Đức Phật nhìn thấy một ông lão bán cá và một con heo đi qua thì bèn từ bi mỉm cười thương cảm. Về sau, chúng đệ tử mới biết nguyên do vì sao Đức Phật mỉm cười như vậy.
Một ngày kia, Đức Phật cùng với chúng đệ tử đi ngang qua khu chợ, nhìn thấy một ông lão vừa bán cá vừa kêu than rằng: “Ông trời ơi! Rốt cuộc con đã phạm phải sai lầm gì mà Người khiến cho con trai con chết sớm như vậy? Nếu như nó vẫn còn sống, thì có thể bán cá giúp con, thì con đâu cần phải vất vả, cực khổ như này đây?”
Đức Phật từ bi nhìn ông lão, khẽ nở nụ cười. Ngay sau đó, từ miệng của Đức Phật phóng ra ngũ sắc vàng kim, chiếu sáng ông lão và toàn bộ khu chợ. Một lúc sau, có một con heo mình mẩy hôi thối bẩn thỉu, lảo đảo đi qua khu chợ, mọi người lúc này đều bịt mũi lại. Đức Phật nhìn thấy tình cảnh này, dường như nhận ra điều gì đó lại mỉm cười cảm thông lần nữa.
Tôn giả A Nan ở bên cạnh chứng kiến ứng xử của Đức Phật, cảm thấy không giống trước đây, bèn cung kính thưa Đức Phật rằng: “Thế Tôn từ bi! Khi nãy Người nhìn thấy ông lão than oán mà nở một nụ cười thương xót, bây giờ lại nhìn thấy con heo lảo đảo đi ngang, cũng mỉm cười tương tự. Lẽ nào có nguyên nhân gì đặc biệt ở trong đó chăng? Mong Thế Tôn từ bi khai thị, giải đáp nghi hoặc chung cho mọi người”.
Nguyên nhân Đức Phật mỉm cười khi thấy ông lão bán cá
Sau đó Đức Phật nói với mọi người rằng, sở dĩ Người mỉm cười là có ba nguyên nhân:
Thứ nhất, là thấy thương xót cho sự u mê của ông lão này. Thử nghĩ xem, khi ông lão bắt cá ở bờ sông, khiến cho biết bao nhiêu sinh mệnh không thể tính đếm được bị giết hại thê thảm dưới lưới của ông, cũng khiến cho những con cá tôm này, gia đình tan nát, cốt nhục phân ly. Nhưng mà, ông lão chưa từng vì nỗi khổ của những cá tôm kia mà sinh khởi một chút lòng trắc ẩn. Ngày nay con trai của ông vì họa mà chết, lại oán trời trách đất, than vãn vận mệnh bất công đối với mình. Bởi vì nguyên nhân này mà cười.
Thứ hai, Hoàng đế Phi Hành ngày nào từng nở mày nở mặt không ai bì nổi, có thể hô mưa gọi gió, đi lại tự do như ý, đắc chí ý mãn là thế; vậy mà ngày nay lại chỉ có thể kéo dài hơi tàn một cách bất lực ở trong cái giỏ của người bán cá, ngay cả tính mệnh cũng tự lo không xong. Vị thiên nhân đời trước này, bởi chuyên tu phép quán chiếu không tưởng, đã tu thành không định, nhưng lại chấp trước vào cái “Không” tự mình nghĩ ra này, không thể quy về bản tâm. Tuy hưởng thọ đến 840 triệu kiếp, tuy nhiên, lại không thể tiêu trừ tội nghiệp của bản thân; khi phúc thọ hưởng hết rồi, định lực cũng theo đó mà biến mất, vẫn cần phải chịu cái khổ của luân hồi nghiệp báo.
A Nan không hiểu mà hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn! Hoàng đế Phi Hành tôn quý giống như vua trời Đế Thích vậy. Phúc đức mà Ngài ấy tu được cũng rộng lớn như thế, cớ sao vẫn không thể thoát khỏi nghiệp báo vậy?”.
Những con cá bên cạnh ngay lúc này cũng mở to đôi mắt, dường như cảm nhận được gì đó.
Đức Phật trả lời rằng: “Họa phúc thật ra chỉ là cái giả tướng tạm thời, vốn không thể dài lâu! Nếu như bởi vì phú quý của đời này mà đã vội vừa lòng thỏa ý, không biết tiếp tục bồi phúc tu huệ, trái lại làm chuyện bạo ngược, thì rất mau, phúc báo hưởng hết, sẽ chiêu mời vô số khổ nạn và nghiệp báo cho bản thân. Nhân duyên quả báo này như bóng theo hình, như tiếng vọng lại, sẽ không bởi sang hèn mà có sự khác biệt!”.
Nguyên nhân Đức Phật mỉm cười khi thấy con heo đi qua
Nguyên nhân thứ ba, là Đức Phật nhớ về quá khứ khi tu hành Bồ Tát đạo, từng có một đời là đệ tử Tam Bảo. Mỗi khi đến sáu ngày chay, đều sẽ đến chùa nghe kinh nghe Pháp, tinh tấn hành đạo không dám biếng trễ. Bởi tôn kính Tam Bảo, ngày thường phụng hành Phật Pháp, hành thiện không biết mỏi mệt, lại giữ gìn ngũ giới – không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Nhờ vậy mà được sinh ra vào thời có Phật xuất thế, nhờ Phật thuyết Pháp mà xuất gia tu hành; từ đây đời đời kiếp kiếp phụng trì không ngừng. Cũng nhờ đức hạnh này, phúc huệ ngày càng tăng thêm, mà thành tựu Phật quả vô thượng, được người đời cung kính.
Thời đó, có một người hàng xóm, vốn xưa nay vốn không tin vào đạo lý thiện ác hữa báo, do vậy ngu muội hành ác khắp nơi. Còn cúng thờ ma quỷ, thả bùa ngải yêu ma làm hại người khác. Ngày thường hễ nhàn rỗi, thì lại ăn chơi sa ngã, ham vui rượu chè.
Trong luân hồi, từ đó về sau, nơi mà Đức Phật sinh ra đều là chốn thanh tịnh, có thể nghe được Phật Pháp và tinh tấn tu hành, viên mãn Phật quả. Còn người hàng xóm này, bởi vì tham luyến nữ sắc, hoang dâm vô độ, lại không biết hiếu thuận cha mẹ, nên mãi đến hôm nay vẫn phải luân hồi trong ba nẻo ác, không thể thoát ra được, và đọa thành con con heo hôi thối bẩn thỉu này.
(Trích từ “Kinh tập lục độ”)
Tiểu Thiện (Theo secretchina.com)