Đây là quan niệm sống phổ biến của nhiều người Việt thời nay, rằng sống phải biết “khôn khéo” theo lối thích hợp với hoàn cảnh, để hoà hợp với mọi người hoặc để trả đũa…
Nếu bạn là người cương trực thẳng thắng, thì đi với “bụt” hay đi với “ma” cũng không làm bạn thay đổi cách nói hoặc cách hành xử của mình.
Có người nói, ngày nay nhiều ma nên những người cương trực thẳng thắn dễ thiệt thòi, Khuất Nguyên xưa từng than rằng: “Đời đục cả, mình ta trong, mọi người say cả, một mình ta tỉnh, bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.
Từ cá nhân nghĩ đến vận quốc gia, phải cam chịu “sống chung với lũ”, hay đi với Trung Quốc mặc áo giấy, đi với Mỹ mặc áo cà sa, tiền nhân ta vì sự an nguy của con dân mà phải triều cống, nhưng dâng đất nhượng biển như bây giờ thì chưa có tiền lệ.
“Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, có người nói câu này đúng vì:
– ĐÚNG: Nếu mình lành quá thì cái thằng mưu mô xảo trá nó cứ lợi dụng và dùng thủ đoạn hại mình mãi, mình cần “giả mù sa mưa” mà thủ thân và đáp lại nó nếu nó chơi xỏ mình. Với người lành tính và tốt thì mình đối xử đúng chuẩn mực và trân trọng họ.
– SAI: Nếu mình cứ mặc áo giấy của ma mãi thì có ngày mình cũng cũng là một con ma với cách sống tà ý tà tâm.
Điều đáng nói ở đây không phải là đúng hay sai, mà là việc câu khẩu ngữ trên đang dần đi sâu và ngày càng lan rộng trong đời sống người Việt hiện nay, trở thành câu châm ngôn sống dễ dàng bật ra từ cửa miệng. Chính vì thế mà ai ai cũng sống với nhau bằng một chiếc mặt nạ, luôn trong tâm thái đề phòng, khiến người ta không thể biết, đây là Phật hay ma.
Bruce Phan