Khi đối mặt với cuộc sống, có lẽ chúng ta cần có một đôi mắt sáng suốt, nhưng khi dạy con cái, chúng ta tốt nhất nên mắt nhắm mắt mở cho qua.
Dùng con mắt đang mở để nhìn vào ưu điểm, thế mạnh và tiềm năng của trẻ, đối với khuyết điểm và những mặt thiếu sót của trẻ, nếu chúng ta có thể nhắm mắt lại, thì khuyết điểm và những mặt thiếu sót đó sẽ không tồn tại.
Một số bậc phụ huynh rất thông minh, họ sẽ hỏi vặn lại rằng, đó chẳng phải là tự lừa dối mình sao? Những bậc phụ huynh này có thể không biết rằng, học cách bỏ qua khuyết điểm có thể chính là cảnh giới cao nhất trong giáo dục.
Một bà mẹ đi họp phụ huynh, kết quả cô giáo nói với bà mẹ này rằng con của bà kém cỏi nhất lớp, ngồi được không quá 3 phút là bị phân tâm.
Khi trở về nhà bà mẹ nói với con mình: “Cô giáo khen con, bây giờ con có thể ngồi được đến 3 phút là rất tiến bộ rồi”. Đứa trẻ rất phấn khích, cậu ta dần dần có thể ngồi trong 5 phút, rồi 10 phút…
Một học sinh thi môn Ngữ Văn chỉ được 12 điểm, giáo viên hỏi cậu ta tại sao lại làm bài kiểm tra kém như vậy. Cậu ta nói rằng mình không có hứng thú với môn Ngữ Văn, nên trên lớp không chú ý nghe giảng.
Giáo viên liền nói: “Em không có hứng thú, lại không chú ý nghe giảng lại thi tận 12 điểm, chứng tỏ rằng em rất lợi hại. Nếu em bỏ thêm một chút thời gian, thì nhất định kết quả sẽ tốt hơn”.
Lần sau, đứa trẻ đó thi được 20 điểm, giáo viên lại nói rằng cậu ta rất thông minh chỉ bỏ một chút công sức mà lại tiến bộ lớn như vậy. Dưới ‘tuyệt chiêu’ của giáo viên, đứa trẻ này luôn cố gắng nỗ lực, cuối cùng thành tích càng ngày càng tốt.
Hiệu ứng mong đợi
Có một tay lừa bịp đẳng cấp thế giới tên là Rosenthal, ông cũng là một nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới. Có một lần ông đến một trường học và chọn ra ngẫu nhiên mười mấy đứa trẻ rồi nói các em là thiên tài, kết quả là 8 tháng sau, hiệu trưởng nhà trường và các thầy cô giáo nhận thấy những đứa trẻ này tiến bộ rất rõ rệt, và dần dần trở thành thiên tài.
Trò bịp này sau đó đã được gọi là “Hiệu ứng Rosenthal” hay còn được gọi là “Hiệu ứng mong đợi”. Hầu như bất kỳ giáo viên nào học về giáo dục đều biết ‘trò bịp’ này.
Bất cứ ai có thể hiểu được đạo lý và nắm rõ thủ thuật này, đều đã trở thành những giáo viên xuất sắc. Điều đáng tiếc là, rất nhiều giáo viên biết thủ thuật này, nhưng họ lại có một đôi mắt sáng suốt, không thể mắt nhắm mắt mở cho qua, vì thế mọi khuyết điểm của trẻ họ đều thấy rất rõ ràng, kết quả là không thể trở thành những giáo viên ưu tú.
Các bậc phụ huynh thường xuyên bộc bạch về nỗi phiền não của họ, nói con của họ thật non nớt ẫu trí, không hiểu chuyện như những đứa trẻ khác. Nhưng thực ra đó lại là một điều đáng mừng, bởi vì khi trẻ còn non nớt, sẽ tạo cơ hội cho các bậc phụ huynh uốn nắn.
Nếu một đứa trẻ có vẻ là “ông cụ non”, thì đứa trẻ đó có thể sẽ không đồng tình với những “chiêu bài” dạy dỗ của cha mẹ, thậm chí là xì mũi coi thường, coi đó là nhạt nhẽo. Khi đó giáo dục sẽ mất đi một vũ khí mạnh nhất.
Tại sao nắm bắt tâm lý có sức mạnh to lớn như vậy?
Bí mật lớn nhất của hành vi con người, đầu tiên là ấn định, tiếp theo là giả vờ, và sau đó thay đổi. Ví dụ, chúng ta muốn trẻ em là những người ham học hỏi, bạn có thể sử dụng ba bước dưới đây để thực hiện:
Đầu tiên là ấn định: Sử dụng mọi cách để nói rằng trẻ rất ham học hỏi, nói với trẻ rằng con là một cậu bé ngoan, ham học hỏi. Nói với người khác rằng trẻ là một cậu bé tốt bụng, ham học hỏi. Thường xuyên coi trẻ là một đứa trẻ ngoan, ham học hỏi.
Tiếp theo là giả vờ: Khi mới bắt đầu, có thể trẻ sẽ cảm thấy khó hiểu, lạ lẫm đối với những lời bạn nói, nhưng khi trẻ thường xuyên nghe người khác nói rằng trẻ là một tấm gương ham học hỏi, trẻ có thể sẽ thử xem cảm giác ham học hỏi là thế nào.
Khi trẻ có bất kỳ biểu hiện ham học hỏi nào, ngay lập tức nhận được sự công nhận của người khác: “Cậu bé thực sự là một đứa trẻ ham học hỏi”.
Sau đó, trẻ sẽ thể hiện sự ham học hỏi trước những người này, ngay cả khi trẻ không thực sự ham học hỏi, thì dù giả vờ nhưng cũng giống như rất ham học.
Càng nhiều người xung quanh nói rằng trẻ rất ham học, thì phạm vi giả vờ của trẻ càng rộng; thời gian mọi người xung quanh nói trẻ ham học càng dài, thì thời gian trẻ giả vờ càng lâu.
Sau đó là thay đổi: khi trẻ thường xuyên giả vờ là ham học, dần dần sẽ hình thành nên thói quen, trẻ sẽ thấy mình là người như vậy, ham học hỏi là trạng thái vốn có của mình, thế là trẻ sẽ thực sự trở thành một đứa trẻ ham học hỏi.
Tục ngữ nói, nói dối một ngàn lần thì cũng biến thành chân lý, nếu như tất cả mọi người đều tin rằng một người nào đó là người như thế nào, thì chắc chắn người đó sẽ trở thành người như thế.
Các nhà tâm lý học từng nghiên cứu và đưa ra kết luận: Muốn người khác trở thành một người như thế nào, thì phải xem anh ta là người như thế để đối đãi.
Những giáo viên ưu tú và các bậc phụ huynh đều vô tình hay cố ý tuân theo nguyên lý này, đầu tiên họ đều coi trẻ là ưu tú, là thông minh, là có tình thương…, sau đó, trước mặt giáo viên hoặc phụ huynh trẻ sẽ giả vờ trở thành người như vậy, cuối cùng là thực sự trở thành những người như thế, vậy là sự giáo dục của giáo viên hoặc cha mẹ cũng đạt được thành công.
Nhưng cần phải chú ý rằng, khi bạn không ngừng nói với trẻ rằng trẻ kém cỏi, thực ra bạn cũng là áp dụng nguyên tắc này, chỉ có điều là không dẫn hướng trẻ trở thành một người ưu tú mà thôi.
Nếu như bạn muốn những đứa trẻ của mình trở nên ưu tú, hãy nói với chúng rằng, các con rất ưu tú.
Tuệ Tâm (Theo Cmoney)
Xem thêm: