Các nhà khoa học vừa chính thức tiến hành một thí nghiệm đầy tham vọng: bơm và chôn vùi 80-800kg khí CO2 xuống trầm tích đáy biển mỗi ngày, với hy vọng cải thiện được tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện tại.
/
Vùng vịnh Ardmucknish tại Benderloch, Scotland đã được lựa chọn để thí điểm công nghệ “cứu rỗi thế giới” này, trang DailyMail đưa tin. Đầu tiên, các chuyên gia sẽ tìm cách “bắt giữ” khí carbon dioxide trong không khí, sau đó chôn chúng một cách vô hại dưới đáy biển mà không làm biến đổi bản chất khí cũng như xáo trộn hệ sinh thái biển. Nếu thí nghiệm thành công, trong tương lai các ngành công nghiệp nặng sẽ có thể “cất trữ” khí thải độc hại bên dưới các lớp trầm tích đáy biển, thay vì xả chúng vào bầu khí quyển như hiện nay. Khoảng 80-800 kg carbon dioxide sẽ được bơm xuống đáy biển mỗi ngày trong vòng một tháng thí nghiệm. Chịu trách nhiệm tiến hành dự án là các nhà khoa học Nhật Bản, hợp tác cùng Hiệp hội Khoa học Biển Scotland. Một số đối tác khác sẽ chịu trách nhiệm điều tra các tác động tiềm ẩn của việc bắt nhốt carbon này lên hệ sinh thái biển. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ là phải dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra khi khí carbon dioxide rò rỉ khỏi các đường ống dẫn hay địa điểm “giam cầm” rồi tan vào đáy biển và nước biển. Họ sẽ giả lập một vụ rò rỉ như vậy bằng cách bơm khí CO2 từ các thùng gas đặt tại Công viên North Ledaig Caravan đến một khu vực địa chất nằm cách đáy biển 10m và cách bờ vịnh Ardmucknish 350 mét. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Henrik Stahl ước tính khí carbon sẽ mất khoảng 10 ngày để di chuyển từ địa điểm bị “bắt nhốt” đến lớp trầm tích. Các thiết bị theo dõi sẽ phát hiện bất cứ tác động nào của thí nghiệm đến hệ thực vật và động vật biển từ cấp độ vi khuẩn trở lên. Sau đó, họ sẽ dành 90 ngày tiếp theo để quan sát môi trường có khả năng phục hồi nhanh đến đâu, DailyMail cho hay. Y Lam |
Theo VietnamNet