‘Ngu Công di sơn’ là một câu chuyện được lưu truyền từ thời xa xưa tại Trung Quốc cổ đại. Chuyện được ghi chép trong cuốn sách “Liệt Tử” do nhà triết học Liệt Ngự Khấu viết vào thế kỷ thứ 4 – 5 TCN.
Chuyện kể rằng, có một ông lão tên là Ngu Công, đã gần 90 tuổi. Trước cửa nhà ông có hai ngọn núi lớn, một ngọn tên là Thái Hàng Sơn, một ngọn là Vương Ốc Sơn, mọi người thường xuyên đi lại rất không thuận tiện.
Một hôm, Ngu Công triệu tập tất cả người trong nhà lại nói: “Hai ngọn núi này đã ngăn cản trước cửa nhà ta, ta ra cửa phải đi nhiều đường vòng rất bất tiện. Chi bằng cả nhà chúng ta ra sức, di chuyển 2 ngọn núi này, mọi người thấy thế nào?”
Các con cháu Ngu Công nghe thấy thế đều nói: “Ông nói đúng, từ ngày mai chúng ta hãy bắt tay vào làm”. Thế nhưng, vợ Ngu Công cảm thấy dọn hai ngọn núi này khó quá, nêu ra ý kiến phản đối: “Chúng ta đã sống nhiều năm tại đây, sao lại không thể tiếp tục sống như thế này? Huống chi, hai ngọn núi lớn như vậy, cho dù có thể di dời từng tí một, nhưng nơi nào có thể đổ nhiều đất đá xuống như vậy?”
Lời nói của vợ Ngu Công lập tức khiến mọi người bàn luận, đây quả thực là một vấn đề. Sau cùng họ quyết định: Chuyển đất đá trên núi đổ xuống biển.
Ngày hôm sau, Ngu Công dẫn cả nhà bắt đầu dọn núi. Láng giềng của ông là một bà goá, bà có một đứa con trai, mới mười bảy, mười tám tuổi, nghe nói dời núi cũng vui vẻ đến giúp. Nhưng công cụ di dời núi của nhà Ngu Công chỉ là cuốc và gùi địu trên lưng, hơn nữa giữa núi và biển cả cách nhau xa xôi, một người một ngày không đi được hai chuyến. Một tháng làm việc, ngọn núi xem ra chẳng khác gì ban đầu.
Có một ông lão tên là Trí Tẩu, ăn ở đối xử rất tinh ranh. Ông thấy cả nhà Ngu Công dọn núi thì cảm thấy nực cười. Một hôm, ông nói với Ngu Công rằng: “Ông đã nhiều tuổi như vậy, đi lại không dễ dàng, làm sao có thể dọn được hai ngọn núi này?”
Ngu Công đáp: “Tên ông là Trí Tẩu, nhưng tôi thấy ông còn không giỏi bằng con nít. Tôi tuy đã sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Đất đá trên núi dọn đi chút nào thì ít đi chút ấy, không thể mọc thêm được. Chúng tôi ngày nào, tháng nào, năm nào cũng dọn, làm sao không thể dọn nổi ngọn núi?”. Trí Tẩu tự cho là thông minh, nghe thế cũng không nói thêm được lời nào.
Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian giúp Ngu Công dọn hai ngọn núi này. Câu chuyện về Ngu Công dời núi vẫn luôn lưu truyền cho đến ngày nay.
Thấy khó khăn trước mắt, dẫu thực tế chúng ta nhìn nhận rằng điều ấy không bao giờ có thể làm được, không bao giờ có thể vượt qua được. Thế nhưng nếu chúng ta thử làm, thử vượt qua nó thì rất có thể sẽ tìm được cách, chỉ e chúng ta không muốn làm mà thôi.
Có câu nói như thế này: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng.
Muốn làm nên thành công, khó lắm thay! Khó ấy, bởi lẽ chúng ta biết là nên làm nhưng lại chưa thực sự muốn làm; khó ấy, bởi lẽ chúng ta cứ mãi ủ dột, chán nản nhìn vào cái khó mà không tiến về phía trước; khó ấy, bởi lẽ chúng ta suy nghĩ quá nhiều về những trở ngại, thiệt thòi mà mình phải chịu nếu bước tiếp… Khó ấy, là do chúng ta quá bi quan và thiếu tự tin. Chỉ cần thay đổi quan niệm một chút, thay đổi cách suy nghĩ một chút, cứ lạc quan và tiến bước thì quả thực sẽ thấy rằng: Chúng ta bỏ ra bao nhiêu thì sẽ được bấy nhiêu, đây chính là quy luật của đất trời.
Vậy nên, hãy buông bỏ sự ngờ vực, thiếu tự tin và do dự trước một khó khăn nào đó, bởi lẽ khó khăn ấy bày ra là để thử thách ý chí và để chúng ta trưởng thành. Nếu có quyết tâm và kiên định thì không khó khăn nào có thể cản nổi ta bước đi trên con đường phía trước.
Thiên Thanh