hướng sẽ giúp cho việc lấy nước sinh hoạt của người dân dễ dàng hơn và tránh được tình trạng quá tải vào những lúc cao điểm.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Chand Baori là một giải pháp cực kỳ thông minh và thiết thực của người cổ đại. Sau hàng ngàn năm, nó đã trở thành một kỳ quan kiến trúc đối với con người ngày nay.

Cả giếng Chand Baori và ngôi đền Harshat Mata đều được xây dựng dưới thời vua Chand, dù vậy, một số truyền thuyết cho rằng, công trình này được xây dựng chỉ trong một đêm với sự giúp sức của các thế lực siêu nhiên thời cổ xưa.

Đối diện với Chand Baori là ngôi đền thờ nữ thần Harshat Mata, nữ thần của niềm vui và hạnh phúc. (Ảnh: Antichi Splendori)

Chính khí hậu khô cằn và khắc nghiệt nơi đây đã buộc người dân địa phương phải tìm cho mình một nguồn sống bằng cách tự đào một cái giếng lớn và sâu mới có thể bắt được mạch nước ngầm, và hứng nước mưa để sử dụng quanh năm. Chand Baori là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cư dân làng Abhaneri từ hàng thế kỷ nay.

Trên tổng thể nơi này có khá nhiều điểm tương đồng với các công trình kiến trúc khác ở Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng nhận thấy điểm độc đáo của Chand Baori với thiết kế bậc thang với vô số điểm dừng.

Những điểm dừng này cung cấp cho người xem một khung cảnh ngoạn mục khi nhìn từ xa với hàng nghìn đoạn bậc thang nhỏ đang xen lẫn nhau và thẳng tắp từ trên xuống dưới.

Lối vào chính được đặt ở phía bắc của khu giếng nước. Dọc theo hành lang của lối vào, người ta tìm thấy vài ngôi miếu nhỏ thờ một số vị thần cổ đại như Ganesh, Mahishasuramardini và Durga.

Hình dạng chung của Chand Baori là một cấu trúc hình nón nghịch với thiết kế hẹp dần về trung tâm. Nhiệt độ không khí khi xuống gần đáy giếng sẽ giảm khoảng 5 – 6o C.

Hiện nay, do nguồn nước có màu xanh sánh và không đảm bảo vệ sinh nên giếng không còn được sử dụng. Tuy nhiên, giếng lại trở thành một công trình kiến trúc cổ đại nổi tiếng của Ấn Độ, thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm.
Hàng năm Chand Baori thu hút hàng chụ ngàn lượt khách du lịch từ khắp thế giới. (Ảnh: image.kocholo.org)
(Ảnh: worldlab.co)
(Ảnh: Native Planet)

Hoàng An tổng hợp