Tinh Hoa

Đau khổ đến “đứt từng khúc ruột” là thật sự tồn tại

Vạn vật đều có linh, con vật cũng biết đau khổ, thương xót giống như con người vậy. Đọc 2 mẩu chuyện dưới đây, hy vọng rằng thiện tâm và lòng trắc ẩn của bạn sẽ được khơi dậy phần nào.

Vạn vật đều có linh. Hy vọng mỗi chúng ta hãy dùng thiện tâm và lòng trắc ẩn để đối đãi trong cuộc sống này. (Ảnh: Internet)

“Đứt từng khúc ruột” là có thật

Chúng ta khi ví một người đau khổ đến cùng cực, thường hay dùng một câu thành ngữ là “đứt từng khúc ruột”.

Trong quyển “Sưu Thần Ký” có ghi chép một câu chuyện. Kể rằng, huyện Đông Hưng, quận Lâm Xuyên có một người, một ngày kia ông ta ở trên núi phát hiện một con khỉ con, liền mang nó về nhà. Khỉ mẹ đi theo sau ông ta mãi đến tận nhà.

Người này trói con khỉ con ở trên một cái cây ở trong vườn cho khỉ mẹ xem. Khỉ mẹ đau khổ lấy tay tự tát vào mặt mình trước mặt người đàn ông đó, làm dáng vẻ muốn cầu xin thương xót, chỉ là miệng không biết nói chuyện mà thôi. Người này không những không chịu thả khỉ con ra, mà lại còn đánh chết nó. Khỉ mẹ đau đớn kêu lên, nhảy cẫng một hồi rồi cũng chết mất.

Về sau, người này mổ bụng khỉ mẹ ra, thì thấy ruột đã đứt thành từng đoạn từng đoạn. Không đến nửa năm, nhà ông ta gặp phải ôn dịch, cả nhà không một ai may mắn sống sót.

Trước nay có nhiều người thảo luận vấn đề này, tại sao không phát hiện thấy tình huống con người đứt từng khúc ruột? Điều này hẳn là có liên quan tới cấu thành của thân thể người. Cơ thể người có cơ chế tự bảo vệ, vậy nên khi đau buồn đến một mức độ nhất định, sẽ tự nhiên ngăn lại. Còn động vật hẳn là năng lực tự bảo vệ còn kém, nên mới xảy ra tình huống như vậy.

Tuy nhiên, dù nói thế nào, thì những kẻ làm tổn thương người khác ắt sẽ gặp báo ứng, đây là điều không hề sai lệch.

Vạn vật có linh: Dê con nằm đè dưới dao

Dê con cũng biết hiếu thuận, người đồ tể cũng giàu lòng trắc ẩn. Thật đáng mừng! (Ảnh: Internet)

Mân Châu có người đồ tể họ An, trong nhà có một con dê mẹ và một con dê con. Một ngày kia, ông đang chuẩn bị giết con dê mẹ, bắt trói nó trên một cái giá. Dê con bỗng nhiên hai chân trước khụy xuống, quỳ xuống trước mặt ông ta, hai hàng nước mắt không ngừng tuôn rơi. Đồ tể họ An sửng sốt hồi lâu mới định thần lại.

Ông để con dao trên sàn, đi ra gọi một đứa con trai đến giúp đỡ cùng giết mổ. Đợi khi ông ta trở lại, không thấy con dao đâu nữa, thì ra là bị dê con dùng miệng ngậm lấy, đặt ở chỗ góc tường, sau đó nằm lên trên.

Đồ tể không tìm thấy con dao, ban đầu nghi ngờ là nhà hàng xóm lấy trộm. Một lần tình cờ, ông quay người lại, đá con dê con ra, phát hiện con dao nằm phía dưới nó. Lúc này ông đột nhiên tỉnh ngộ, cởi trói cho dê mẹ, cùng đưa dê mẹ và dê con vào chùa phóng sinh. Không lâu sau ông đã cũng thu xếp cho vợ con xong xuôi, bản thân tìm đến Trúc đại sư trong chùa, xuất gia làm tăng, pháp danh là Thủ Tư.

Người xưa có lời bình rằng: Giống như tiếng chuông đêm thu vọng đến, xin mọi người suy nghĩ cặn kẽ: Con dê con này nhìn thấy dê mẹ bị bắt trói, trong lòng đau xót biết bao; khi quỳ xuống trước mặt đồ tể xin tha, lòng xót thương dâng trào biết mấy; khi nằm trên con dao đồ tể, trong lòng kinh hoàng khiếp sợ biết mấy; khi theo dê mẹ vào trong chùa, mừng rỡ vô cùng! Ôi, dê con cũng biết hiếu thuận, người đồ tể cũng giàu lòng trắc ẩn. Thật đáng mừng!

(Trích từ “Đồng Sinh Lục Nhị Biên”)

Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times

Xem thêm: