Tinh Hoa

Giải mã hiện tượng lạ: Sinh con ra mà không phải là cha mẹ ruột

Hiện tượng y học hiếm hoi có tên là chimerism đã gây ra một số trường hợp kỳ lạ, khi đứa trẻ sinh ra không mang ADN của cha mẹ.

Sinh ra con nhưng vẫn không phải cha ruột - hiện tượng kỳ lạ chứng minh trên đời chuyện quái gì cũng có thể xảy ra - Ảnh 2.
Tình trạng chimerism xảy ra do hiện tượng cặp song sinh nhưng hòa vào làm một. (Ảnh: Internet)

Năm 2015, một ông bố người Mỹ 34 tuổi cùng vợ sinh ra một cậu con trai. Nhưng, xét nghiệm ADN cho thấy anh không phải là cha ruột. Các nhà nghiên cứu phát hiện đứa trẻ hóa ra là con của ông bác – anh trai song sinh với người bố nhưng đã bị cơ thể cậu em nuốt mất khi cả hai là bào thai trong bụng mẹ.

Lo ngại bệnh viện hỗ trợ sinh sản có nhầm lẫn, cặp vợ chồng này gửi kết quả xét nghiệm huyết thống đến, yêu cầu giải thích. Phía bệnh viện khẳng định người chồng này là người da trắng duy nhất hiến tinh trùng tại bệnh viện trong ngày con trai họ được thụ thai, và cậu bé cũng có da trắng.

Trường hợp này thuộc một tình trạng hiếm gặp được khoa học gọi là chimerism hay chimera. Trong tự nhiên, gene chimera sẽ xuất hiện trong quá trình thụ thai đôi. Hai phôi thai sẽ có cấu trúc di truyền khác nhau, nhưng vì một lý do nào đó lại kết hợp thành một trong thời kỳ đầu, hoặc do một phôi bào thoái hóa nên bị phôi còn lại hấp thụ.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ cấu trúc di truyền ấy sẽ được đồng hóa, vì việc có quá nhiều nguyên liệu gene sẽ khiến đứa trẻ tử vong. Thay vào đó, một số tế bào sẽ lẩn khuất bên trong bào thai còn sót lại mà không bị đào thải. Và thế là đứa trẻ sinh ra sẽ có đến 2 cấu trúc di truyền, 1 của đứa trẻ sống sót, 1 của người anh em song sinh.

Minh họa cho quá trình chimerism: Cậu bé được cặp vợ chồng nọ sinh ra, nhưng lại là con sinh học của người bác. Người bác này là bào thai song sinh đã bị cậu em nuốt mất từ khi còn trong bụng mẹ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cứ 8 đứa trẻ sinh một chào đời thì có một trường hợp mà người mẹ khi mang bầu đã bắt đầu với đa thai. Sau đó, tế bào của một thai khỏe hơn sẽ hấp thu tế bào của thai song sinh và chiếm lấy, mang nó trở thành một phần cơ thể mình. Tình trạng này rất hiếm khi được phát hiện thông qua các xét nghiệm ADN.

Trước kia, thậm chí đã có trường hợp mẹ sinh con ra nhưng không được công nhận là mẹ ruột. Nổi tiếng nhất là Lydia Fairchild – người đã nhiều lần viết đơn xin trợ cấp nuôi con cho các nhà chức trách, nhưng không được chấp nhận vì kết quả ADN không trùng khớp. Cô thậm chí còn bị tước quyền nuôi con, vì cho rằng đã “trộm cắp 2 đứa trẻ ở đâu đó”.

Mọi chuyện chỉ sáng tỏ sau khi Fairchild được xác định là một Chimera, và cô cũng trở nên nổi tiếng từ đấy.

Lydia Fairchild – một trường hợp rất nổi tiếng về gene Chimera. (Ảnh: Chimerism Journal)

Sau này, nhiều trường hợp bị chimerism đã được biết đến hơn. Mới đây, tình trạng chimerism cũng khiến cơ thể của Taylor Muhl 33 tuổi (Mỹ) biến đổi lạ thường. Theo Deccanchronicle, Taylor luôn nghi ngờ mình có một người em song sinh và không bao giờ nghĩ rằng vết bớt trên bụng mình lại chính là dấu hiệu người em song sinh đã kết hợp với cơ thể của cô. Cô gái thực sự đã hấp thụ người em sinh đôi của mình ngay khi còn trong bụng mẹ. Mãi sau này, cô mới được chẩn đoán mắc tình trạng chimerism.

Tình trạng này khiến mọi bộ phận ở phần cơ thể bên trái của Taylor đều lớn hơn bên phải, thậm chí cô còn có 2 hệ thống miễn dịch và 2 dòng máu. Đặc biệt, thân của cô gái trẻ được chia thành 2 màu da. Ngoài ra, cô luôn phải chịu đựng bệnh tật, thường xuyên bị cảm lạnh, chứng đau nửa đầu và rối loạn kinh nguyệt.

“Hiện tượng chimera ở người rất phổ biến nhưng cực kỳ khó xác định và chỉ lộ ra ánh sáng trong những tình huống rất ngẫu nhiên”, nhà sinh học Charles Boklage từ Đại học East Carolina cho biết. Ước tính, trên thế giới chỉ có 100 người mắc bệnh này.

Theo TS. Dieter Egli từ ĐH Columbia, chimerism còn xảy ra với các trường hợp cấy ghép nội tạng, và trong các thí nghiệm tế bào gốc mà chính bản thân ông đang thực hiện. “Thứ chúng ta cần tìm hiểu là liệu hiện tượng chimerism có ảnh hưởng đến con người, về cách họ cảm nhận danh tính của bản thân. Đây là điều rất quan trọng, vì chúng ta đang bắt đầu sử dụng công nghệ cấy ghép tế bào trong điều trị”.

Hồng Liên (t/h)