Một vị giáo sư nổi tiếng sinh ra 3 cô con gái đều bị câm, trong lúc tuyệt vọng đã tìm đến cao tăng. Không ngờ cao tăng lại giận dữ nhìn ông và nói: “Hết thảy đều là nghiệp do chính ông gây ra!”.
Vợ chồng giáo sư Quan đã 55 tuổi, sinh hạ được ba cô con gái dung mạo xinh đẹp, tuổi lần lượt là 25, 23, 20. Tuy đều đã là những thiếu nữ nết na kiều diễm, nhưng đều chưa tìm được ý trung nhân khiến hai vợ chồng họ vô cùng phiền não.
Ban đầu, các chàng trai thoáng nhìn thấy ba chị em, trong lòng rung động, gắng sức theo đuổi, nhưng khi phát hiện ra những thiếu nữ xinh đẹp này đều không biết nói, liền lập tức chùn chân từ bỏ.
Vợ chồng giáo sư Quan thân là phần tử trí thức, trước nay không tin vào thuyết nhân quả. Khi lần lượt sinh hạ ba cô con gái bị câm, loại đả kích tàn khốc này khiến hai người họ suy sụp, trống rỗng. Họ đã lĩnh ngộ được học vấn và của cải vốn không thể mang đến cho họ niềm vui. Sự khiếm khuyết của ba cô con gái, khiến họ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và bất lực.
Vợ chồng giáo sư Quan đã bước vào cái tuổi xế chiều, lại phải chịu dày vò về tinh thần trong suốt một khoảng thời gian dài, vốn không phải là điều mà thuốc thang có thể chữa trị được, vậy nên dần dần cảm thấy hứng thú đối với tôn giáo. Được bạn bè giới thiệu, họ đến ngôi chùa ở vùng ngoại ô lắng nghe cao tăng giảng giải Phật lý.
Khi đó vị cao tăng đang thuyết giảng: “Quy luật nhân quả ‘thiện ác hữu báo’ tồn tại hết sức khách quan, vốn không phải là điều mà Đức Phật quy định hoặc sáng tạo ra, Ngài chẳng qua đã biết được và chỉ rõ chúng ra mà thôi. Bất kể các vị tin hay không tin, chúng ta đều sống trong vòng tuần hoàn của luật nhân quả.
Mỗi một người chúng ta đều cần phải chịu trách nhiệm đối với hành vi thiện ác của mình, mỗi một người đều có thể tạo nên vận mệnh cho mình. Nếu như việc ác là do bản thân các vị làm, thế thì các vị sẽ nhận phải quả báo đau khổ!”.
Lời này của vị cao tăng giống như một gậy cảnh tỉnh, đánh thẳng vào chỗ sâu thẳm nhất trong tâm của giáo sư Quan. Ông cảm thấy ánh mắt của cao tăng dường như đang nhìn vào mình.
Sau khi khóa giảng kết thúc, giáo sư Quan chủ động đi tìm vị cao tăng đó, không ngờ cao tăng vừa mở miệng đã hỏi: “Vào 25 năm trước ông đã làm chuyện gì…trong lòng ông vẫn còn rõ chứ? Hết thảy đều là nghiệp do chính ông gây ra!”.
Giáo sư Quan không khỏi chấn động. Nhớ lại 25 năm trước, ông đã từng làm một chuyện mà ông không sao quên được.
Chuyện là vợ chồng giáo sư Quan sau khi kết hôn được 2 tháng, vợ đã mang thai, giáo sư vui mừng khôn tả. Cứ mỗi khi vào dịp cuối tuần, ông thường lái một chiếc xe hơi sang trọng đi đến vùng biển hoặc các khu du lịch để thăm thú. Có một lần đi dự yến tiệc, ông đậu chiếc xe hơi ở bên ngoài bãi sân chùa.
Vừa mở cửa xe đã có một nhóm những đứa trẻ đường phố ùa đến ngửa tay xin tiền. Giáo sư Quan ghét nhất là những đứa trẻ ăn xin, bản thân không những không chịu bố thí, mà còn nói với mọi người rằng chớ có cho họ tiền, nếu không sẽ dưỡng thành thói xấu, không chịu làm những việc chính đáng, tạo thành tổn thất lớn đối với xã hội. Đám trẻ con nghe xong tự mình tản đi hết.
Khi vợ chồng giáo sư Quan tham dự yến tiệc xong, lúc trở lại bãi đậu xe, phát hiện chiếc xe mới tinh bị rạch một đường dài. Giáo sư Quan lửa giận bốc lên, lòng nghĩ nhất định là đám trẻ con khi nãy, giương mắt nhìn quanh, thấy dưới gốc cây xoài không xa, thấy có 4, 5 đứa trẻ chừng 13, 14 tuổi chơi trò quăng tiền xu, ông bèn lao thẳng đến đó, chưa làm rõ trắng đen, đã đánh mỗi người một bạt tai, sau đó ép họ nói ra là ai đã làm trầy chiếc xe.
Giáo sư Quan thấy không có ai thừa nhận, bèn dọa bắt đưa bọn chúng đến đồn cảnh sát. Lũ trẻ bị bức ép đến không biết phải làm sao, một đứa trẻ xem có vẻ lớn tuổi nhất nhóm, chỉ về phía một đứa trẻ ăn xin người ngoại quốc áo quần rách rưới ở đằng xa, nói rằng chiếc xe là cậu bé ấy rạch. Giáo sư Quan ngay tức khắc nổi giận đùng đùng chạy đến đó, lôi cậu bé đến bên cạnh chiếc xe, còn những đứa trẻ khác thừa cơ chạy mất dạng.
Giáo sư Quan hung hãn tát vào mặt cậu hai cái, rồi tra vấn hỏi cớ sao lại làm trầy xe của mình? Hỏi một hồi rất lâu, thì ra là một đứa trẻ câm, giơ tay làm các ký hiệu, hai mắt lộ vẻ hoảng sợ, ánh mắt như van xin rủ lòng thương.
Giáo sư Quan không hiểu được ý nghĩa của các ký hiệu đó, ông không còn giữ được bình tĩnh nữa, cho rằng cậu nhất định là ôm hận chuyện ông tuyên bố không được bố thí cho những đứa trẻ ăn xin đường phố, vì vậy tức giận giơ chân phải lên, đạp mạnh vào ngực cậu bé bị câm ấy, một tiếng “bịch” cậu ngã lăn xuống đất, chân tay chổng vó lên trời, tiếp đó “ọc” một tiếng, trong miệng nôn ra một búng máu.
Mọi người xung quanh vội vàng kéo giáo sư ra rồi dẫn đứa trẻ câm chạy mất, để khỏi bị đánh nữa.
Trước khi thằng bé đi, đã ngoảnh đầu trừng mắt nhìn giáo sư Quan, ánh mắt chứa đầy nỗi uất hận. Về sau cậu bé đáng thương ấy đã nương thân trong chùa, căn bệnh cũ tái phát khiến cậu trở nên tàn phế. Mọi người đều biết cậu bé bản tính lương thiện, chiếc xe không phải là cậu ấy vạch hỏng, giáo sư Quan đã trách nhầm.
Cuối năm đó, vợ của giáo sư Quan đã sinh hạ một bé gái, mặt mày thanh tú, nhưng đến 2 tuổi vẫn không biết nói. Tiếp đó, cô con gái thứ hai ra đời, 3 tuổi cũng không nói được một câu. Đến cô con gái thứ ba, vừa sinh ra đã mời bác sĩ kiểm tra, lại là một đứa bé câm. Vợ chồng lo sợ đứa bé thứ tư, thứ năm sau này vẫn như vậy, nên đã nhờ bác sĩ làm phẫu thuật tuyệt dục.
“Đại sư…..sao ông biết?”.
“Không muốn người khác biết, trừ phi mình đừng làm, hãy làm nhiều việc thiện, để hoàn trả tội lỗi đi”. Vị cao tăng để lại lời này xong, liền phẩy tay áo bỏ đi.
Bản thân giáo sư chắc cũng không ngờ? Ông đã không chịu đi tìm chứng cứ mà tùy tiện đổ lỗi, làm tổn thương người vô tội, tội lỗi ông gieo không ngờ đã báo ứng lên thân của con cháu. Chỉ có thể nói, mọi chuyện đều đã có định số của nó! Cuối cùng xin hãy chia sẻ câu chuyện này với mọi người.
Tiểu Thiện, dịch từ Enews.com.tw