Hết lòng chăm lo cho con ăn học đàng hoàng, cha mẹ nào cũng mong muốn con sớm trưởng thành, tự tin và sống tự lập. Thế nhưng, do không tập cho con tự đi bằng đôi chân, thích ứng trong mọi hoàn cảnh và làm quen với cuộc sống tự lập nên nhiều đứa con dù “đủ lông đủ cánh” vẫn ỉ lại, sống bám vào cha mẹ. Lỗi tại ai?
“Úm” con quá kỹ…
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 3 tại một trường tiểu học ở TPHCM bộc bạch: “Dạy học trò thời nay khó lắm vì chúng đều là con cưng, được nuông chiều từ nhỏ, không có ý thức tự làm những việc đơn giản nhất như tự mang cặp, tự học, tham gia các hoạt động ngoại khóa”. Vì ở nhà được bảo bọc, có người giúp việc làm hết từ dọn cơm, rửa chén đến tắm rửa cho “cô chủ, cậu chủ” nên nhiều học sinh không thể tự làm những việc nhỏ nhất liên quan đến sinh hoạt cá nhân. Thậm chí, có em học lớp 5 mà ở nhà vẫn được… đút cơm, không thể tự mặc quần áo hay xỏ đôi giày nếu không có sự trợ giúp của người lớn.
Khi họp phụ huynh, nhiều giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học và THCS thường nhắc nhở phụ huynh phải rèn thêm kỹ năng sống tự lập cho học sinh khi ở nhà. Vậy nhưng, câu chuyện vẫn nhiều tập về những đứa trẻ thời @ – “cậu ấm cô chiêu”, chỉ biết học là chính và không phải đụng chân, đụng tay vào bất cứ việc nhà. Từ kinh nghiệm của mình, chị Hoàng Thiện, cựu giảng viên một trường cao đẳng thừa nhận, con cái chúng ta dù lớn nhưng thích nhỏ mãi để được cha mẹ tiếp tục lo từ cái ăn đến chỗ ở, thậm chí cưới xin… Tất cả xuất phát từ cách giáo dục, bảo bọc của chính cha mẹ và khi không được khuyến khích tự làm, tự suy nghĩ thì trẻ dễ ỉ lại, thích nhận mà không thích cho.
Thời con còn nhỏ, do cha mẹ bận bịu, đi công tác thường xuyên nên phải thuê người làm và hai đứa con của chị Hoàng Thiện không biết làm việc gì bởi từ nấu ăn đến giặt giũ, quét dọn nhà cửa đều có người làm. Quen có người khác hầu hạ, lớn lên chúng càng ỉ lại và không muốn sống tự lập dù đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở công ty… Khi chị về hưu, không thuê người làm nữa thì con cái dù trưởng thành, thậm chí bước vào tuổi 30 vẫn duy trì nếp sống cũ, thích hưởng thụ, không muốn chia sẻ việc nhà, ăn xong cũng không muốn thò tay rửa chén, lau nhà. “Tôi không muốn phải nhắc nhở, hò hét chúng phụ việc nhà, tự dọn dẹp phòng ốc và có ý thức sống tự lập… Nhưng mà không nhắc, không tỏ ra giận dữ, thì chúng vẫn lười biếng, chấp nhận cách sống bê bối, nhà cửa lộn xộn như thế”, chị Hoàng Thiện bực bội kể chuyện con cái, rồi tỏ ra ân hận vì mình đã nuông chiều con quá mức.
Từ bài học này, chị khuyên các bà mẹ trẻ đừng nên chiều con cái, tập cho chúng làm quen với việc nhà từ nhỏ. Hơn nữa, cha mẹ cũng nên cân nhắc kỹ việc thuê người giúp việc và nếu phải thuê thì cũng dạy con cùng làm, hoặc tự làm những việc vừa sức. Như thế, để con cái tự lập, hiểu rõ giá trị lao động, cha mẹ phải rèn luyện, khuyến khích cho con làm việc nhà từ nhỏ. Không những thế, cần phải tập cho con sống tự lập, biết chăm lo cho bản thân trong những tình huống không có cha mẹ.
Anh Nguyễn Thưởng, làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm: “Không muốn con cái ỉ lại, vợ chồng tôi không chỉ dạy con biết nấu những món đơn giản mà còn nâng cấp dần trình độ của các con thông qua cuộc thi “ẩm thực tình thương” được tổ chức tại gia hoặc du lịch ở resort nào có đầy đủ bếp núc. Tham gia cuộc thi là vài gia đình, bạn bè thân thuộc, có bọn trẻ đồng lứa. Khi được trổ tài nấu nướng theo nhóm hoặc một mình, bọn trẻ rất hào hứng thực hiện và sau đó cũng học được kinh nghiệm nấu những món ăn kiểu Tây, kiểu ta ngon miệng…”. Điều này cho thấy, muốn dạy con tự làm việc nhà, biết nấu ăn thì cha mẹ phải truyền cảm hứng, tạo cơ hội, khuyến khích con làm thử và trải nghiệm thực tế.
Không thể bay xa…
Du lịch Úc và được nhìn thấy ngôi trường đại học khang trang ở nước ngoài nhưng đứa con đầu của chị Tiên cũng lắc đầu, chọn học ở trường đại học quốc tế tại Việt Nam. Lý do con chị không chịu du học là do… sợ khổ, sợ phải sống tự lập.
Tương tự, chị Hạnh cũng xấu hổ vì con gái vừa bay sang Mỹ nhập học chưa đầy 3 tháng đã nằng nặc đòi về vì không thể hội nhập môi trường học tập quốc tế đòi hỏi học ra học. Không những thế, đi học về phải tự làm mọi việc từ đi siêu thị, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… Những công việc này khi ở nhà con chị hầu như không bao giờ phải chạm tay vào. Chị Hạnh thú nhận, từ nhỏ con chị đã quen được chiều chuộng, không biết làm việc gì ngoài học hành vì nhà có người giúp việc. Biết con “không thể lớn” nếu cứ ở cạnh cha mẹ nên gia đình muốn đẩy cô con gái rượu đi xa để thử thách, trải nghiệm cuộc sống. Cứ nghĩ cho con du học thì sẽ cải tạo được tính ỉ lại, sống ích kỷ và giúp con rèn luyện lối sống tự lập, không ngờ tính khí đỏng đảnh, tiểu thư, không chịu được cực khổ ở nơi đất khách quê người đã làm con nhụt chí, nản lòng quá sớm.
Chị Hạnh cho rằng mình đã chuốc thất bại khi nhìn thấy con bỏ dở hành trình du học và quyết định quay về Việt Nam, tiếp tục “núp bóng mẹ, tựa vai cha”. Và chỉ đến khi nếm trái đắng, hậu quả từ việc dạy con sai lệch, “úm” con từ nhỏ, làm giùm con mọi việc đã khiến con sống như cây tầm gửi, thụ động, ích kỷ, vợ chồng chị mới giật mình. Chị Hạnh ân hận và chua xót thổ lộ: “Cũng tại vì quá yêu con, cưng con nên chúng tôi đã làm hư nó và bây giờ muốn cải tạo thì quá muộn”.
Theo các chuyên gia giáo dục, nếu không dạy con trẻ tập đi bằng đôi chân thì chúng mãi mãi dựa vào cha mẹ vì sợ té ngã. Nếu không dạy chúng tập bơi từ hồ nhỏ đến bể lớn thì làm sao chúng dám bơi ra biển cả. Chính cách nuôi dạy con của một số cha mẹ theo kiểu “úm kỹ” và sợ con mình bước ra đời bị nhiễm độc từ môi trường sống đầy biến động đã khiến chúng non nớt, yếu đuối, không dám tự đi, tự chạy, tự bay khỏi bàn tay cha mẹ. Nếu để chúng cứ mãi “dựa bờ vai cha, nương nhờ bàn tay mẹ” thì bao giờ chúng mới thực sự lớn và biết sống tự lập?
Hãy để con trải nghiệm cuộc sống
Những năm gần đây, nhận thấy lỗ hổng trong nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ đã thay đổi tư duy, nới lỏng vòng tay ôm ấp và khuyến khích con tham gia các chương trình dã ngoại, học kỹ năng sống. Thế nhưng, phép màu không đến từ một khóa học ngắn hạn mà đòi hỏi cả quá trình rèn luyện, giúp con tự tin, sống tự lập.
Vào mùa hè, cha mẹ thương đặt ra vấn đề về việc cho con đi đâu chơi, học thêm kỹ năng gì bổ ích. Đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của phụ huynh, nhiều sân chơi, nhiều chương trình dã ngoại, dạy kỹ năng sống, trải nghiệm cuộc sống, du học hè… được tung ra mời chào. Mỗi chương trình có tên gọi khác nhau và cuốn hút phụ huynh bởi những nội dung quảng bá hấp dẫn như lên rừng, xuống biển, về quê trải nghiệm làm nông dân…
Tuy nhiên, những khóa học trải nghiệm cuộc sống thiết thực như học kỳ quân đội vẫn được số đông phụ huynh “chọn mặt gửi vàng” hơn. Nhờ tham gia những khóa học kỳ quân đội, nhiều thanh thiếu niên đã thay đổi nhận thức, có trách nhiệm và tự chăm lo bản thân, tập làm những việc nhỏ nhất như quét dọn, giặt giũ, gấp chăn màn…
Theo anh Phan Thành Hổ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Thanh Thiếu niên miền Nam (SYC), người có nhiều năm gắn bó với những “chiến sĩ nhí”, dạy trẻ sống có trách nhiệm, tự lập đòi hỏi quá trình dài. Vì thế, học một khóa kỹ năng sống, tham gia một học kỳ quân đội không thể là phép màu có thể thay đổi ngay bản tính, cách sống, suy nghĩ của con trẻ.
Cũng theo anh Hổ, nhiều thanh thiếu niên ở nhà không biết làm từ việc nhỏ nhất, sống dựa dẫm cha mẹ, người thân nhưng sau khi tham gia học kỳ quân đội đã “lột xác”, tự biết làm mọi việc. Như thế, việc để các em lười biếng, không biết làm gì rồi trở thành thói quen sống phụ thuộc là do cha mẹ. Được trải nghiệm những công việc bình thường như rửa chén, quét nhà, giặt đồ, trồng cây xanh… các em tỏ ra thích thú, hào hứng.
Thế nhưng, khi trở về nhà, nhiều em muốn làm việc nhà thì cha mẹ lại ngăn cản, không tin con làm được. Thế là “xôi hỏng bỏng không”, từ “chiến sĩ trẻ” năng động, dám nghĩ, dám làm, các em lại thụt vào vỏ ốc, lười biếng như cũ.
Những câu chuyện lo cho con thái quá, sợ con ăn không được, ngủ không được, cực nhọc khi phải hành quân, lăn lê bò toài… cũng khiến nhiều bậc cha mẹ, ông bà rưng rưng nước mắt. Thật lạ là con đã lớn tồng ngồng, đã hội nhập với bạn bè và môi trường sống trải nghiệm rất tốt, vậy mà cha mẹ vẫn không tin con đã thay đổi, đã trưởng thành hơn.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Hãy khuyến khích trẻ làm mọi việc mà trẻ có thể làm
Tự lập từ nhỏ là một kỹ năng cần thiết, quan trọng để khi lớn lên trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống. Để giúp trẻ hình thành tính tự lập và khả năng biết tự chăm lo, không phụ thuộc bố mẹ, ngay từ nhỏ cần để trẻ làm tất cả mọi việc mà trẻ có thể làm, đừng vì quá thương con mà nuông chiều chúng. Như thế cần có phương pháp dạy con phù hợp độ tuổi và nhận thức của trẻ để trẻ có thể tiếp thu và học cách sống tự lập tốt hơn.
Theo anh Hổ, quan niệm sai lầm của nhiều phụ huynh là luôn nghĩ thay con, luôn làm giúp con những việc con có thể làm được. Do không tin con nên cha mẹ lúc nào cũng lo sợ, không dám giao việc cho con theo độ tuổi và khả năng. Như thế dù có học nhiều khóa kỹ năng, tham gia nhiều học kỳ quân đội nhưng khi trở về, các em không được khuyến khích làm theo những gì đã trải nghiệm, tiếp thu được từ thầy cô, từ điều phối viên thì các em vẫn mãi mãi không lớn nổi.
Tin con, con sẽ làm được
Cha mẹ thời hiện đại chuẩn bị những kỹ năng cần thiết nào để con tự tin, tự lập và thích ứng với thế kỷ 21 phát triển nhanh nhưng đầy biến động, thách thức? Đó là vấn đề đặt ra và không dễ thực hiện nếu cha mẹ không thay đổi tư duy, cách nuôi dạy con theo hướng hiện đại, tích cực.
Theo các chuyên gia tâm lý và giáo dục, một bộ phận giới trẻ ngày nay bị ví như “gà công nghiệp” là do cách giáo dục, nuôi dưỡng sai lầm của chúng ta. Từ mái nhà đến môi trường học đường đều muốn học sinh phải ngoan ngoãn nghe lời, phải đi theo khuôn mẫu đúc sẵn, chạy theo ý đồ, bệnh thành tích của người lớn. Áp lực học hành, nhồi nhét kiến thức đã biến các em thành những chú gà chỉ biết mổ thóc, kiến thức thật nhiều và có ít thời gian vui chơi, giải trí, trải nghiệm thực tế, cảm nhận cuộc sống xung quanh.
Thậm chí các em không dám vùng vẫy, không dám ước mơ, không dám làm những điều mình thích. Cứ thế, lớn lên theo định hướng của cha mẹ, học hành theo khuôn đúc của nhà trường, thầy cô, nhiều em mất tự tin, không hiểu rõ bản thân muốn gì, sẽ làm được gì.
Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý: “Hãy cho con biết con là ai? Con sẽ tự biết phải làm gì tốt nhất”. Như thế phải gieo niềm tin cho con, phải khuyến khích con tự làm được những việc nhỏ nhất để ý thức về trách nhiệm của mình với cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm của cha mẹ. Để giúp con tự tin bước vào đời thì phải vạch lộ trình lâu dài, giúp con leo dần lên các bậc thang, đến khi vững vàng chạm nấc cuối cùng là trưởng thành. Nếu được trang bị hành trang tự tin, tự lập và kỹ năng sống tốt thì con sẽ dễ dàng hội nhập, thích ứng nhanh với môi trường sống và làm việc đa quốc gia như hiện nay.
Theo SGGP