Nhiều người nghĩ không có đường thì không lo tăng cân. Quan niệm này hết sức sai lầm! Một nghiên cứu gần đây đã hé mở dùng thực phẩm, nước uống “ăn kiêng” chứa chất tạo ngọt nhân tạo dễ dẫn đến tiểu đường và béo phì.
Sức khỏe ảnh hưởng khi sử dụng nước ngọt không đường
Sau hàng loạt thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xác minh việc uống nước giải khát có đường sẽ khiến bạn bị béo phì, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường, thậm chí có thể thay đổi DNA. Tuy nhiên, loại không đường cũng có tác hại tương tự. Các nghiên cứu đã cho thấy việc dùng nước ngọt không đường gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ, cũng như làm tăng cân.
Nước ngọt không đường chứa các loại hóa chất và chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây hại cho cơ thể. Mặc dù những chất này đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận nhưng sau vài thế kỷ, các nhà khoa học đã nhận ra sự ảnh hưởng của các chất tạo ngọt nhân tạo trên cả con người và động vật.
Ngoài ra, các chất tạo ngọt nhân tạo trên có thể khiến bạn thèm ăn. Khi chúng ta dùng loại đường thông thường, cơ thể có thể nhận ra được vị ngọt và biết nó chứa nhiều calo. Tuy nhiên, các chất tạo ngọt nhân tạo lại đánh lừa nhận thức của cơ thể, khiến chúng ta mất đi khả năng tính toán lượng calo.
Không đường không có nghĩa là không calo
Một công trình vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hội Sinh lý Mỹ tổ chức ở San Diego. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học y Wisconsin và Đại học Marquette đã thử nghiệm trên chuột và chỉ sau 3 tuần thay thế đường thông thường bằng chất tạo ngọt, những con chuột đã thể hiện sự thay đổi đáng ngại về quá trình sinh hóa, chuyển hóa chất béo và axit amin.
Các con chuột thí nghiệm được chia thành 4 nhóm, nhóm dùng đường glucose (đường nho), nhóm dùng đường fructosen (đường mật), nhóm dùng cả 2 loại đường trên và nhóm còn lại dùng chất tạo ngọt thay thế aspartame (một loại đường hóa học, có thể xem là “không calo”, nhưng khi phân giải trong cơ thể, chúng sẽ chuyển thành methanol và axit amin – là các chất tổng hợp ra calo). Chất tạo ngọt này rất phổ biến trong thực phẩm, đồ uống ăn kiêng.
Người ta thường nghĩ rằng thực phẩm, đồ uống dùng chất tạo ngọt, ví dụ nước ngọt không đường không chứa calo nên không làm tăng cân. Dĩ nhiên chúng không chứa calo như đường thật, tuy vậy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chính điều này đã làm rối loạn cơ chế xử lý đường trong cơ thể. Khi bộ máy hỏng, nó sẽ dẫn đến những thay đổi tiêu cực trong chuyển hóa chất béo và năng lượng.
Hậu quả thường gặp nhất của các rối loạn chuyển hóa này là bệnh tiểu đường và béo phì, hai vấn đề sức khỏe đang khiến ngành y tế nhiều quốc gia đau đầu. Các nhà khoa học còn phát hiện chất tạo ngọt acesulfame potassium đi cả vào mạch máu và làm tổn hại đến các tế bào mạch máu.
“Nếu bạn thường xuyên tiêu thụ những chất làm ngọt phi tự nhiên này thì nguy cơ dẫn đến kết cục xấu cho sức khỏe sẽ tăng lên. Đường cũng như các thành phần dinh dưỡng khác, điều độ chính là chìa khóa” – GS.TS Brian Hoffmann, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Y Wisconsin, khuyến cáo.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy các thực phẩm ăn kiêng chứa chất tạo ngọt không an toàn như nhiều người nghĩ. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 3-2018, của Đại học George Washington cũng cho thấy mối liên hệ giữa chất tạo ngọt với các hội chứng chuyển hóa – tiền tiểu đường – tiểu đường. Trong khi đó, một nghiên cứu trên người và chuột của Đại học Cambridge công bố năm 2014 thì phát hiện chất tạo ngọt làm tăng đường huyết.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn cần thêm các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để chứng minh rõ ràng hơn các kết luận trên. Tuy nhiên, xét theo phương diện dinh dưỡng, cách tốt nhất để có sức khỏe là ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh lạm dụng thực phẩm ngọt vẫn tốt hơn là loay hoay tìm một thứ gì thay thế để hy vọng hưởng thụ thoải mái những món thiếu lành mạnh.
Vậy nên, thay vì uống nước giải khát có gas, bạn hãy thử chuyển sang trà xanh hay các loại thức uống tự nhiên cung cấp năng lượng và vitamin khác. Để việc bổ sung các thức uống tự nhiên thú vị hơn, bạn hãy thử cho thêm 1 lát dưa leo hoặc cam vào cốc nước nhé.
Hạo Ân (t/h)