Trong truyện “Tây Du Ký”, Kính Hà Long Vương bởi vì tự tiện thay đổi lượng mưa mà bị Ngọc Đế trừng phạt chém đầu, có thể thấy Thần làm việc cũng phải tuân theo pháp luật ở trên trời. Triều đại nhà Đường có lúc từng xuất hiện đại hạn, Thần cũng không dám làm mưa, mà phải nhờ đến La Công Viễn trợ giúp.
Mọi người cầu mưa nhưng Thần nước không có chỗ nào để lấy nước
La Công Viễn không biết là người nơi nào, cũng không biết thuộc thời đại nào, dung mạo của ông thường như đứa bé mười sáu, mười bảy tuổi, rảnh rỗi thường đi dạo chơi khắp nơi, không rõ tung tích.
Có một ngày đi đến Ngạc Châu, đúng lúc quan phủ Ngạc Châu đang mời các vị tăng lập đàn làm pháp sự, khẩn cầu trời mưa.
Người cầu xin rất nhiều, trong đám người có một người mặc đồ trắng, đang đứng quanh đó để xem. Thân người cao hơn một trượng, nhìn rất đặc biệt, mọi người đều hỏi xem anh ta tên là gì ở chỗ nào, anh ta đáp:
“Tôi họ Long, là người bản xứ”. Đang lúc nói chuyện thì La Công Viễn đi đến, nhìn thấy người nọ, liền trừng mắt nói: “Hạn hán như thế này, ông sao không đi làm mưa cứu dân, còn ở chỗ này làm gì?”
Người nọ nghiêm mặt chắp tay nói: “Không có lệnh của Thiên đình, không có chỗ lấy nước”.
Công Viễn nói: “Ông đi nhanh lên, tôi sẽ trợ giúp ông”. Người nọ lập tức nhận lời, chạy nhanh đi nơi khác.
La Công Viễn mượn nước làm mưa
Mọi người hoảng sợ hỏi: “Đó là người nào?”. La Công Viễn nói: “Đó là Long Thần. Ta đã ra lệnh nhanh chóng làm mưa để giúp dân chống hạn. Ông ấy vì chưa có sắc lệnh của Thiên thượng, nên không dám tự tiện lấy nước, ta nay lấy nước để cứu cho cây lúa nơi này đã”.
Vừa nói vừa quan sát khắp nơi, thấy vị tăng kia đang tụng kinh trên bàn, có một cái nghiên mực lớn. Bởi vì mới viết sớ, nên trong nghiên còn một ít mực. Công Viễn tiến đến hướng miệng vào nghiên mực, ngậm lấy một ngụm, hướng lên trời phun và hét: “Mưa hãy mau mau đến!”.
Chỉ một lát sau, mây đen kéo đến, gió lớn nổi lên. Công Viễn liền nói với mọi người: “Mưa xuống đấy! Quý vị tránh đi, không là sẽ bị ướt hết người”. Nói còn chưa dứt thì mưa đã kéo đến, trong khoảnh khắc mưa như trút nước, kéo dài nửa ngày. Mưa ước chừng hơn một thước rồi mới ngừng.
Dùng mực làm mưa hiển thần lực
Thực cũng kỳ quái, mưa kia rơi xuống trên mặt đất, dính ở trên áo, đều là đen thui. Long thần chính là đã dùng tiên lực, biến nước mực hóa thành mưa, giải cơn hạn hán, cho nên nước mưa mới có màu đen.
Lập tức mọi người đều reo mừng, hỏi tên của La Công Viễn, chen nhau đi gặp thái thú của Ngạc Châu để trình bày lại chuyện kỳ lạ.
Thái Thú muốn đền đáp cho ông bằng vàng bạc và tơ lụa, Công Viễn chỉ cười mà không nhận. Thái thú nói: “Thiên tử tôn kính và tín Thần, vua đã có nói đến đạo thuật như thế này, tôi sẽ tiến cử lên trên, chắc là ông sẽ được trọng dụng”.
Công Viễn nói: “Tôi bản thân không thích tới nơi triều đình, nhưng đã nói vậy, Nghiệp Nhị Tiên đang ở kinh thành, tôi cũng đang muốn gặp mặt ông ta, nay nhân tiện thì đi luôn, cũng tốt thôi”.
Vì vậy thái thú chuẩn bị sớ, cho sứ giả mang đi theo. Công Viễn đến kinh thành, sứ giả đem sớ dâng lên, vua Huyền Tông xem sớ, tức thì truyền chỉ cho vào.
Trong những chuyện thần thoại xưa, có thể dùng một miếng thịt mà để cho bao nhiêu người ăn cũng không hết, một chén gạo lại có thể đủ cho cả quân đoàn ăn no nê. Ở đây La Công Viễn có thể dùng mực làm thành một trận mưa lớn, đây chính là do tác dụng của thần lực.
(Trích “Tùy đường diễn nghĩa” hồi 85)
Chân Chân (Theo NTDTV)
Xem thêm: