Có câu châm ngôn rằng: “Hãy khiêu vũ như không ai nhìn thấy bạn; hãy yêu như bạn không bao giờ bị tổn thương; hát như không có ai nghe thấy”. Tuyệt đối đừng để lạc mất mong muốn thực sự của bản thân chỉ vì sự đánh giá của người khác, như vậy không đáng, cũng không có được niềm vui thực sự.
Chúng ta có đang sống trong mắt người khác?
Bạn tôi gần đây bỏ ra 1,5 tỷ để mua một chiếc xe mới, từ xa đến tìm tôi chơi. “Cậu nhắn địa chỉ cho tớ, tớ đến đón cậu, chúng ta đi lên núi chơi đi”.
Tôi đứng ở đầu ngõ nhìn thấy chiếc BMW sáng chói, mới biết cậu ấy đã đổi xe mới. Tầm này năm ngoái, tôi thấy cậu ấy vẫn còn lái chiếc POLO. “Ồ, cậu giàu thật rồi, đổi BMW luôn!”. Cậu ấy cười ha ha.
Trên đường, cậu ấy giới thiệu cho tôi về chiếc xe này, hộp số tự động 8 cấp, nút bấm khởi động, loa Harman Kardon gì gì đó, cũng cho tôi chiêm ngưỡng các tính năng điều khiển và thư giãn của xe.
Tôi có cảm giác như mình đang ngồi trên xe của một nhân viên bán xe hơi vậy, bèn cười nói: “Tớ biết cậu mua BMW rồi, đổi đề tài khác đi!”.
Cậu ấy hơi ngượng ngùng, thật ra chính cậu ấy cũng không muốn mua chiếc xe này, bởi vì cậu ấy thích việt dã, thích tự lái. Đối với cậu ấy mà nói, chiếc SUV thuần túy việt dã mới là thứ mà cậu ấy yêu thích nhất.
Cậu ấy kể lại một lần cùng bạn bè đi chơi thảo nguyên và sa mạc, lúc đó cảm thấy nếu một ngày mình có tiền, nhất định phải mua một chiếc Land Cruiser.
Khi nói chuyện đó mắt cậu ấy sáng rỡ, tôi nhìn cậu ấy nói về điều mình yêu thích, không biết làm gì hơn, chỉ nhỏ giọng nói: “Nếu tớ là cậu, tớ sẽ mua Mitsubishi Pajero, hoặc Toyota Prado”.
Cậu ấy nói mình cũng đấu tranh tư tưởng khá lâu, cuối cùng vẫn quyết định mua một chiếc BMW, nguyên nhân thì tôi hiểu rồi. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của Kitano Takeshi.
Trước khi Kitano Takeshi nổi tiếng, ông thường mơ tưởng một ngày có tiền nhất định phải lái xe thể thao, ăn nhà hàng sang trọng. Nhưng đến lúc thực sự thành công, ông cảm thấy lái chiếc Porsche cũng không tuyệt như mình nghĩ, bởi vì ông “không nhìn thấy dáng vẻ của mình khi lái Porsche”.
Cho nên ông để bạn mình lái, còn mình ngồi taxi đi theo phía sau, còn thường nói với tài xế: “Nhìn kìa, đó là xe của tôi”.
Lúc tôi ở thành phố cũng có một người bạn cùng phòng giống như vậy, tất cả tiền phải tiêu ở những thứ người khác thấy được. Mua quần áo, hầu như đều là hàng hiệu, bộ đồ nào phía trước và sau lưng cũng phải có tên hãng thật to, đứng cách cả cây số cũng thấy, cho dù hôm nào sương mù trời cũng nổi bần bật.
Cậu ta cũng thích các sản phẩm điện tử, chỉ cần các công ty công nghệ vừa ra mắt sản phẩm mới gì, dù là không hiệu quả hay không cần thiết, cậu ta trước tiên cũng phải có một cái, rồi đăng lên mạng xã hội để khoe.
Cậu ta thích tiệc tùng, ăn là phải vào nhà hàng cao cấp, cho dù phí sinh hoạt của tháng đó thiếu trước hụt sau. Còn tặng quà cho người khác thì dù có phải bán thận, cũng phải là tặng một món quà thật hoành tráng.
Tôi nói đùa với cậu ấy: “Cảm giác này của cậu giống như đi Starbuck uống một ly cà phê, không chụp một tấm hình mà đăng lên, ly cà phê này chẳng khác gì là uống chùa nhỉ”.
Ở tập thứ nhất trong mùa thứ ba của phim truyền hình “Black Mirror” của Anh, nhân vật nữ chính cũng miêu tả chân thực cảnh tượng “sống cuộc sống do người khác chấm điểm”. Cho dù là những việc nhỏ nhặt nhất, hoặc là gặp phải người cực kì đáng ghét, đều phải ứng phó thận trọng để dành được sự yêu thích của người khác, sợ mình làm điều gì sai thì người khác sẽ không thích hoặc không đánh giá tốt nữa.
Trong bộ phim có một chi tiết nhỏ mà tôi rất ấn tượng. Nữ nhân vật chính sáng sớm đi uống cà phê, cô ấy cắn một miếng bánh quy, cái bánh đó dở tệ, nhưng cô ấy vẫn để miếng bánh cạnh ly cà phê, rồi chụp một tấm hình như thể đang hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp, sau đó đăng lên mạng xã hội.
Đối với cô ấy mà nói, đánh giá của người khác quan trọng hơn nhiều so với ly cà phê và chiếc bánh quy của mình. Ở trong một thế giới luôn chấm điểm người khác, ai cũng ra sức tô vẽ cuộc sống của mình, dường như chỉ có vậy mới có thể bù đắp sự thiếu hụt của mình trong mắt những người khác.
Người chín chắn không sống vì ánh nhìn của người khác
Sống cho người khác xem, ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc sống của chúng ta là sự ghen tỵ và so sánh, sau đó là lạc mất chính mình.
Từng có một độc giả chạy tới khóc kể lể với tôi, bạn gái chê anh ta nghèo, đòi chia tay với anh ta, rồi hỏi tôi phải làm sao đây. Tôi nói vậy thì từ biệt đi cho hai bên bớt phiền muộn, mỗi người đều vui vẻ, từ nay về sau trời cao đất rộng, chúc cô ấy hạnh phúc.
Anh ta nghiến răng nghiến lợi nói: “Không được, tôi nhất định phải chứng minh cho cô ấy thấy, cô ấy bỏ tôi là điều tiếc nuối nhất trong đời cô ấy, tôi nhất định sẽ phất lên như diều gặp gió, sau đó cưới một người vợ tốt hơn, rồi đi gặp cô ấy để cho cô ấy hối hận”.
Sau đó tôi kể cho anh ta nghe một câu chuyện mà tôi từng chứng kiến: Có một đôi từng yêu nhau sâu đậm, bởi vì người con trai muốn đánh liều đến thành phố lớn làm ăn, cũng muốn mang bạn gái đi cùng, thế nhưng cô gái thì muốn ở lại làng quê ổn định cuộc sống, cuối cùng họ chia tay.
Người con trai sau khi công thành danh toại, anh ta đến nhà của cô gái để chứng minh cho cô gái thấy, muốn khiến cho cô gái hối hận về lựa chọn của mình, nhưng lại phát hiện ra cô gái kia cũng sống rất hạnh phúc.
Đôi khi nên nhớ, chúng ta vì đánh giá quá cao chính mình, nên mới càng để ý đến ánh mắt của người khác.
Giống như một người nào nó viết trên mạng: “Tôi rất sợ bị người khác chụp ảnh, vô cùng sợ. Có lúc nhìn ảnh chụp xong mà muốn khóc, tại sao mình chụp nhìn ra thế này, tôi không tin tôi trông như thế này. Sau đó người khác nhìn thử, còn tỉnh rụi nói, bình thường mà, cậu lúc nào chẳng thế. Trời ơi, những lúc đó cảm giác như cả thế giới sụp đổ vậy!”.
Tôi từng đăng một tấm hình tự chụp trên mạng, chụp tôi lấy hai sợi dây từ áo hoodie cắm vào lỗ mũi mình, còn ghi bình luận: “Cuối cùng cũng đã biết công dụng của hai sợi dây này”.
Rất nhiều bạn bè nhắn lại: “Này, cậu cũng còn có fan hâm mộ, chú ý hình tượng chút đi”; “Nhìn tấm hình này của cậu, tôi quyết định bấm nút bỏ theo dõi”.
Scotland có một câu châm ngôn: “Hãy khiêu vũ như không ai nhìn thấy bạn; hãy yêu như bạn không bao giờ bị tổn thương; hát như không có ai nghe thấy”.
Tuyệt đối đừng để lạc mất mong muốn thực sự của bản thân chỉ vì sự đánh giá của người khác, như vậy không đáng, cũng không có được niềm vui thực sự.
Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc là một con đường.
Tuệ Tâm (Biên dịch)