Huyết khối, hay còn gọi là cục máu đông, máu vón cục trong huyết quản, làm tắc mạch máu, là một bệnh mãn tính phổ biến đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng, là thủ phạm gây đột quỵ, đột tử. Đặc biệt ở người cao tuổi, cần phải chú ý ngăn ngừa hiện tượng huyết khối bất cứ lúc nào.
Nguyên nhân hình thành cục máu đông
Trong cơ thể, cục máu đông (còn gọi là huyết khối) được hình thành sau những chấn thương để cơ thể tự bảo vệ mình, tạo nút cầm ngăn chặn dòng máu thoát ra ngoài. Nếu không có cục máu đông thì một vết đứt tay, trầy xước nhỏ cũng có thể giết chết bạn do máu chảy ra ngoài quá nhiều.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là cục máu đông đôi lúc được hình thành không đúng lúc, đúng chỗ bên trong lòng mạch máu. Nguyên nhân trực tiếp là hiện tượng xơ vữa động mạch, do sự lắng đọng lipid (mỡ máu) và các màng tế bào tại lớp trong thành động mạch gọi là mảng vữa. Khi các mảng vữa vỡ ra, cục máu đông ngay lập tức được hình thành có thể làm tắc nghẽn mạch máu tại chỗ hoặc trôi theo dòng máu đến “gây họa” tại vị trí khác làm xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. 3 nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình tạo cục máu đông trong lòng mạch:
Do bất thường thành mạch: Gặp trong bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… gây tổn thương tế bào nội mạc, tăng hoạt hoá tiểu cầu, dẫn đến hình thành cục máu đông.
Do bất thường dòng chảy: Mọi tình trạng gây ứ trệ dòng chảy của máu như bất động (nằm liệt) lâu ngày, chèn ép do khối u, sốc…Sự ứ trệ sẽ làm tăng nồng độ tiểu cầu và các yếu tố đông máu.
Do bất thường đông máu/ tiêu sợi huyết: trong một số bệnh ác tính, khi mang thai, uống thuốc tránh thai…
Phân loại huyết khối và quá trình hình thành
Về cấu trúc, huyết khối thường có hai loại là huyết khối trắng và huyết khối đỏ, ngoài ra còn có thể gặp huyết khối hỗn hợp. Huyết khối trắng được hình thành khi tế bào nội mạc thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu dính và ngưng tập, hình thành nút cầm máu với thành phần chủ yếu là tiểu cầu, vì vậy huyết khối có màu trắng, đây là loại huyết khối thường gặp ở động mạch như động mạch vành, động mạch não, động mạch thận… Huyết khối đỏ được hình thành chủ yếu khi dòng máu chảy chậm, thành phần chủ yếu là sợi fibrin bao bọc hồng cầu, đây là loại huyết khối thường gặp ở tĩnh mạch như tĩnh mạch chi dưới…
Trong thực tế, ta có thể gặp một huyết khối với cấu trúc ban đầu (phấn dính vào thành động mạch) là huyết khối trắng với thành phần chủ yếu là tiểu cầu còn phần hình thành muộn hơn (phần đuôi, buông tự do trong lòng mạch) được hình thành khi lòng động mạch đã bị hẹp, tốc độ dòng chảy đã chậm, lại là huyết khối đỏ với thành phần chủ yếu là sợi fibin và hồng cầu.
Cục máu đông gây tai biến như thế nào?
80% trường hợp tai biến mạch máu não gây ra bởi cục máu đông làm bít tắc lòng động mạch máu nuôi dưỡng não, và thường là huyết khối trắng:
Khi nhịp tim bất thường có thể dẫn đến đông máu trong tim và hình thành cục máu đông rồi đi đến những nơi khác trong cơ thể. Nếu cục máu đông và các mảng vỡ này di chuyển đến các động mạch não sẽ khiến lòng động mạch bị thu hẹp dòng chảy, gây ra cơn đột quỵ do thuyên tắc.
Khi một trong hai động mạch cảnh hoặc các động mạch khác của cổ – não bị xơ vữa vốn đã khiến lòng mạch máu hẹp dần, mảng bám vỡ ra khiến cục máu đông hình thành gây bít tắc động mạch nuôi dưỡng não. Việc lưu thông máu bị gián đoạn khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng đặc hiệu như đột ngột bị tê yếu một phần cơ thể như tay, chân, mặt, đi đứng khó khăn, giảm thị lực, đau đầu không rõ nguyên nhân… Nếu như không được xử lý kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Trải qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia kết luận rằng, việc ngăn ngừa hình thành và làm tan huyết khối (đặc biệt là huyết khối trắng) chính là biện pháp hàng đầu hữu hiệu để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não. Do đó, mỗi người cần có ý thức chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ, thực hiện lối sống khoa học, sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên phân hủy và ngăn hình thành cục máu đông trong lòng mạch để giảm thiểu nguy cơ tai biến.
4 hiện tượng sau đây có thể là dấu hiệu báo sớm của bệnh huyết khối, trong trường hợp bạn tự phát hiện ra, hãy nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
1. Thường xuyên chảy nước dãi (nước miếng, nước bọt) khi ngủ
Nhiều người không coi chuyện bị chảy nước bọt khi ngủ là điều gì nghiêm trọng, thậm chí nghĩ đó là hiện tượng hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu người cao tuổi thường mệt mỏi khi ngủ và bị rớt dãi hoặc rớt dãi theo một hướng nhất định, thì nên cảnh giác.
Bệnh huyết khối có thể gây ra hiện tượng một số cơ bắp trong cổ họng trở nên vô hiệu hóa, chúng không hoạt động. Trong thời gian ngủ, cơ thể mất kiểm soát các hoạt động của cơ và vì thế nước bọt tự nhiên chảy ra (thay vì nuốt vào).
2. Ngất xỉu bất ngờ
Đây cũng là một trong những triệu chứng bệnh phổ biến ở bệnh nhân có mắc huyết khối. Bệnh thường xảy ra vào buổi sáng và có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong ngày. Tình trạng này nên xem xét khả năng bạn đã bị huyết khối, đặc biệt là người cao tuổi bị ngất xỉu nhiều lần trong ngày và nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân.
3. Tê bì tay chân
Nhiều bệnh nhân bị huyết khối sẽ cảm thấy bị tê cứng chân tay ở mức độ khác nhau, nhưng thường nhầm tưởng rằng do bản thân ngồi quá lâu trong một tư thế hoặc nằm ngủ bị đè lên các vùng mạch máu tay và chân.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi bạn bị tê bì tay chân có thể có nghĩa là bạn đã mắc chứng huyết khối, những cục máu đông đã làm tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu và cung cấp chất dinh dưỡng cho dây thần kinh, từ đó dẫn đến chức năng thần kinh suy yếu, gây ra hiện tượng tê bì tay chân.
4. Đau thắt ngực
Bệnh nhân nằm trên giường vì chấn thương hoặc sau phẫu thuật… thường có hiện tượng bị đau ngực hoặc tức ngực trong thời gian hồi phục.
Nhiều người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này vì họ yếu về thể chất và tinh thần, không vận động thường xuyên, thường xuyên nằm ở trên giường sẽ rất dễ xuất hiện triệu chứng đau tức ngực.
Những người nằm trên giường trong một khoảng thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ làm máu rơi vào trạng thái kết dính, đông đặc, từ đó dễ dàng hình thành cục huyết khối, có thể rơi ra bất cứ lúc nào và sau đó theo dòng máu chảy vào trong phổi.
Đau thắt ngực và đau vùng ngực chính là dấu hiệu gợi ý rằng có thể có các cục huyết khối bị mắc kẹt trong phổi và cần phải được xử lý càng sớm càng tốt, nếu không kịp thời giải quyết có thể có nguy cơ tử vong.
Chúc Di (t/h)