Vị thầy thuốc nổi tiếng này rõ ràng đang khám bệnh cho quốc vương, nhưng ông vẫn thảo luận về các vấn đề của đất nước, ông dự đoán rằng đại thần sắp chết, đất nước sẽ trở nên hỗn loạn, sau đó những dự đoán của ông đều trở thành sự thực.
Y Hòa, một y học gia nổi tiếng của nước Tần, thời kỳ Xuân Thu, họ của ông không được xác thực, tên ông là Hòa. Dựa trên lý thuyết về ‘thiên nhân hợp nhất’ (sự thống nhất giữa trời đất và con người) và âm dương bốn mùa tương sinh tương khắc, ông đã nói về đạo lý “thượng y trị quốc, trung y trị bệnh”.
Tấn Bình Công là vua của nước Tấn trong thời kỳ Xuân Thu, tên là Cơ Bưu. Năm 541 trước Công nguyên, Tấn Bình Công bị bệnh và tìm cách chữa trị từ nước Tần. Tần Cảnh Công đã cử Y Hòa đến để điều trị cho ông.
Sau khi xem bệnh, Y Hòa nói với Tấn Bình Công rằng, “bệnh của ngài không thể chữa khỏi. Đây là do gần gũi nữ sắc, bệnh do ‘cổ’ (con sâu độc) gây ra, bệnh này không phải do quỷ thần tác quái hay ăn uống không điều độ mà là do quá đam mê nữ sắc. Các trung thần phò tá ngài sắp chết, ông trời sẽ không còn ban phước lành cho Tấn quốc nữa. Ngay cả khi ngài không chết, ngài cũng sẽ mất đi sự hỗ trợ của các chư hầu”.
Tấn Bình Công nói: “Tiên sinh liệu có nghiêm trọng hóa vấn đề quá không? Chẳng lẽ không được gần gũi phụ nữ sao?”.
Y Hòa trả lời: “Cần có sự điều độ. Tiên vương đã tạo ra âm nhạc, từ đó để tiết chế mọi chuyện trong thiên hạ, vậy nên mới có tiết tấu của 5 loại âm thanh, nhanh chậm, đầu cuối điều tiết lẫn nhau, âm thanh hài hòa sau đó mới giảm dần.
Sau khi âm thanh chính đã giảm, không nên tiếp tục đàn nữa, nếu tiếp tục đàn, sẽ phát sinh những kĩ thuật phức tạp, âm thanh khó chịu, khiến người nghe cảm thấy cáu gắt buồn phiền, quên đi sự hòa hợp thông thường, vậy nên quân tử không nghe thể loại này. Mọi chuyện trong thiên hạ cũng như âm nhạc, một khi quá giới hạn, nên dừng lại, nếu không sẽ mất cân bằng âm dương, dẫn đến bệnh tật. Quân tử gần gũi chuyện phòng the, nên dùng ‘lễ’ để tiết chế”.
“Trời có sáu loại khí hậu, tạo thành năm hương vị, biểu thị thành năm loại màu sắc, ứng nghiệm thành năm âm thanh. Nếu như quá sức sẽ tạo ra sáu loại bệnh tật. Sáu loại khí hậu là âm u, nắng, gió, mưa, đêm và ngày. Được chia thành bốn giai đoạn, thứ tự là tiết tấu 5 loại âm thanh, dư thừa là một thảm họa.
Con người có ngũ tạng, ngũ tạng hóa ngũ khí, hóa thành vui giận buồn lo sợ, những cảm xúc này nếu không biết tiết chế sẽ làm tổn thương khí. Vui quá đà làm tổn thương dương khí, nóng giận làm tổn thương âm khí. Dương không tiết chế là hàn bệnh, âm không tiết chế là nhiệt bệnh, phong không tiết chế sẽ dẫn đến bệnh tứ chi, vũ không tiết chế sẽ dẫn đến bệnh vùng bụng, ban đêm không tiết chế sẽ dẫn đến lú lẫn, ban ngày không tiết chế là tâm bệnh. Nữ nhân là thuộc âm, lại trong ban đêm, nếu không tiết chế sẽ dễ dẫn đến nóng bên trong. Hiện nay ngài không hề tiết chế cả đêm lẫn ngày, vì vậy bệnh mới trầm trọng đến mức này”.
Triệu Văn Tử lắng nghe Y Hòa và nói: “Đã tám năm trôi qua kể từ khi tôi và các công khanh đại phu phò tá quốc vương trở thành minh chủ của các chư hầu, đất nước thái bình, các chư hầu bên ngoài không dám hai lòng. Sao ngài dám nói là ‘trung thần sắp chết, trời không phù hộ’ chứ?”
Y Hòa trả lời: “Tôi đang nói về những gì sắp xảy ra. Tôi nghe nói: các đại thần của đất nước vinh dự nhận được sự tin tưởng và bổng lộc, chịu trách nhiệm cho đại sự của đất nước. Thảm họa xảy ra nhưng không chịu thay đổi, chắc chắn sẽ phải hứng chịu báo ứng.
Ngài không trực tiếp can gián quốc vương và làm cho quốc vương ngã bệnh vì gần gũi nữ giới. Ngài không tự vấn bản thân, nhưng lại tự hào về thành tích chính trị của mình. Nếu tám năm mà được coi là một thời gian dài, thì làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài của đất nước?”
Triệu Văn Tử chất vấn lại Y Hòa: “Thầy thuốc chỉ cần chữa bệnh, lại còn quan tâm đến quốc gia đại sự sao?”
Y Hòa trả lời: “Các thầy thuốc thượng đẳng có thể coi sóc chuyện quốc gia đại sự, tiếp theo đó mới là chữa các bệnh tật trong cơ thể. Đây vốn dĩ là công việc của một bác sĩ, vì vậy mới mang danh là ‘y quan’!”.
Triệu Văn tử lại hỏi: “Thế nào gọi là ‘Cổ’?”
Y Hòa trả lời: “Cổ làm hại hạt kê, nó được sinh ra từ bụi bặm được cuộn tròn trong hạt kê, bất cứ vật thể nào đều có ‘cổ’, nhưng không có thứ nào tốt hơn hạt kê, khí của hạt kê gia tăng, cổ liền ẩn nấp bên trong. Con người ăn được hạt kê không bị nấm mốc hay sâu bọ, sẽ có được sự khôn ngoan.
Vì vậy những người ăn hạt kê, ban ngày sẽ lựa chọn những nam nhân có đạo đức, giống như ăn được hạt kê mà trở nên thông minh, ban đêm gần gũi nữ nhân nhưng có tiết chế, mới có thể tránh được bị cổ mê hoặc. Bây giờ quốc vương gần gũi nữ nhân bất kể ngày đêm, giống như việc bỏ qua hạt kê mà đi ăn cổ, sẽ không còn sự nhanh nhạy.
Trong Hán tự, hai chữ “trùng” (蟲 – loài sâu bọ) và “mãnh” (皿 – thứ dùng để đựng đồ vật) hợp lại thành “Cổ” (蠱). Trong ‘Chu Dịch’, nữ nhân mê hoặc nam nhân, gió lớn thổi làm đổ cây trên núi cũng gọi là cổ, đây là cùng một loại sự vật. Vậy nên tôi mới nói như vậy”.
Triệu Văn Tử nói, “Vậy Bình Công có thể sống được bao lâu?”
Y Hòa trả lời: “Nếu các chư hầu tiếp tục ủng hộ ngài ấy làm minh chủ, ngài ấy có thể sống trong ba năm; nếu không còn nhận được sự ủng hộ, ngài ấy sẽ không sống quá mười năm. Sau hơn mười năm, sẽ có một thảm họa xảy ra ở nước Tấn.”
Vào năm đó, Triệu Văn Tử qua đời, các chư hầu cũng bắt đầu phản bội nước Tấn và lập nước Sở làm minh chủ. Tấn Bình Công qua đời vào năm 535 trước Công nguyên. Tất cả các dự đoán của Y Hòa đều dần trở thành sự thực.
Y Hòa cho rằng thiên đạo vô biên, phụ thuộc hoàn toàn vào âm dương. Dương là nhân đức, âm là hình pháp. Dương thường vào giữa mùa hè, dùng để dưỡng dục vạn vật sinh trưởng, âm thường vào giữa mùa đông, tích tụ tại những nơi hư vô, không sử dụng.
Khi dương khí thống trị chuỗi thời gian trong một năm, âm khí tiềm tàng dưới mặt đất, đôi lúc xuất hiện hỗ trợ dương khí. Dương khí nếu không có âm khí hỗ trợ, cũng không thể hình thành được chuỗi thời gian một năm. Hoàng đế phụng theo ý trời mà hành động, mới có thể mưa thuận gió hòa, vạn vật không chết yểu, thiên địa hợp nhất, mọi sự an khang.
Tài liệu tham khảo:
“Xuân Thu tả truyện- quyển thập chiêu công”.
“Quốc ngữ, Tấn ngữ bát”.
“Tố Vấn: Âm dương đại tượng luận đệ ngũ”.
“Hán Thư‧ quyển nhị thập nhị lễ nhạc chí đệ nhị”.
Chân Chân (Theo Epoch Times)