Tinh Hoa

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật: Biến thù thành bạn nhờ thông hiểu văn hóa

Trong lịch sử Việt Nam, các vị vua thường vận dụng biện pháp ngoại giao để duy trì hòa bình, hạn chế giao chiến đến mức tối đa, nhằm tránh gây tổn thất cho nhân dân bách tính. Đỉnh cao của ngoại giao không chỉ là dùng kỹ năng giao tiếp khéo léo bề mặt để tạm ngưng chiến tranh, mà còn phải thật sự thu phục được lòng người, biến thù thành bạn.

Trần Nhật Duật (1255 – 1330) là Hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông, em cùng cha khác mẹ của vua Trần Thánh Tông và danh tướng Trần Quang Khải. Ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần II và III, giữ gìn bờ cõi nước Đại Việt. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Ông chẳng những sử dụng thành thạo tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành mà còn am hiểu nhiều mặt đời sống của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ.

Đời vua Trần Nhân Tông, sứ thần nước Sách Là Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang triều cống, cả triều thần không ai có thể phiên dịch, ngoại trừ Trần Nhật Duật. Theo lời ông thuật lại, do vào thời Thái Tông, tức Trần Cảnh, sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ.

Một lần khác, sứ Nguyên sang, theo thông lệ, triều đình phải sai người biết tiếng để phiên dịch, thông thường Tể tướng sẽ không trực tiếp nói chuyện với họ, nên nếu có sai sót gì thì có thể đổ lỗi cho người phiên dịch. Tuy nhiên, Trần Nhật Duật khi tiếp sứ thường nói chuyện trực tiếp, không cần người phiên dịch. Đến khi sứ về nơi ngơi nghỉ thì ông theo cùng và ngồi uống rượu với họ vui vẻ như bằng hữu. Sứ Nguyên nghi ông là người Chân Định, tên một huyện của tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, qua xứ này làm quan. Trần Nhật Duật ra sức phủ nhận, nhưng họ vẫn không tin, vì ông nói tiếng nước họ quá giỏi.

Đền thờ Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật trên bờ sông Hồng, Phú Thọ

Năm 1280, dưới thời Trần Nhân Tông, quân Nguyên Mông kéo đại quân sang xâm lược nước ta lần II. Cùng lúc đó, một tù trưởng thiểu số người Man ở đạo Đà Giang, vùng Tuyên Quang ngày nay, là Trịnh Giác Mật đã cầm quân nổi dậy chống triều đình. Vua sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đem quân đi dẹp.

Trịnh Giác Mật hay tin, bèn họp thủ hạ bàn kế cự chiến. Trịnh Giác Mật định ám hại ông nên sai người đưa thư dụ Trần Nhật Duật: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay“. Các tướng can ngăn e Giác Mật tráo trở, nhưng ông vẫn quyết định tự đi một mình, chỉ mang theo năm, sáu tiểu đồng cắp tráp đi hầu.

Khi ông đến dinh trại của Trịnh Giác Mật, người Man liền vây kín ông, đông đến mấy chục lớp, gươm dao đều nhất loạt chĩa thẳng về phía ông. Nhật Duật cứ đi thẳng vào, tiếp cận trại của họ, rồi nói với tù trưởng bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của tộc Đà Giang:

Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải“.

Từ Trịnh Giác Mật đến các đầu mục đều kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ người Man của Chiêu Văn Vương. Rồi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên, mời ông uống. Nhật Duật không chút ngần ngại, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo. Giác Mật kinh ngạc thốt lên:

Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!“.

Nhật Duật nói:

Chúng ta xưa nay vẫn là anh em“.

Người Man thấy vậy thì thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Giác Mật liền đem gia thuộc tới xin hàng. Mọi người thấy thế thì rất đỗi vui mừng và kính phục Chiêu Văn Vương, bởi ông không hề mất một mũi tên mà vẫn dẹp yên được đất Đà Giang. Nhà Trần yên ổn đươc biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Mông Nguyên.

Khi trở về kinh sư, Nhật Duật đem Giác Mật và vợ con vào chầu. Vua khen ngợi ông mãi. Sau đó, vua cho Giác Mật về nhà, giữ vợ con người này ở kinh đô. Nhật Duật rất tử tế, nuôi nấng họ hết lòng, lại còn xin triều đình ban cho họ tước Thượng phẩm, sai trông coi ao cá một thời gian mới đưa về quê nhà.

Nhờ tấm lòng rộng mở, ham học hỏi, thích giao tiếp rộng, Trần Nhật Duật đã không phải mất một mũi tên hay giọt máu nào mà thu phục được cả vùng Đà Giang.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lăng lần II, quân đội của Trần Nhật Duật có nhiều binh lính nhà Tống chiến đấu dưới ngọn cờ của ông, chống lại quân Mông Cổ, bởi ông thông thạo tiếng nói, phong tục tập quán của họ.

Châu Xuân tổng hợp, theo Đại Việt sử ký toàn thư