Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc không chỉ nổi tiếng với chiều dài kỷ lục, mà còn bởi những huyền thoại xoay quanh nó. Trong đó, câu chuyện tình buồn về nàng Mạnh Khương Nữ đi tìm chồng vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Câu chuyện kể về một cô gái tên là Mạnh Khương Nữ và người chồng Phạm Hỷ Lương. Câu chuyện tình yêu của họ là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn ở Trung Quốc, được gọi là Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành.
Chuyện kể rằng, vào đời nhà Tần có một đôi vợ chồng họ Mạnh sống ngay cạnh đôi vợ chồng họ Khương. Họ đều là những người sống vui vẻ, tốt bụng nhưng cả hai cặp vợ chồng đều không có con. Nhiều năm trôi qua, nhà họ Mạnh quyết định trồng một cây bầu, nhưng khi đậu trái, quả lại nằm ở phần đất của nhà họ Khương. Cả hai gia đình họ Mạnh và họ Khương quyết định cùng chia sẻ quả bầu này.
Nhưng khi cắt đôi trái bầu, hai vợ chồng vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy có một bé gái xinh đẹp nằm trong đó. Hai nhà liền cùng nhau nuôi dạy cô bé và đặt tên là Mạnh Khương Nữ.
Khương Nữ lớn lên rất xinh đẹp và nết na. Nàng đã chăm sóc cha mẹ của cả hai gia đình, mọi người đều yêu mến cô. Một ngày nọ, nàng đang đi dạo trong vườn thì phát hiện một người đàn ông đang trốn trong bụi rậm.
Người đàn ông kia kể lại sự tình, chàng tên là Phạm Hỷ Lương và đang chạy trốn các quan phủ khi bị bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Từ đó, hai người đã đem lòng yêu mến nhau và kết duyên vợ chồng.
Tuy nhiên, hạnh phúc của họ thật ngắn ngủi chẳng tày gang. Chỉ 3 ngày sau khi nên duyên vợ chồng, Phạm Hỷ Lương bị quan phủ phát hiện và bắt đi xây dựng tường thành. Kể từ ngày đó, Phạm đi biền biệt, Mạnh Khương không có lấy một chút tin tức gì của chồng.
Một đêm, Mạnh Khương gặp một cơn ác mộng. Nàng lo lắng rằng người chồng yêu quý đang phải chịu gió sương lạnh lẽo nơi Trường Thành. Vì vậy, nàng trở dậy và bắt đầu đan áo ấm cho chồng. Sau đó, nàng quyết định sẽ đi tìm chồng để trao áo.
Sau bao ngày đêm trèo đèo lội suối, vượt sông, chịu bao gió mưa vất vả, cuối cùng nàng đã đến được chân của Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên, khi nàng tới nơi thì đã quá muộn rồi. Chồng nàng đã chết vì kiệt sức, vùi thây cùng hàng ngàn người khác bên dưới Trường Thành. Hung tin như sét đánh ngang tai, Mạnh Khương Nữ vô cùng đau đớn, nàng đã khóc suốt ba ngày ba đêm. Nước mắt nàng tuôn trào như suối, làm kinh hãi, u ám cả đất trời. Tiếng khóc của nàng vang xa 800 dặm Trường Thành.
Vào ngày thứ ba, bỗng có một âm thanh lớn vang rền; thì ra một phần của tường thành gần đó đã bị sụp đổ. Người xưa tin vào thần giao cách cảm giữa Trời và con người, do đó họ tin rằng tiếng khóc của con người có thể làm cảm động Đất Trời, và đó là lý do vì sao nước mắt của Mạnh Khương đã làm sụp đổ tường thành.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng khi biết chuyện này, bèn đùng đùng nổi giận muốn trừng phạt Mạnh Khương vì tội phá hủy bức tường thành. Tuy nhiên, khi quân lính đưa Mạnh Khương tới chịu tội, Thủy Hoàng đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nàng. Và thay vì trừng phạt nàng, ông lại muốn nạp nàng làm “Chính cung nương nương” của mình.
Lúc này, Mạnh Khương không còn sự lựa chọn, đành phải đồng ý, nhưng nàng đưa ra 3 điều kiện: Thứ nhất, phải tìm thấy thi thể của chồng nàng là Phạm Hỷ Lương; thứ hai, Hoàng đế và triều đình phải tổ chức tang lễ cho chồng nàng; và thứ ba, nàng muốn một lần được nhìn thấy biển.
Hoàng đế không hài lòng với việc tổ chức tang lễ cho một thường dân, nhưng vì người đẹp, nên đã đồng ý. Sau đám tang của chồng, Mạnh Khương dự tính sẽ thoát khỏi vị Hoàng đế và muốn được đoàn tụ cùng người chồng mà mình một lòng chung thủy. Vì vậy, khi được Hoàng đế thực hiện điều kiện thứ 3, khi đi ra đến biển Bột Hải, nàng đã gieo mình xuống dòng nước cuồn cuộn để quyên sinh.
Cùng với những uất hận của người dân đối với vị Hoàng đế bạo tàn, câu chuyện về nàng Mạnh Khương Nữ nhanh chóng được lưu truyền khắp dân gian. Người đời không ngớt ngợi ca người phụ nữ kiên trinh này.
Và vì sùng mộ nhân đức của nàng, vào đời nhà Tống cách đây khoảng 1.000 năm, người ta đã dựng nên ngôi miếu đá thờ Mạnh Khương Nữ.
Về sau, ngôi miếu này tiếp tục được duy tu và tôn thờ ở Cổ Bắc khẩu, tỉnh Hà Bắc và ở Lộ An, tỉnh Sơn Tây. Và câu chuyện tình buồn nơi Vạn Lý Trường Thành vẫn luôn được người đời kể lại.
Bảo An, theo visiontimes.com