Vào thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã trở thành cái tên “danh chấn thiên hạ” với tài năng được ngàn người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, có một cao nhân lại khiến Gia Cát Lượng “tự thẹn không bằng”, từng tốn rất nhiều công sức chiêu mộ…
Cuối thời Đông Hán, hào kiệt đông lên, quần hùng tranh giành. Thời kỳ này xuất hiện rất nhiều người tài giỏi khác thường, tài năng xuất chúng, chẳng hạn “Ngọa Long” Gia Cát Lượng, “Phượng Sồ” Bàng Thống, đều là nhân tài kiệt xuất.
Bản lĩnh của Thừa tướng triều Thục Hán Gia Cát Lượng được đánh giá là “tiếu ngạo quần anh”, dù chưa phải “tuyệt đỉnh cao thủ” nhưng những nhân vật có khả năng tề danh cùng ông không nhiều. Tuy vậy, trong nội bộ Thục Hán có một nhân vật xứng danh là “cao nhân”, mà bản thân Khổng Minh vô cùng kính nể.
Người này không chỉ khiến Gia Cát Lượng hao tâm tốn sức chiêu mộ về trướng Lưu Bị mà còn được ông công khai ca ngợi: “Về bản lĩnh bày mưu tính kế, Lượng thua xa Tử Sơ”. Vị cao nhân “Tử Sơ” mà Khổng Minh nhắc đến, không ai khác chính là Thượng thư lệnh Lưu Ba. Trong “Tam Quốc Chí”, Thục Thư đã dành một chương để nói về ông.
Lưu Ba quy thuận quân Tào
Lưu Ba tự là Tử Sơ, sinh ra tại phía Nam quận Linh Lăng, thuộc Kinh Châu thời bấy giờ. Lưu vốn xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm quan lại. Ông nội của Lưu Ba là Lưu Diệu, từng làm quan tới chức Thái thú Thương Ngô. Phụ thân Lưu Tường cũng từng đảm nhiệm chức Thái thú Giang Hạ, Tướng quân Đãng Khấu.
Lưu Ba từ nhỏ đã thông minh xuất chúng, nhưng lại kiêu ngạo, hay khinh thường người khác. Bởi vậy, ngay cả khi cùng mang họ Lưu, nhưng Lưu Ba vẫn luôn coi rẻ Lưu Bị vì xuất thân làm nghề bán giày.
Tháng 7 năm Kiến An thứ 13 (năm 208), Tào Tháo xuất quân xuống phía Nam chinh phạt Kinh Châu. Lúc đó Lưu Bị đang ở nhờ Kinh Châu, đóng quân ở Phàn Thành, nghe nói Lưu Ba quy hàng Tào Tháo, liền đem quân rút lui đến Hạ Khẩu.
Rất nhiều danh sĩ ở Kinh Châu đều đi theo Lưu Bị, chỉ có Lưu Ba lại tiếp kiến Tào Tháo. Tào Tháo ngưỡng mộ tài năng của Lưu Ba, bổ nhiệm ông làm quan, lại để cho ông chiêu nạp dân chúng ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương.
Tháng 12/208, trong trận Xích Bích, Tào Tháo bị đại bại, Lưu Bị đã đánh chiếm bốn quận Vũ Lăng, Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng. Lưu Ba không cách nào chiêu nạp được dân chúng ba quận, cũng không thể trở về phục mệnh, liền đi du ngoạn Giao Châu, nghĩ cách trở về phương Bắc.
Gia Cát Lượng níu giữ bậc anh tài
Lúc ấy Gia Cát Lượng ở Lâm Chưng, Lưu Ba viết thư cho Gia Cát Lượng nói: “Tôi trải qua gian nguy, vốn định thuận theo ý trời, thuyết phục dân chúng, khiến cho các quận ở Kinh Châu quy thuận Tào Công. Nhưng mọi người chỉ nghĩ đến tư lợi, không màng tới đạo nghĩa, tôi không cách nào dùng ngôn ngữ khuyên bảo bọn họ được. Nếu đúng là thời vận không tốt, tôi đành phải lưu lạc biển cả, không trở về Kinh Châu nữa“.
Gia Cát Lượng nhanh chóng phúc đáp lại một phong thư, viết là: “Lưu Công (Lưu Bị) anh hùng cái thế, chiếm cứ đất Kinh Châu. Mọi người kéo nhau quy thuận theo Thục, ý dân lòng trời hướng vào ai, chẳng phải đã rõ rồi sao. Ngài còn muốn đi đến nơi nào nữa?”.
Lưu Ba hồi âm nói: “Tôi phụng mệnh mà đến, cho dù không thành công, cũng nên trở về, đây là chuyện đương nhiên rồi. Ngài cần gì phải hỏi tôi đến đâu?”.
Hiến kế cho Thục Hán giải nạn
Trong thư gửi cho Lưu Ba, Gia Cát Lượng nói Lưu Bị anh hùng cái thế, lòng người quy thuận nhưng lúc đó Lưu Ba không cho là như vậy. Ông đi đến Giao Chỉ, thay tên đổi họ, về sau bởi vì không hợp ý với Thái Thú quận Giao Chỉ, lại đi đến Ích Châu, giữ chức dưới quyền Lưu Chương.
Năm Kiến An thứ 19 (năm 214), Lưu Bị đánh hạ Ích Châu, Lưu Ba mới quy hàng Lưu Bị. Gia Cát Lượng tiến cử Lưu Ba với Lưu Bị, khen ngợi tài năng của Lưu Ba, Lưu Bị liền ban thưởng chức quan cho Lưu Ba.
Lưu Bị lúc khai chiến với Lưu Chương từng ước định với quân sĩ: “Nếu như đại sự có thể thành, tài vật trong phủ khố của Lưu Chương tùy ý cho các ngươi đi lấy, ta sẽ không can thiệp vào”.
Sau khi đánh hạ thành đô, tất cả binh sĩ đều ném binh khí, đuổi tới phủ khố Lưu Chương lấy bảo vật, kết quả làm quốc khố trống rỗng. Lưu Bị vì thế vô cùng lo lắng.
Lúc này Lưu Ba đã hiến kế: “Việc này đơn giản, đúc tiền lưu hành đồng bộ, thống nhất vật giá, thi hành chế độ đấu giá công khai”. Lưu Bị làm theo lời ông, chỉ trong vài tháng đã thu được ngân sách dồi dào.
Mùa thu năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Lưu Bị đăng cơ tại Hán Trung, bổ nhiệm Lưu Ba làm Thượng Thư, toàn bộ “bản thảo diễn văn” của Bị đều xuất phát từ cây bút của Lưu Ba. Bộ luật “Thục khoa” của triều Thục Hán, thực chất là sản phẩm của 5 bộ óc thông minh: Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Lưu Ba, Lý Nghiêm, Y Tịch, đủ thấy bản lĩnh Lưu Ba không tầm thường.
>>>Kỳ nhân số 1 thời Tam Quốc, đến cả Gia Cát Lượng cũng phải nể trọng
>>>Tư Mã Ý có thực sự mắc mưu Gia Cát Lượng trong “Không thành kế”?
Tuệ Tâm, theo NTDTV