Khi chúng ta có tiền thì có thể cho đi và giúp đỡ người khác. Nếu giàu có thì chúng ta có thể làm được nhiều điều có ích cho xã hội. Thế nên, giàu có là tốt và rất quan trọng. Điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ.
Câu chuyện về cho và nhận
Có một câu chuyện về “cho” và “nhận” trong Phật giáo như thế này: Hai linh hồn sau khi chết được đưa đến gặp Diêm Vương. Diêm Vương xem xét trong “sách ghi điều tốt và điều xấu” rồi cho mỗi người được lựa chọn một trong hai điều: “sống để cho” hay “sống để nhận”.
Người thứ nhất rất tham lam và muốn cuộc sống không khổ cực nên liền chọn “sống để nhận”. Người thứ hai nghĩ “sống để cho thì có thể giúp đỡ được nhiều người”, và anh chọn “sống để cho”. Và kết quả là, người thứ nhất trở thành kẻ ăn mày, phải sống dựa vào lòng nhân từ của người khác. Người thứ hai là một người giàu có, có thể làm nhiều việc để giúp đỡ người khác bằng khả năng tài chính của mình.
Câu chuyện cũng có ý nói rằng khi bạn giàu có thì bạn có thể cho đi, có thể sống vì người khác. Thế là có người vớ ngay cái cớ này để lao vào làm giàu, lao vào kiếm tiền, với quan niệm rằng “chưa lo được cho bản thân thì lo được cho ai“, hay “khi nào có dư dả thì mới giúp người ngày giúp người kia được chứ“.
Thế nhưng, chúng ta lại quên bén việc định nghĩa thế nào là giàu có, phải làm sao thì là “lo được cho bản thân“, và khi nào mới gọi là “dư dả“. Ham muốn của con người không bao giờ có điểm dừng, có được chiếc xe đạp thì mong có xe máy, có xe máy rồi thì nghĩ đến chuyện mua xe hơi, rồi khi đã chễm chệ trên chiếc xe hơi thì lại muốn đi máy bay. Những lời nói trên nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng thực chất đó chỉ là lời biện minh cho việc bạn không muốn cho đi.
Song song với điều đó, bạn cũng đơn giản nghĩ rằng, giúp người là cho người ta chút tiền, mua cái này mua cái kia, vì “có tiền mua tiên cũng được cơ mà“. Thực tế, tiền không mua được tiên, đây là câu nói thể hiện thái độ miệt thị xem thường Thần linh, và nó dẫn dắt bạn đi đến tâm lý coi trọng đồng tiền hơn tất cả mọi thứ.
Vẫn có những thứ mà tiền không thể mua được.
Một người bất ngờ qua đời vì tai nạn, bạn không thể dùng tiền để mua lại sinh mệnh của anh ta.
Bao nhiêu người dẫu có tiền chất như núi nhưng mắc bệnh nan y không chữa được, thì có nhiều tiền cũng vô dụng.
Khi một người đang đau khổ tuyệt vọng vì mất người thân trong tai nạn hay thảm họa, bạn không thể dùng tiền để xoa dịu nỗi đau của họ.
Một đứa trẻ lớn lên không cha, không mẹ, không người thân thì điều chúng khát khao không phải là tiền.
Và khi một người mất hết lòng tin và yêu thương dành cho bạn, bạn cũng không thể dùng tiền để mua lại cho họ niềm tin yêu.
Tiền không phải mang sức mạnh vạn năng như theo lời của những người tôn thờ đồng tiền mà bỏ quên các giá trị khác còn quý hơn nhiều.
Có câu chuyện kể rằng, một vị tu sĩ hành khất đi ngang qua nhà một bà lão nghèo, khi đó bà đang rất đói, trong nhà cũng không có gì ngoài bát nước gạo mà hàng xóm cho; vậy mà khi thấy vị hành khất, bà không ngần ngại chia bớt bát nước gạo cho ông. Người hành khất ấy là hóa thân của một vị Phật. Vị Phật cảm động trước tấm lòng của người phụ nữ này mà ban cho bà phúc phận 3 đời.
Rõ ràng câu chuyện nói lên đạo lý rằng, giàu có bạn có thể cho đi, nhưng nghèo khó bạn vẫn có thể cho đi. Điều quan trọng là bạn có thật sự muốn cho hay không, và mục đích thật sự khi bạn muốn giúp đỡ người khác là gì, là muốn tốt cho họ hay là để “mua” cái tiếng thơm được làm “người tốt bụng”.
Giúp đỡ người khác quan trọng là ở tấm lòng. Thần Phật cũng chỉ nhìn nhân tâm, chứ không xét người ta cho nhiều hay ít.
Xét ở một khía cạnh khác, giàu có đến từ phúc đức. Như câu chuyện của hai người đàn ông trên, và cả bà lão nọ, người đàn ông được giàu có vì ông ta đã biết nghĩ đến người khác khi đưa ra lựa chọn của mình, bà lão sau này cũng giàu có vì đã làm việc thiện.
Thế nên, giàu có xuất phát từ tấm lòng thiện lương, cụ thể hơn chính là đức, và cho đi cũng chính là nhận lại.
Hiểu đúng về giàu có
Trong bài viết “Nghèo là một cái tội?” của ông Alan Phan, có đoạn chia sẻ rằng:
“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chính. Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chính.
Như vậy, một người để hội đủ tiêu chuẩn một người giàu có thật sự thì ngoài việc vững vàng về tài chính thì họ còn cần phải có một đời sống tinh thần phong phú, một sức khỏe tốt, một tấm lòng rộng mở đối với cộng đồng xã hội, một trí tuệ khoáng đạt, luôn biết tìm tòi học hỏi, chấp nhận những điều mới lạ. Như Bill Gate hay Steve Job, họ đều không xem tiền là một mục tiêu đầu tiên khi khởi nghiệp mà là vì muốn cống hiến hay làm điều ý nghĩa phù hợp với đam mê và kiến thức hiện có.
Nếu giàu có chỉ đơn thuần là có nhiều tiền thì cuộc sống người ấy sẽ trở nên đơn điệu, và mọi thứ trong cuộc đời cũng sẽ chỉ xoay quanh hai chữ “hưởng thụ”. Người như thế liệu có thể biết nghĩ cho người khác.
Nếu giàu có được xây dựng trên nền tảng của sự vô đạo đức, không đặt lợi ích của cộng đồng lên trên mà chỉ xem trọng lợi ích cá nhân, thì sự giàu có này chẳng phải là điều hết sức nguy hại cho xã hội. Điều này chúng ta đã được thấy quá rõ thông qua những người làm ăn gian dối, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người dân hoặc tìm mọi cách để lừa đảo và đẩy người ta vào con đường khốn cùng.
Tất cả chỉ muốn nói lên rằng, giàu có là tốt và rất quan trọng, nhưng đạo đức và cách làm người chân chính thì tốt và quan trọng hơn rất nhiều.
Hàn Mai, tham khảo từ bài viết “Vài suy nghĩ về giàu có” trên blog coffeetrithuc