Một thể chế chính trị độc đoán, che giấu và bất tài đã khiến dịch bệnh virus corona trở thành một thảm hoạ tồi tệ.
Đến nay đã có hơn 17.000 ca nhiễm virus corona và hơn 360 người chết, trong khi dịch bệnh đã lan đến hàng chục quốc gia.
Tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi bắt nguồn bệnh dịch, đang bị phong toả. Các thành phố của Hồ Bắc giống như cảnh tận thế khi đường phố vắng bóng xe và người. Giống như bất kỳ căn bệnh chết người nào khác, virus corona là một thảm hoạ. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang khiến thảm hoạ này trở lên tồi tệ hơn nhiều.
Virus corona rất khó ngăn chặn. Không giống như SARS, từng khiến 800 người tử vong vào năm 2003, virus corona truyền nhiễm ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Do thời gian ủ bệnh lâu đến hai tuần nên người nhiễm bệnh sẽ không biết họ bị bệnh.
Dịch vụ cấp cứu quá tải và các bệnh viện ở Trung Quốc không còn đủ chỗ để chứa bệnh nhân. Điều đó khiến ngay cả những người khoẻ mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh. Chuyên gia y tế công cộng Neil Ferguson tại Đại học Hoàng gia London ước tính số người nhiễm bệnh thực tế là 100.000 người.
Bài học từ vụ nổ Chernobyl năm 1986
Được xem là một trong những niềm tự hào của ngành năng lượng hạt nhân Liên Xô thời đó, nhà máy Chernobyl cung cấp 10% nhu cầu điện năng cho cả Ukraine với dân số hơn 51 triệu người. Do một loạt sai lầm của các kỹ sư quản lý nhà máy, cộng thêm các hạn chế sẵn có trong thiết kế của lò hạt nhân, một phản ứng dây chuyền đã diễn ra kéo theo một vụ cháy nổ khủng khiếp vào rạng sáng ngày 26/04/1986.
Một người chết ngay trong vụ nổ. 237 người bị nhiễm độc phóng xạ cấp tính từ lò hạt nhân. 31 người trong số đó phải trải qua cái chết đau đớn vì độc phóng xạ trong vòng ba tháng sau thảm họa. Trong khi đó, hơn một trăm ngàn cư dân trong bán kính 30km xung quanh Chernobyl bị buộc phải sơ tán gấp rút 36 giờ sau khi xảy ra thảm họa.
Nhưng lượng độc phóng xạ từ Chernobyl không chỉ gây ảnh hưởng trong phạm vi 30km này, chúng lẫn vào khí quyển và tỏa ra các khu vực xung quanh. Đám mây phóng xạ đó lan sang các nước châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Các chuyên gia ước tính lượng phóng xạ thoát ra từ Chernobyl cao gấp 400 lần lượng phóng xạ trong hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Nagasaki và Hiroshima tại Nhật Bản trong Thế Chiến thứ Hai.
Thảm họa Chernobyl lớn đến mức nó khiến nhà nước Xô Viết khánh kiệt ngân quỹ vì các phí tổn giải quyết thiệt hại. Việc này chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế lúc đó của cả khối Xô Viết. Liên Xô tan rã chỉ 5 năm sau đó.
Nhiều nghiên cứu cho thấy: trước, trong và sau thảm họa Chernobyl, những đặc tính của thể chế cộng sản Liên Xô đã góp phần làm hậu quả của thảm họa thêm nặng nề. Những đặc tính đó là: thói quen đặt lý tưởng chính trị lên trên chuyên môn khoa học; thói quen “tốt khoe xấu che”, bệnh thành tích; thói quen xem nhẹ an toàn lao động; thói quen đổ lỗi cho một vài cá nhân; thiếu trung thực v.v.
ĐCS Trung Quốc tập trung che giấu thông tin
Chính quyền Trung Quốc đã ra sức kiểm duyệt tin tức xấu về bệnh dịch, khiến thảm hoạ thêm nặng nề. Nhà nước độc đảng và sùng bái cá nhân quanh ông Tập Cận Bình khiến họ không chỉ chịu trách nhiệm cho thành công, mà cả những thất bại. Bệnh dịch virus corona cho thấy sự bất lực và thiếu trung thực của ĐCSTQ. Người dân và truyền thông đã bị thiếu thông tin khiến họ không biết xoay sở ra sao.
Kể từ ca lây nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 8/12/2019, chính quyền Trung Quốc đã làm việc cật lực chỉ để kiểm duyệt thông tin. Ngày 1 tháng 1 năm 2020, tám cư dân mạng đã bị bắt vì chia sẻ thông tin về loại virus này trên Internet và bị buộc tội “phát tán tin đồn”.
Từ ngày 6-10/1/2020, chính phủ đã báo cáo không có trường hợp lây nhiễm mới. Thậm chí vào ngày 23/1/2020, bốn ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, Lý Cương – giám đốc kiêm bác sỹ trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán, còn phát biểu với CCTV rằng “nguy cơ lây nhiễm liên tục từ người sang người là thấp”, và “với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát của chúng tôi, dịch bệnh có thể được ngăn chặn và kiểm soát”.
Ngay cả bây giờ, giới chức Trung Quốc vẫn đang tích cực kiểm duyệt truyền thông xã hội. Điều đó cho thấy quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều so với thông tin của chính phủ công bố. Trong một đoạn video trên mạng xã hội Weibo, sau đó bị xoá, các xác chết nằm dọc lối đi trong bệnh viện. Một video khác quay một thanh niên nói rằng anh đang ở Vũ Hán và lo sợ bị công an bắt vì mô tả sự thật về các bệnh viện đang hỗn loạn và các bệnh nhân bị bỏ rơi cho đến chết.
Hiện nay, ĐCSTQ vẫn tiếp tục cản trở truyền thông đưa tin về virus corona và không cho các y bác sỹ tham gia phỏng vấn. Những người đã đăng tin trên WeChat và các mạng xã hội khác tiếp tục bị bắt giữ và có khả năng bị ngồi tù nhiều năm vì tội “phát tán tin đồn và gây tác động tiêu cực cho xã hội.”
Các biện pháp của Trung Quốc để ngăn chặn virus corona lây lan có thể đã quá ít và quá muộn. Ngay chủ tịch Hồ Bắc cũng nói sai về năng lực sản xuất khẩu trang của tỉnh. Đầu tiên ông ta nói con số là 10,8 tỷ chiếc, sau đó sửa lại là 1,8 tỷ. Cuối cùng, ông ta thừa nhận công suất sản xuất chỉ là 1,08 triệu chiếc mỗi năm, tương đương dưới 10% dân số Vũ Hán. Quan chức này trở thành biểu tượng cho sự bất tài và khiến công chúng tức giận.
Vũ Hán là nơi có phòng thí nghiệm nghiên cứu virus của Trung Quốc, gọi là Viện Virus học Vũ Hán, nơi thực hiện theo yêu cầu của quân đội nước này. Điều này tạo ra suy đoán rằng virus corona có thể đã bị rò rỉ khỏi nơi đây.
Vũ Hán đã bị phong toả, nhưng chỉ sau khi khoảng 5 triệu người dân đã rời khỏi thành phố này. Tiếp theo, chính quyền Trung Quốc mở rộng khu vực cách ly đến gần 20 thành phố với khoảng 56 triệu dân, nhưng chỉ sau khi hàng trăm triệu người đã di chuyển khắp đất nước trong dịp Tết nguyên đán. Cuối tuần trước, Trung Quốc ban lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, nhưng chỉ sau khi virus corona đã truyền từ động vật sang người.
Hệ thống quản lý của ĐCSTQ cần sự mập mờ và che giấu. Vì năng lực quản lý kém, nên họ dùng sự mập mờ để biện minh cho những thất bại, dùng che giấu để bịt những ý kiến phản đối.
Nhưng việc chống dịch bệnh thì cần điều ngược lại: minh bạch và phối hợp. Thông tin càng minh bạch, nhanh chóng càng tốt để hình thành các biện pháp phối hợp các nguồn lực trong xã hội. Chính ĐCSTQ có thể đã khiến dịch bệnh virus corona trở thành bi kịch tồi tệ hơn nhiều.
Theo ĐKN