Có câu rằng: “Ngôn tùy tâm sinh”, trong tâm thật sự tôn trọng người khác thì mới có thể nói ra được những lời thiện ý, hoàn toàn khác biệt với sự giảo biện ở bề ngoài, làm tổn thương người khác rồi viện cớ là “thẳng thắn”.
Thời trung học, lớp tôi có một bạn nữ quê ở phía Nam, bạn ấy có làn da trắng, thân hình nhỏ nhắn xinh xắn, giọng nói ngọt ngào, nếu so với người ở miền Bắc chúng tôi thì khí chất rõ ràng là hơn hẳn.
Tôi và cô ấy chơi với nhau rất thân, có bí mật hay gặp những phiền muộn gì tôi đều tâm sự hết với cô ấy. Có khi gia đình cô ấy gặp chuyện, tôi đã thức suốt đêm để nói chuyện an ủi cho cô khuây khỏa.
Một lần, cô ấy xích mích với mấy bạn trai, tôi thấy rất lo lắng nên muốn giúp cô tìm cách giải quyết. Nhưng khi tôi nói ra những biện pháp của mình, cô ấy lại hời hợt nói: “Việc này có gì đáng lưu tâm sao?”, “Chút chuyện này có gì đáng buồn đâu”…
Sau mấy lần như vậy, lòng tôi bỗng dửng dưng đi rất nhiều. Sau đó, có bạn học nói rằng cô ấy thẳng tính, có gì thì nói nấy. Khi đó chúng tôi rất khinh bỉ sự “dối trá”, rất sợ bị người khác mắng là “dối trá”. Thế là kiểu nói thẳng “không dối trá” của cô ấy lại được nhiều bạn trong lớp lấy làm chuẩn mực.
Năm 2002, tôi tốt nghiệp đại học và đi làm. Tôi thuê phòng trọ nhỏ và ở ghép với một chị lớn hơn tôi vài tuổi, chị ấy làm cho công ty Skillnet. Tôi đã dại khờ tin rằng mình đã gặp được một người đi trước tri âm có thể chia sẻ những kinh nghiệm và chỉ ra những thiếu xót cho mình…
Mùa thu năm đó, công ty của tôi tổ chức đại hội thể dục thể thao, mỗi người được phát một bộ quần áo thể thao. Đó là bộ đồ hàng hiệu đầu tiên mà tôi có từ lúc chào đời tới nay. Thật không thể chờ đợi được, tôi về nhà là mặc thử ngay.
Chị ấy thấy vậy, không che giấu thái độ khinh thường tôi, nói: “Đúng là quê mùa, đây là thời trang năm trước rồi, thế mà cũng vui mừng đến vậy”.
Hai ngày sau, chị ấy cần tôi giúp đỡ, thái độ liền thay đổi, không ngạo mạn, mà cười đùa nói: “Tiểu Lý, chị là người nói chuyện thẳng thắn, em chớ để ý nhé”.
Bên tai tôi lập tức vang lên một ca khúc tiếng Anh:
“Bạn làm tổn thương tôi, còn cười được sao.
Đây thực chất không phải là vấn đề thẳng thắn.
Tôi cũng không phải là thánh nhân, tại sao lại không để bụng?”
Tôi làm nhân sự được mười năm, tôi đã thấy quá nhiều chiêu bài “thẳng thắn”, gặp quá nhiều người không có trách nhiệm với lời nói của mình.
Bởi vì “thẳng”, có thể muốn gì làm nấy, muốn nói gì thì nói sao?
Bởi vì “thẳng”, có thể ăn nói lung tung trút ra hết oán hận chất chứa sao?
Bởi vì “thẳng”, tất cả mọi người phải nhường chỗ cái “không nói dối” của họ?
Bởi vì “thẳng”, tất cả lời nói lỗ mãng liều lĩnh, từ ngữ không thích đáng đều phải được tha thứ sao?
Đây mới chính là giả dối, mới là ngụy biện không thẳng thắn, là ích kỷ, nói chuyện không lịch sự, không quan tâm đến cảm thụ của người khác, không khắc chế cảm xúc, không kiêng nể, chỉ nghĩ tới sự thoải mái của mình.
Trong công việc, có hai loại người tương phản với nhau: Một loại sợ người khác thoải mái, gắng sức làm cho người ta không thoải mái, để mình được thoải mái; còn một loại sợ người khác không thoải mái, tận sức làm cho người khác thoải mái, cho dù là mình bị oan khuất cũng không quan tâm.
Ngành nhân sự tôi làm, cụ thể công việc của tôi là người chuyên đi săn nhân tài nên tôi có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với những giám đốc lương cao mấy trăm triệu, thậm chí có người lương cao cả tỷ đồng.
Vậy những vị giám đốc này có gì khác nhau? Câu trả lời của tôi là, tổng giám đốc lương càng cao, thì khi giao tiếp họ càng khiến bạn cảm thấy thoải mái.
Nói chuyện với giám đốc lương cao dù 3 tiếng đồng hồ cũng không thấy mệt mỏi, bất luận chúng tôi nói ngọt bùi cay đắng như thế nào, họ luôn đáp lại bằng những câu nói lịch sự nhã nhặn. Tựa như luyện Thái Cực Quyền, vô luận là chiêu thức gì, toàn bộ đều là lấy nhu thắng cương.
Đây chính là chiêu thức của cao thủ, hóa giải vấn đề một cách vô hình và im lặng. Họ sở dĩ có được mức lương cao đến vậy, là vì giá trị của họ xứng đáng với nó. Mức độ khiến người khác thoải mái khi giao tiếp cũng chính là một chỉ tiêu để đánh giá tầm cao của một người.
Khi nói chuyện với người lương càng thấp, thì càng không thỏa mái. Họ rất dễ khiến người nghe bực mình. Những khúc mắc trong giao tiếp giữa người với người, khiến cho cảm giác không thoải mái cứ đeo đẳng, bầu không khí cũng trở nên căng thẳng hơn.
Bạn không để cho người khác thoải mái, thì người khác cũng sẽ khiến bạn không thoải mái. Muốn tăng lương, thì hãy học cách nói chuyện khiến người khác thoải mái, cải thiện khả năng nói chuyện và quan trọng hơn là tu dưỡng bản thân cho tốt, bởi vì “ngôn tự tâm sinh”.
Trong những niên đại chiến tranh, bên nào cũng dùng trăm phương ngàn kế để tiêu diệt quân địch, nghĩ cách làm cho bên địch không thoải mái. Trong những năm hòa bình thì hoàn toàn ngược lại, người ta lại phải dùng mọi cách để làm cho đối phương thoải mái hài lòng, vậy mới có thể thành công.
Nhìn một khía cạnh khác thì đây cũng chỉ là phép lịch cần thiết trong giao tiếp, nói chuyện thì ai cũng có thể, nhưng nói ra được những lời khiến người người khác thoải mái, lại chính là nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp thật sự rất quan trọng.
Những người tự xưng là thẳng tính, thực chất chỉ là dùng “nhanh mồm nhanh miệng” để ngụy trang cho việc tổn thương người khác, bản chất thực sự là ích kỷ.
Trong cuộc sống phức tạp này, không phải lúc nào chúng ta cũng duy trì được thiện tâm, thiện ý. Nhất niệm khởi, nhất niệm diệt (niệm xấu vừa khởi lên, liền tiêu diệt nó ngay) thì mới đúng là tu dưỡng.
Đừng lấy thẳng thắn làm lý do. Phải suy nghĩ trước khi nói ra khỏi miệng kẻo vô tình làm tổn thương ai đó.
Lê Hiếu, dịch từ Cmoney.tw