Xưa có chàng trai vô cùng khờ khạo, được mọi người gọi là “Tráng Tử”. Tráng Tử tính tình thuần hậu chất phác, chỉ vì quá ngốc nên thường bị lừa gạt. Hằng ngày anh lên núi đốn củi rồi mang ra chợ đổi lấy thức ăn, khi đổi người ta đưa gì thì lấy đó, chưa toan tính bao giờ. Nhiều người gian lận, lấy toàn bộ củi chỉ đưa lại một cái bánh hoặc một quả táo, anh cũng không nhận ra.
Sau Tráng Tử cưới được người vợ là Xảo Nhi, cô thấy chồng ngốc quá đỗi nên thường dạy anh phải sống cho khôn khéo, không để bị thua thiệt. Xảo Nhi hỏi: “Chàng tìm được củi đâu phải là ít, sao chỉ đổi lấy có bao nhiêu đây?”
Tráng Tử đáp: “Trước giờ ta vẫn đổi như vậy mà?”
Xảo Nhi nhíu mày: “Ngày xưa chàng chỉ có một mình thì ngốc như vậy còn được, bây giờ có thêm vợ và sau này còn có thêm con, mà cứ ngờ nghệch mãi thì làm sao nuôi nổi gia đình? Phải lanh lợi hơn người khác thì mới được”.
Nhưng Tráng Tử nghe rồi vẫn không hiểu, chỉ gãi đầu cười hì hì.
Xảo Nhi mang chuyện này kể với người bác họ Trần, vốn giỏi về mệnh lý và phong thủy. Trần tiên sinh vuốt râu nói: “Khờ khạo chưa chắc là chuyện xấu, thông minh chưa chắc là chuyện tốt. Trời sinh mỗi người mỗi vẻ, ắt có đạo lý bên trong, đừng cố gắng thay đổi một con người”.
Xảo Nhi không cho lời bác là đúng, cô biết trong cây đa lớn đầu làng có Hồ tinh cư ngụ bèn ra đó. Hồ ly là giống gian manh, con hồ này sống nhiều năm rồi nên đắc được linh khí, vì trước nay nó vẫn an phận không phạm lẽ Trời nên Thiên đình cũng không làm khó dễ nó.
Xảo Nhi tới cúng Hồ tinh một mâm gà xôi, khấn rằng: “Xin Hồ ly gia gia làm cho chồng con là Tráng Tử trở nên thông minh hơn, để gia đình con khỏi phải chịu thiệt nữa”.
Hồ tinh hiện ra nhận lễ, nói: “Cái đó không khó, ta cho ngươi vài giọt máu của ta, ngươi mang về tìm cách cho chồng ngươi uống, hắn sẽ có được trí khôn như ta thôi”.
Dứt lời Hồ nhỏ mấy giọt máu vào chén, rồi biến mất. Xảo Nhi mừng rỡ mang về hòa vào bình nước cho chồng uống.
Từ đó Tráng Tử thay đổi hẳn, biết so đo từng li từng tí, quyết không để bản thân thiệt thòi dù chỉ một que củi. Nhờ khôn lanh tính toán, anh nhanh chóng dành dụm được một số tiền. Xảo Nhi thấy vậy trong bụng như được mở cờ.
Lại qua một thời gian ngắn, Tráng Tử học được tính gian xảo. Khi đi đốn củi anh thường đánh cắp củi của các tiều phu khác, nhờ vậy tuy làm ít mà được hưởng nhiều. Khi mang củi đi bán, lắm khi anh còn dẻo miệng lừa người nói rằng đây là gỗ tốt, nhờ vậy mà bán được với giá cao gấp trăm ngàn lần.
Chỉ sau nửa năm Tráng Tử trở nên khấm khá, anh bỏ nghề đốn củi và chuyển sang mua bán vải vóc. Lại nhờ tài buôn gian bán lận, lấy một lãi mười, anh càng làm càng giàu, cuối cùng có cả một cơ ngơi to lớn.
Xảo Nhi lúc đầu rất hài lòng về “trí khôn” của chồng mình, nhưng sau thấy anh càng lúc càng quá đáng, liền đổi hướng khuyên nhủ: “Chàng làm ăn tuy khá thật nhưng đều là lừa người, ắt là mất nhiều đức lắm, nếu không sớm ngừng tay thì chỉ e con cháu sau này không còn phúc phận nữa”.
Tráng Tử đáp: “Trước đây nàng thường muốn ta phải sống cho khôn khéo để không bị thua thiệt với thiên hạ, đây là ta làm cho nàng hài lòng đó thôi. Không cần tích đức làm gì, chỉ cần có tiền là sẽ có phúc phận thôi”.
Xảo Nhi nghe vậy rất đỗi hối hận, cô quay lại chỗ cây đa nói với Hồ tinh: “Hồ ly gia gia! Con xin dâng cho ngài gấp trăm lần những gì đã cúng trước đây, chỉ xin ngài gia ân biến chồng con trở lại như cũ.”
Hồ tinh hiện ra hỏi: “Lúc trước ngươi muốn hắn có trí khôn, nay lại thay đổi là sao?”
Xảo Nhi đáp: “Con đã hiểu ra, chẳng thà Tráng Tử ngờ nghệch, dù chịu thiệt một chút còn hơn trở nên giàu có mà gian tham như bây giờ”.
Hồ tinh nói: “Con người các ngươi nói ta là giống loài gian xảo, nhưng các ngươi mới chính là điêu ngoa nhất. Trí khôn là của ta cho hắn, nhưng không phải ta khiến hắn trở nên gian tham, do hắn biết khôn khéo rồi thì cái gì cũng nghĩ tới bản thân trước, lại phải sống trong một xã hội ai cũng tranh giành để đạt được mục đích, nên càng ngày hắn “học khôn” càng nhiều hơn, rốt cuộc biến thành như vậy. Hừ, một tấm vải trắng bị nhúng vào thùng thuốc nhuộm, ngươi nghĩ có thể làm nó trắng trở lại như ban đầu không? Chồng ngươi cũng như tấm vải kia vậy!”
Dứt lời liền ẩn vào thân cây đa, không xuất hiện nữa. Xảo Nhi đành buồn bã trở về, nghĩ chỉ còn cách khuyên can chồng dần dần.
Lại nói Tráng Tử giàu có rồi bắt đầu cho vay nặng lãi, dồn ép người nghèo, cấu kết quan phủ,… chuyện xấu nào cũng làm. Dần dần cả họ hàng thân thích hay bằng hữu trước đây anh cũng không nhìn nữa.
Đến một hôm Tráng Tử cảm thấy Xảo Nhi không còn xứng với mình, định bụng sẽ rước người khác về, liền thét gia nhân đuổi vợ ra khỏi nhà, mặc cho cô đang mang thai. Xảo Nhi kêu khóc van xin anh nghĩ tới tình cũ, nhưng anh không chút động lòng.
Xảo Nhi bị đuổi ra ngoài, may gặp Trần tiên sinh, cô khóc kể lại mọi chuyện. Trần tiên sinh thở dài nói: “Ta đã từng nói khờ khạo không chắc là xấu, thông minh không chắc là tốt, cháu lại không nghe lời ta nên mới chuốc lấy quả báo như vậy. Người đáng thương nhất là Tráng Tử, hắn không còn là bản thân mình nữa rồi”.
Xảo Nhi hỏi: “Bác là người tinh thông mệnh lý, có cách nào cứu được Tráng Tử không?”
Trần tiên sinh nói: “Có lẽ Tráng Tử không phải thật sự đã trở nên xấu xa, mà chỉ là tư tưởng của Hồ tinh đang chi phối hắn, cái thông minh ấy là thông minh của Hồ tinh, sự học khôn ấy là học khôn của Hồ tinh, không phải là của chính hắn. Gốc là ở con hồ ấy, chỉ cần tiêu diệt nó đi thì không còn tư tưởng đó áp đặt lên Tráng Tử nữa, nếu hắn chưa đánh mất bản tính thì sẽ trở lại như cũ được”.
Ngừng một chút, ông lại tiếp: “Nhưng con hồ ấy tu đã rất lâu năm, chưa từng phạm trọng tội gì, nếu vô cớ diệt trừ nó thì cũng là sai trái, sau này tất có báo ứng”.
Xảo Nhi nói: “Con xin chấp nhận hậu quả, chỉ mong Tráng Tử trở lại như cũ”.
Trần tiên sinh gật đầu, cùng Xảo Nhi đi ra chỗ cây đa. Sau khi bày bố trận pháp, ông nói Xảo Nhi nhỏ mấy giọt máu vào gốc đa để minh chứng mình là người tiêu diệt Hồ tinh, rồi bắt đầu làm phép.
Qua một lúc thấy trong thân cây vang lên tiếng rú đầy giận dữ kéo dài hồi lâu rồi tắt lịm, Trần tiên sinh gật đầu nói: “Con hồ ấy chết rồi, giờ hãy quay lại chỗ Tráng Tử xem”.
Xảo Nhi về nhà thì thấy Tráng Tử đang nằm vật trên giường gào khóc, anh thấy vợ về thì mừng rỡ chạy đến ôm chặt lấy cô.
Nguyên là sau khi không còn bị tư tưởng của Hồ tinh khống chế, Tráng Tử chẳng khác nào người vừa tỉnh cơn say, nghĩ tới bao nhiêu chuyện thương thiên hại lý mình đã làm trong thời gian qua thì vô cùng đau khổ, chỉ muốn tự tử để chuộc tội nhưng không nỡ bỏ lại vợ con.
Xảo Nhi an ủi và tạ lỗi với chồng, nói rõ nguyên ủy vụ việc là do cô nhờ Hồ tinh làm cho anh trở nên như vậy. Tráng Tử nghe xong không trách vợ, nhưng cũng nguôi ngoai được phần nào.
Sau đó Tráng Tử đem tất cả gia sản và nhà cửa ra phân phát lại cho người nghèo, tự bản thân mình lại vào rừng đốn củi như trước.
Xảo Nhi cũng không phiền hà vì cảnh nghèo nàn và ông chồng ngờ nghệch nữa, cô tự nhủ thầm: “Đây mới thật sự là Tráng Tử!”
Về sau Xảo Nhi sinh con rồi, mấy năm liên tiếp mắc nhiều bệnh lạ, hình dung cũng tiều tụy hẳn đi. Tới sau tuổi ba mươi thì trở nên ngớ ngẩn, còn khờ khạo hơn cả Tráng Tử, người ta đều nói là báo ứng của việc hại chết Hồ tinh.
Thế Di