“Trinh Quán chính yếu” là một bộ sách ghi lại những đối thoại của quần thần và Đường Thái Tông về lịch sử và đạo trị quốc, là tác phẩm kinh điển mà người lãnh đạo từ cổ chí kim nhất định phải đọc.
“Trinh Quán chính yếu” không chỉ nói về đạo lý trị quốc của bậc đế vương, mà còn cho người ta thấy Đường Thái Tông vì để khai sáng ra một thời kỳ hoàng kim cho nhà Đường đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào.
Trong quyển thứ nhất, ở mục “Quân đạo”, “Chính thể”, Thái Tông cùng quần thần đã nhiều lần chia sẻ những tâm đắc trong chấp chính, thường thông qua những ví dụ dễ hiểu, để nói rõ những vấn đề cần chú ý của bậc quân vương khi trị quốc.
Ví dụ như trong năm Trinh Quán thứ nhất, ông nói cho một đại thần thân cận: “Đạo làm vua, phải đặt lợi ích của dân chúng lên hàng đầu”.
Nếu như lấy việc làm tổn hại dân chúng để phụng dưỡng bản thân mình, vậy thì cũng giống như cắt thịt trên đùi và nhét cho đầy bao tử. Bụng lấp đầy rồi, nhưng người cũng không cách nào sống được nữa.
Ông liên tưởng, nếu như muốn thiên hạ yên ổn, bậc đế vương tự thân phải đoan chính, ngăn chặn những mê hoặc của dục vọng, thanh sắc.
Nếu như ham muốn hưởng thụ vật chất, không chỉ gây hại cho chính sự, cũng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho dân chúng, rồi từ đó mà đánh mất lòng người, chúng bạn xa lánh.
Cho nên, Thái Tông thường xuyên tự câu thúc bản thân, bảo trì lý trí tỉnh táo, không chìm đắm vào an nhàn hưởng lạc.
Những năm đầu nhà Đường, thiên hạ từ thời loạn lạc bước sang thái bình, lúc này hoàng đế cần phải làm những gì? Năm Trinh Quán thứ 5 (năm 631), Thái Tông lại đưa ra một ví dụ về “trị bệnh”: “Trị quốc cũng giống như dưỡng bệnh”.
Một người bệnh nặng lúc vừa mới khỏi, càng cần phải được nghỉ ngơi và chăm sóc đặc biệt hơn, nếu như không cẩn thận để cho bệnh tái phát, vậy sẽ làm cho cơ thể bị tổn hại nặng nề hơn, thậm chí là tử vong.
Vậy nên Thái Tông mới nói: “Lúc thiên hạ mới được yên ổn một chút, hoàng đế thực tế cần cẩn trọng, thận trọng từ lời nói đến việc làm. Nếu như ông ta trở nên kiêu ngạo phóng túng, tất nhiên sẽ làm cho triều chính suy loạn, quốc gia diệt vong”.
Mà lúc này, vận mệnh của nhà Đường đều ở trong tay Thái Tông, cho nên ông mỗi ngày đều cẩn thận xử lý chính sự, dù cho có đạt được thành tựu gì cũng không dám kiêu ngạo khoe khoang.
Ở ngôi vị hoàng đế, mỗi ngày đều làm việc triều chính, nhưng cũng có chỗ không thể hiểu hết. Đạo lý này, Thái Tông đã học được từ Công Tượng, một người chế tạo cung tên.
Thái Tông lúc tuổi trẻ rất yêu thích bắn cung, tự cho là bản thân có thể phân biệt được ưu khuyết điểm của chất liệu làm cung. Nhưng khi Thái Tông mang vài chục cây cung tốt cho Công Tượng xem, Công Tượng lại nói: “Đều không phải là chất liệu tốt”.
Vốn dĩ những cây cung này chỉ được vẻ bề ngoài, gỗ bên trong lại không tốt, vân gỗ cũng không tốt. Công Tượng nói: “Những cây cung này tuy có lực mạnh mẽ, nhưng mũi tên bắn ra lại không thể đi thẳng, cho nên không phải là loại cung tên thượng hạng”.
Thái Tông cảm khái, bản thân thông qua chiến tranh mà giành được thiên hạ, đã dùng qua vô số loại cung tên, còn không nắm vững được cách phân biệt cung tên. Nay bản thân lại vừa kế nhiệm ngôi vị hoàng đế nhà Đường không lâu, vừa mới có được thiên hạ, đối với việc nắm vững đạo lý trị quốc, khẳng định là còn kém xa so với tri thức về cung tên. Thái Tông nói: “Ta đối với cung tên còn chưa nắm vững được, huống gì là đạo lý lớn để thống trị quốc gia?”
Từ đó về sau, Thái Tông định kỳ triệu kiến những quan viên ngũ phẩm trở lên, cho phép bọn họ cùng ngồi với mình để nghị luận quốc sự, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của bọn họ, để có được cái nhìn toàn diện về những khó khăn của dân chúng cùng với những hay dở của chính sự.
Trị quốc là một môn học vô cùng phức tạp, những ví dụ của Đường Thái Tông mặc dù chỉ đề cập đến một vài điểm quan trọng, nhưng lại có thể truyền đạt ra lý niệm trị quốc một cách sinh động, làm bài học cho những bậc đế vương hay những nhà lãnh đạo sau này, đều có thể học theo trí tuệ của bậc minh quân.
Chân Chân (Theo Epoch Times)