Cấu trúc vòng tròn bí ẩn của người Neanderthal cổ đại được tìm thấy sâu thẳm bên dưới một hang động ngầm ở nước Pháp. Các nhà khoa học tin rằng họ từng sinh sống tại khu vực này từ hơn 175.000 năm về trước. Khám phá bất ngờ trên cho thấy trước đây chúng ta đã có những đánh giá sai lầm về năng lực của loài người thuở sơ khai.
Công trình của họ được dựng nên bởi gần 400 mảnh măng đá (một dạng khoáng vật hình trụ cột mọc thẳng lên trên mặt đất), và cao tới 300 mét bên trong hang động Bruniquel ở phía Tây Nam nước Pháp.
Những búp măng đá nơi đây đã bị bẻ khỏi mặt đất và sắp xếp lại tỉ mỉ, chủ yếu thành hai bức tường tròn và dài.
Một báo cáo công bố trên tạp chí Nature cho rằng những cấu trúc hình tròn đã được sắp xếp rất cẩn thận nhưng chưa thể xác định được mục đích sử dụng của chúng.
Ngoài ra, cô Sophie Verheyden, đồng tác giả của nghiên cứu này, hiện làm việc tại Viện Khoa học Tự nhiên của Hoàng gia Bỉ cho biết, các nhà nghiên cứu hiện cũng chưa rõ hang động đã từng được sử dụng để người cổ đại lánh nạn hay mang tính biểu tượng nào đó.
Cô chia sẻ với báo CNN: “Đây vẫn là một ẩn số và tất cả chúng ta đều mong muốn tìm lời giải đáp. Dĩ nhiên, thật dễ dàng nếu chúng ta gắn mối liên kết của những cấu trúc này với tập tục tôn giáo hay hình thức nghi lễ nào đó. Tuy nhiên, chúng ta không có bằng chứng cho thấy giả thuyết này quan trọng hơn những khả năng khác”.
Dấu vết của lửa được tìm thấy trong mọi cấu trúc mà người cổ đại Neanderthal đã xây dựng và thậm chí có cả những mảnh xương bị cháy xém.
Khu vực này chưa từng có sự xuất hiện của người trong vòng hàng chục ngàn năm qua, ngoại trừ những con gấu dời nơi ngủ đông đã để lại dấu chân và móng vuốt.
Sự tồn tại của những cấu trúc này thực sự rất ấn tượng bởi vì nó cho thấy thực tế là con người từng đóng chiếm các hang động sớm hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta trước đây.
Đến thời điểm hiện tại, hang động lâu đời nhất từng bị loài người chiếm đóng có niên đại lên tới 38.000 năm về trước.
Cô Verheyden nói, “Ban đầu thì chúng tôi khá quan ngại về khoảng cách giữa hai thời kì này. Chúng tôi chưa từng nghĩ về một thời kì xa xôi như thế. Vậy nên, lần đầu tiên khi tôi nói với Jacques Jaubert (nhà khảo cổ học), anh ấy đã bảo tôi lặp lại các thí nghiệm”.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phóng xạ để xác định độ tuổi của những vật thể.
Cô Verheyden cho biết, “Đầu tiên, chúng tôi xác định độ tuổi của những măng đá được sử dụng trong cấu trúc của người Neanderthal để chắc chắn rằng đây là niên đại lâu đời nhất mà nó có thể hình thành. Sau đấy, chúng tôi đo lường độ tuổi của những măng đá mới mọc trên cấu trúc này kể từ khi nó bị bỏ hoang và từ đấy xác định được độ tuổi tối thiểu”.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia nói rằng đến thời điểm hiện tại thì các nhà khoa học tin rằng người cổ đại Neanderthal chưa từng mạo hiểm sâu xuống bên dưới lòng đất, không đủ thông minh để thiết lập một cấu trúc phức tạp như vậy và chưa có năng lực để sử dụng ánh sáng và lửa trong những công việc tinh vi.
Tuy nhiên, “Với một cấu trúc phức tạp và cổ xưa tồn tại nơi sâu thẳm bên trong hang động thì đây chính là cái đầu tiên và cổ đại nhất”, theo cô Verheyden.
Bình An, theo CNN News