Chiếc máy bay Aviatr trông giống như loại máy bay không người lái được Mỹ huy động đến Afghanistan. Tuy nhiên, cỗ máy trị giá 715 triệu USD này lại được thiết kế để bay trên mặt trăng lớn nhất của sao Thổ là Titan.
Đến giai đoạn cuối của sứ mệnh, chiếc máy bay nặng đúng 120 kg này sẽ hạ thấp độ cao và tìm cách đáp xuống các đụn cát khổng lồ của Titan. Để làm được điều này, Aviatr sẽ được trang bị một camera ngang cực nhạy. Camera này sẽ có khả năng xoay tròn để chụp được hình ảnh toàn diện về những tầng mây phía trên Titan.
“Chúng tôi tin rằng Titan phù hợp một cách đặc biệt với Aviatr: lực hấp dẫn của mặt trăng này tương đối thấp nhưng bầu khí quyển lại dày. Điều đó có nghĩa là những máy bay nhỏ và nhẹ như Aviatr có thể bay trên không lâu hơn”, Jason Barnes, tác giả thiết kế Aviatr cho biết.
Khác với khinh khí cầu – một giải pháp cũng từng được đề xuất để thám hiểm Titan, Aviatr sẽ cho phép các nhà khoa học kiểm soát chính xác độ cao của nó, đồng thời xây dựng được một thư viện hình ảnh 3D về bề mặt và thời tiết ở Titan. Aviatr sẽ sử dụng nhiên liệu từ một máy phát điện chạy bằng plutonium-238. Khi gửi dữ liệu về cho Trái đất, máy bay sẽ chuyển sang chế độ ngủ để bảo tồn năng lượng. Titan có kích thước lớn hơn mặt trăng của chúng ta và thậm chí cả sao Thủy. Nhiệt độ bề mặt của nó vào khoảng -178 đến 178 độ C.
Jason Barnesh hiện đang công tác tại Đại học Idaho. Tuy ý tưởng về Aviatr đã không thể lọt vào vòng xét duyệt tài trợ cuối cùng của NASA, song ông Barnes vẫn hy vọng dự án này sẽ nhận được sự quan tâm từ các phía khác. Barnes khẳng định một vệ tinh nặng hơn không khí là cách tốt nhất để thăm dò những hành tinh có khí quyển dày như Titan, và khinh khí cầu, dù rẻ hơn, nhưng sẽ vô tác dụng. Y Lam |