“Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất đau đớn. Họ nói sẽ dõi theo bước đường và mong muốn thế hệ sau không phải chịu đau đớn khi mang căn bệnh này. Tôi có cảm giác có nhiều người, nhiều linh hồn đang dõi theo mình nên không thấy đơn độc trên con đường đường này”…
Chàng trai Phan Minh Liêm, sinh năm 1983 chọn nghiên cứu về ung thư khi còn là sinh viên tại khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng đến Mỹ với hành trang là ước mong được tìm cách giúp bệnh nhân chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo vốn là nỗi ám ảnh “trời kêu ai nấy dạ”.
Hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu ở môi trường quốc tế, anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson đặt tại Houston, Texas. Đây là Viện ung thư số một tại Mỹ, kết hợp hiệu quả giữa đào tạo, nghiên cứu và điều trị, chữa trên một triệu bệnh nhân mỗi năm. Được học tập, làm việc nơi này là mơ ước của nhiều bác sĩ, nhà khoa học nghiên cứu chống ung thư thế giới. Với quy trình chọn lọc gắt gao, dù có hàng nghìn giáo sư, bác sĩ làm việc nhưng nơi đây mỗi năm nơi đây chỉ tuyển khoảng hơn 50 sinh viên từ nhiều nước.
Gen diệt tế bào ung thư
Anh là Phan Minh Liêm, hiện đang công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ). Sau hơn 10 nghiên cứu ở môi trường quốc tế – anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson, Houston, Texas- Viện ung thư số một tại Mỹ.
Với tâm huyết tiêu diệt bệnh ung thư, tại đây, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Liêm đã phát hiện một gen có khả năng ức chế, triệt tiêu hiệu quả quá trình tạo năng lượng của khối u.
Khi gen này được kích hoạt, các tế bào ung thư sẽ không lấy được dinh dưỡng hoặc lấy được dinh dưỡng nhưng không chuyển hóa thành năng lượng. Điều này khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng, mở ra một tương lai hy vọng mới cho người bị bệnh ung thư.
“Protein 14-3-3 sigma (được mã hoá bởi gen 14-3-3 sigma) có khả năng tiêu diệt ung thư bằng cách ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng và hấp thu dinh dưỡng của khối u.
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3 sigma có khả năng tấn công hữu hiệu các tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn.
Hiện nhóm mình đang tiến hành các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Hiện tại, còn rất nhiều điều chúng ta chưa tường tận về protein 14-3-3 sigma và sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm.
Tuy nhiên, với các kết quả khả quan mà nhóm đã thu nhận được, mình hy vọng phương pháp này có thể sẽ giúp được các bệnh nhân ung thư trong tương lai”, TS Liêm phân tích sâu việc tìm ra gen ức chế tế bào ung thư.
Theo tiến sĩ Liêm, thất bại trong nghiên cứu ung thư là thường xuyên nên cần có niềm tin. Nhưng chính những bệnh nhân đã cung cấp nghị lực và sức mạnh để anh tiếp tục nghiên cứu. Những người bệnh tham gia thử nghiệm lâm sàng biết thử nghiệm có thể thành công nhưng cũng có thể ra đi.
“Nhiều lúc tôi thấy bất lực vì bệnh nhân mong chờ nhưng kết quả lại không khả quan. Nghiên cứu chưa được như kì vọng của bệnh nhân. Nhiều lúc bên ngoài thấy màu hồng nhưng bản thân tôi có lúc ngồi lặng lẽ một góc riêng để nước mắt rơi. Sau đó, tôi tự mình đứng dậy vì có rất nhiều người đang dõi theo mình. Tôi không bỏ cuộc. Bệnh ung thư không ngừng nghỉ, không có lý do gì mình phải dừng lại”, TS Liêm nói.
Để làm được điều này, Tiến sĩ Liêm cho biết, động lực giúp anh nghiên cứu là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. “Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất đau đớn. Để họ giảm cơn đau, bác sĩ phải sử dụng moocphin. Lúc sự sống chỉ đếm từng ngày, họ chỉ ước mong được sống thêm vài ngày bên người thân…. Còn người thân chỉ biết động viên người bệnh và trông vào phép màu. Có những bệnh nhân biết sắp ra đi nhưng nắm tay, cảm ơn bác sĩ vì bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng y học chưa điều trị được. Họ nói sẽ dõi theo bước đường và mong muốn thế hệ sau không phải chịu đau đớn khi mang căn bệnh này. Khi đang nghiên cứu, tôi có cảm giác có nhiều người, nhiều linh hồn đang dõi theo mình nên không thấy đơn độc trên con đường đường này”, TS Liêm tâm sự.
TS Liêm tâm sự thêm: “Bà nội và cô tôi đều bị căn bệnh này. Và mỗi ngày lại thấy có thêm những bệnh nhân phát hiện bị ung thư, hình ảnh những bệnh nhân ung thư luôn đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật khiến tim tôi như thắt lại. Tôi tự hứa với mình sẽ nỗ lực hết sức để sớm tìm ra loại thuốc đặc trị, tiêu diệt tận gốc rễ các tế bào ung thư, chứ không thể chỉ “cắt lá, tỉa cành” như hiện nay. Tuy nhiên, công tác khoa học y khoa là cả một chặng đường dài, không chỉ là 8 hay 10 năm, tôi vẫn cần có thêm 10, hơn 10 năm nữa để thử nghiệm, theo dõi tính an toàn, hiệu quả của phương pháp mà tôi đã tìm ra. Đến lúc này, tôi tự tin cho rằng những nghiên cứu và phát hiện của tôi đang đúng hướng…”.
Theo Phụ Nữ online