Tinh Hoa

Cây cối giao tiếp với nhau bằng những cách thức đáng kinh ngạc

Con người thường quan niệm rằng thực vật không biết giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong quá khứ đã chứng tỏ điều này không đúng.

Cây cối giao tiếp với nhau bằng những cách thức đáng kinh ngạc. (Ảnh từ ismamesir)

Và trong một nghiên cứu mới được công bố trên PLOS ONE, các nhà nghiên cứu một lần nữa đã xác nhận điều mà giới khoa học vẫn luôn hoài nghi – đó là cây cối có thể giao tiếp.

Sự giao tiếp của thực vật

Nếu điều đó là đúng thì cây cối giao tiếp bằng cách nào? Theo nghiên cứu này, thực vật sẽ dùng bộ rễ của mình để giao tiếp với những “người láng giềng”. Và trong một môi trường đông đúc các loại cây khác nhau, cây cối sẽ tiết ra một loại hoá chất nhằm kích thích hàng xóm của mình phát triển mạnh mẽ để cùng nhau tồn tại.

Tờ Guardian trích dẫn phát biểu của tác giả nghiên cứu, nhà sinh thái học Velemir Ninkovic đến từ Đại học Khoa học Nông nghiệp Thuỵ Điển như sau: “Nếu chúng ta có xích mích với hàm xóm, chúng ta có thể chuyển nhà…Nhưng thực vật không thể làm vậy. Chúng đã chấp nhận điều đó và sử dụng các tín hiệu để tránh các tình huống đối đầu và chuẩn bị cho những cạnh tranh trong tương lai”.

Cây cối có thể giao tiếp với nhau. (Ảnh qua rambler.ru)

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm, họ liên tục vuốt ve lá cây trong vài phút mỗi ngày nhằm mô phỏng cách thức cây này chạm vào cây khác. Họ cho cái cây sinh trưởng trong một dung dịch thuỷ canh vốn thu nạp các hoá chất do chính nó tiết ra. Vài ngày sau, dung dịch này sẽ được mang cho các cây khác sinh trưởng để kiểm tra phản ứng của chúng. Người ta sớm phát hiện ra rằng những cây mới này sẽ điều chỉnh cách phát triển để phản ứng với những hoá chất trong dung dịch.

>>> Cây cối có thể nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt

Những cách thức giao tiếp thú vị của thực vật

Thực vật không chỉ giao tiếp với đồng loại mà còn giao tiếp với cả côn trùng và động vật, hoạt động này phụ thuộc vào cách chúng “cảm nhận” trong từng trường hợp cụ thể. Một nghiên cứu nhắm đến những cây phát ra mùi như mùi “cỏ tươi bị cắt” đã phát hiện kết quả đáng kinh ngạc rằng, đó thật sự là “tiếng kêu đau đớn” phát ra từ cây cỏ. Mùi ấy thu hút côn trùng đến ăn sâu bọ hại cỏ. Một loài cây khác có thể phát ra những tín hiệu đau đớn kiểu ấy là cây thuốc lào. Khi bị nhiễm sâu bướm có sừng, cây thuốc lào phát ra mùi hương nhằm thu hút kẻ thù của lũ sâu, chúng sẽ đến ăn sâu và giúp cây thuốc lào sống sót.

Một báo cáo khác cho biết thực vật cũng có khả năng giao tiếp với động vật có vú bằng cách gửi trực tiếp tín hiệu đến chúng. Ví dụ cho trường hợp này là một loài cây có tên khoa học Nepenthes hemsleyana. Loài cây này có khả năng dùng cấu trúc lõm của mình để tạo hiệu ứng định vị bằng tiếng vang gửi đến những con dơi. Việc này giúp cho loài dơi định vị được cái cây và đậu vào đó. Đây là một sự trao đổi, phân dơi sẽ vun bón cho đất trồng xung quanh, và đất sẽ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng của cây.

Cây Nepenthes hemsleyana loài cây này có khả năng dùng cấu trúc lõm của mình để tạo hiệu ứng định vị bằng tiếng vang gửi đến những con dơi. (Ảnh qua blitzen.it)

>>> Nghiên cứu chấn động thế giới: Cây cối cũng có cảm xúc như con người

Bên cạnh đó, thực vật cũng có thể giao tiếp để xác định “anh chị em” của chúng, giúp chúng định hướng trong sinh trưởng. Một thí nghiệm được thực hiện với loài cây dại sea rocket – cakile edentula mọc ven biển bằng cách trồng chúng trong hai môi trường khác nhau. Ở môi trường đầu tiên, cây được trồng cạnh những cây hoàn toàn xa lạ với chúng. Kết quả cho thấy cây sea rocket phát triển mạnh mẽ nhằm cạnh tranh chất dinh dưỡng với những cây xung quanh. Nhưng khi được trồng chung với “anh chị em” của mình, chúng lại kiềm chế phát triển để các anh chị em của chúng cũng có thể sinh trưởng giống như chúng

Những điều này một lần nữa cho thấy mối liên hệ kỳ diệu giữa các loài sinh vật trên toàn Trái đất với nhau. Với những nghiên cứu sâu hơn, chắc chắn chúng ta sẽ giải mã được những bí ẩn lớn hơn về tự nhiên, giúp chúng ta phát triển một cuộc sống bền vững hơn.

>>> Khoa học thần kinh thực vật chứng minh: Cây cối cũng tương tự như con người

 Hồng Liên, theo visiontimes