Trong lịch sử, những tấm gương dũng cảm và hiếu thuận không phải là ít, nhưng đa phần được nhắc đến đều là các trang nam tử. Tuy vậy, giới nữ lưu cũng không hề kém cạnh. Từng có một người con gái vì cứu cha mà trực tiếp dâng thư cho Hán Văn Đế, khiến nhà vua vì cảm động mà bãi bỏ những tục lệ tàn khốc đã được duy trì trong rất nhiều năm…
Vào đầu thời nhà Hán ở Trung Quốc (206 TCN – 220), triều đình từng có năm loại hình phạt tra tấn vô cùng tàn nhẫn. Năm hình phạt này vốn được áp dụng rộng rãi dưới thời nhà Tần (221 TCN – 206 TCN). Sau khi lên nắm quyền, nhà Hán vẫn tiếp tục duy trì nó trong một thời gian dài.
Các quan viên chấp pháp thường xem những phương thức tra tấn thể xác khủng khiếp này là hình phạt thích đáng dành cho kẻ phạm tội, trong đó bao gồm việc chặt tay hoặc chân, xăm hình lên mặt, thậm chí là xẻo mũi của phạm nhân.
Sau này, nhờ lòng dũng cảm và bản lĩnh của một thiếu nữ hiếu thuận, những hủ tục tàn khốc này đã bị bãi bỏ dưới thời trị vì của Hán Văn Đế. Thiếu nữ ấy chính là Thuần Vu Đề Oanh.
Thuần Vu Đề Oanh là con út trong gia đình 5 cô con gái của thầy thuốc Thuần Vu Ý. Cha của Đề Oanh ban đầu là một viên quan nhỏ, nhưng sau này nhờ cơ duyên theo học một danh y, ông đã trở thành một vị thầy thuốc tài giỏi và được mọi người tôn kính.
Không chỉ chữa bệnh cho giới quan lại và quý tộc, Thuần Vu Ý còn dốc sức đi khắp nơi, đến tận những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh để trị bệnh cho thường dân. Nhờ y thuật cao minh và đạo đức cao thượng, ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp gần xa, người người đều đến tìm ông chữa bệnh.
Thuần Vu Ý là một thầy thuốc tận tâm với nghề, ông có cách tiếp cận vô cùng thực tế và khoa học đối với các chứng bệnh của bệnh nhân. Hơn nữa, ông cũng thẳng thắn thừa nhận những sai sót và yếu kém của bản thân trong khi chẩn đoán và điều trị.
Lòng dũng cảm và hiếu thảo
Tuy nhiên, một lần nọ Thuần Vu Ý không thể cứu sống được phu nhân của một vị quý tộc, do bệnh tình của bà đã quá trầm trọng. Điều này khiến chồng bà vì quá đau xót mà bất chấp thị phi, ông ta căm hận và buộc tội Thuần Vu Ý, cho rằng vì cách điều trị của thầy thuốc sai lầm nên vợ ông ta mới không qua khỏi.
Vì vị quý tộc này rất có uy quyền và thế lực nên cha của Đề Oanh lập tức bị buộc tội mà không được phép thanh minh. Thuần Vu Ý bị đưa đến triều đình để đối diện với hình phạt tra tấn thể xác theo tội danh mà người ta đã gán cho ông.
Trước khi bị đưa đi chịu nhục hình, nhìn thấy cảnh 5 người con gái khóc thương cha, Thuần Vu Ý không thể kìm nổi và than rằng: “Ta sắp bị đưa đến triều đình để thụ hình, phụ nữ không được đi theo, vậy mà ta lại có tới năm đứa con gái. Giá mà ta sinh được con trai!”
Người con gái út Đề Oanh nghe thấy lời than vãn này liền quyết tâm tìm cách cứu cha. Nàng nhịn đói nhịn khát lặn lội theo cha trong hành trình gian khổ đến kinh thành.
Khi đến nơi, Đề Oanh cầu xin một thư lại viết cho mình một lá thư để dâng lên vua Hán Văn Đế. Sau đó nàng đã tận tay giao lá thư cho lính gác cung để trình cho nhà vua xem.
Hán Văn Đế sau khi biết có một thiếu nữ dám cả gan dâng thư cho mình thì rất háo hức, vội vàng mở ra đọc.
Trong thư, Đề Oanh viết: “Cha của tiểu nữ luôn trung thành với vai trò một viên quan, và đã cứu sống rất nhiều mạng người với vai trò một thầy thuốc. Ông được người đời ngợi ca về tính chính trực của mình, vậy mà giờ ông đang sắp phải bị hành hình tàn nhẫn chỉ vì một lời cáo buộc vô căn cứ”.
“Một khi bị chịu xong hình phạt, ông không cách gì quay lại cuộc sống trước đây được nữa. Thậm chí sau này nếu được minh oan, ông cũng đã trở nên tàn phế suốt đời, không cách nào bù đắp lại những đau đớn mà ông phải trải qua. Ngay cả khi cho phép ông làm lại từ đầu, ông cũng không còn khả năng làm nữa”.
“Tiểu nữ được nghe rằng đã từng có chuyện con trai thay cha gánh chịu tội lỗi. Là nữ nhi, tiểu nữ sẵn sàng làm phận nô tì để chuộc tội cho cha. Tiểu nữ cầu xin hoàng thượng hãy tha tội cho cha của tiểu nữ, để ông còn một cơ hội làm lại cuộc đời”.
Lá thư của Đề Oanh không chỉ là lời cầu xin ân xá cho cha, mà còn chỉ ra sự bất công và tàn nhẫn của những hình thức tra tấn, khiến những người bị hành hình sẽ tàn phế đến cuối đời. Những lời lẽ sắc bén mà Đề Oanh đưa ra đã thuyết phục được cả các quan đại thần trong triều đình.
Hán Văn Đế vô cùng cảm động trước lời cầu xin của Đề Oanh. Nhà vua cũng rất ngạc nhiên trước bản lĩnh của nàng thiếu nữ, sẵn sàng chịu gian khổ để đi theo cha đến tận kinh thành, cũng như sẵn sàng dấn thân vào kiếp nô tì để đổi lấy hạnh phúc cho cha.
Hoàng đế không chỉ từ chối đề nghị làm nô tì của Đề Oanh và ân xá cho Thuần Vu Ý, mà nhà vua còn ghi nhớ trong tâm những lời nói của nàng và quyết định bãi bỏ những hình phạt tra tấn tàn nhẫn.
Câu chuyện về lòng dũng cảm và hiếu thảo của Thuần Vu Đề Oanh được rất nhiều người dân Trung Quốc biết đến và truyền tụng, khiến một nhà sử học phải đưa ra lời nhận xét: “Có nhiều con trai cũng tốt, nhưng giá mà tôi có một người con gái như Thuần Vu Đề Oanh!”
Thế Di