Người thiện lương thì sống, kẻ nham hiểm ắt phải chuốc lấy họa vào thân. Đạo trời luôn luôn như vậy.
Giữa những năm Thái Hòa, một vị ẩn sĩ không nguyện làm quan, tên là Diệu Khôn, bản tính hiền lương, sống ở vùng núi Vạn An tại Lạc Dương. Quanh vùng ông sinh sống, mỗi khi có thợ săn bắt được các con thú như chồn, cáo, thỏ, ông đều bỏ tiền ra mua để phóng sinh, trước sau đã thả được mấy trăm con.
Diệu Khôn có một điền trang, đã thế chấp cho chùa Bồ Đề trên núi Tung Sơn. Lúc bấy giờ, vị hòa thượng quản lí điền trang của chùa Bồ Đề tên là Huệ Trảo. Ông có đào sẵn một cái giếng ở nơi vắng vẻ ít người biết đến, giếng đó sâu khoảng vài trượng, trong đó để sẵn mấy trăm cân hoàng tinh (một loại thuốc), muốn tìm lấy một người nhốt ở đáy giếng để thử xem chỉ ăn hoàng tinh thì có thể có hiệu quả kéo dài tuổi thọ như trong sách đã viết hay không. Khi Diệu Khôn cầm tiền đến Bồ Đề tự để chuộc lại điền trang của mình, Huệ Trảo trông thấy Diệu Khôn, liền bày tiệc rượu và chuốc ông say rồi thả xuống đáy giếng, lấy tảng đá lấp miệng giếng lại.
Sau khi Diệu Khôn tỉnh lại, không có cách nào ra được, đành phải mỗi ngày lấy củ hoàng tinh làm thức ăn. Mấy ngày sau, bỗng nghe thấy có tiếng người nói trên miệng giếng rằng: “Tôi là một con cáo, vì để cảm tạ ông đã cứu sống con cháu của tôi; vậy nên tôi đặc biệt đến đây để dạy cho ông một loại phép thuật. Ngày trước tôi cư trú trong một lăng mộ dưới lòng đất, chỉ có thể nhìn lên bầu trời thông qua một cái lỗ nhỏ bên trên, trong lòng tràn đầy hy vọng mong sao sẽ có ngày được ra tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thế là tôi đã tập trung tinh thần chú tâm mà nhìn lên bầu trời, thời gian lâu dần, một ngày kia bất thình lình từ trong động bay ra. Nếu ông cũng có thể như vậy, chuyên tâm đến cùng, thì chẳng cần tới 30 ngày, tự nhiên sẽ có thể bay ra ngoài được, cho dù cái lỗ có nhỏ hơn nữa, cũng không có trở ngại gì”.
Diệu Khôn liền làm theo lời hồ ly đã dạy, một tháng sau, quả thật ông đã từ trong cái lỗ của tảng đá bay ra ngoài.
Lão hòa thượng thấy ông bay từ trong giếng ra, rất lấy làm kinh ngạc, hỏi dò ông sao lại làm được như vậy. Diệu Khôn buột miệng đáp: “Tôi ăn hoàng tinh ở trong đó, tự dưng người nhẹ nhõm đến nỗi có thể bay lên được, cho dù cái lỗ có nhỏ hơn, cũng không có vấn đề gì”.
Hòa thượng nghe xong, mừng thầm trong lòng, tưởng rằng đúng là như vậy thật, liền bảo đệ tử dùng dây thả lão xuống giếng, còn miệng giếng thì lấy tảng đá lớn đè lên, hẹn đến tháng sau, mới được mở ra xem thử.
Đợi đến tháng sau, lão hòa thượng này đã chết trong đó từ lâu. Quyển “Giới sát phóng sinh văn” của Liên Trì đại sư, cũng có ghi chép về việc này, đây là câu chuyện về việc động vật báo ân, đồng thời cũng là sự trừng phạt mà ông trời dành cho những kẻ không biết quý trọng mạng sống của người khác.
Lý Tư Nghị bình luận rằng: Diệu Khôn từ trong giếng bay ra, là nhờ hồ ly đến trước tương cứu. Lão hòa thượng này tự chui xuống giếng, chính là tự mình tìm đến cái chết. Người phải chết nhưng lại không chết, kẻ tham sống ngược lại mạng vong. Đây chính là người nhân đức sống sót trở về, kẻ nham hiểm mạng vong đáy giếng. Đạo trời xưa nay luôn như vậy.
Thơ rằng:
“Hoàng tinh tịch cốc (*) bay được chăng,
Không tích âm đức chẳng được gì.
Chăm chú nhìn trời khai diệu khiếu,
Tồn”vô” thủ “hữu” ngộ chân kinh”.
(*) Tịch cốc là một phương pháp tu luyện của đạo gia, trong đó các cư sĩ đi vào núi sâu rừng thẳm, chui vào hang động tự nhốt mình trong đó, không ăn không uống, nếu tu thành thì có thể thoát ra, không tu thành thì vong mạng. Phép tu này được đề cập khá chi tiết trong cuốn “Chuyển Pháp Luân” của Đại Sư Lý Hồng Chí.
Tiểu Thiện, dịch từ Đại Kỷ Nguyên