Các nhà thiên văn học đã chụp được chi tiết hình ảnh đáng kinh ngạc của một vụ nổ cực lớn trong vũ trụ. Vụ nổ cách Trái đất 10 tỷ năm ánh sáng này mạnh đến mức chúng ta có thể nhìn thấy bằng ống nhòm.
Đây là một vụ nổ tia gamma sáng chói và có cường độ mạnh đến nỗi một người quan sát từ Trái đất cũng có thể nhìn thấy nó dưới dạng một cặp sao đôi, cho dù nó xảy ra ở cách chúng ta tận 10 tỷ năm ánh sáng.
Các vụ nổ tia gamma bí ẩn (GRB) thu hút giới thiên văn học trong nhiều thập kỷ qua, kể từ khi chúng được phát hiện vào cuối những năm 1960. Vụ nổ tia gamma xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ chết đi, phát nổ như một siêu tân tinh và sụp đổ thành lỗ đen. Nó phun ra các dòng tia với tốc độ ánh sáng trong vũ trụ. Bất cứ hành tinh nào nằm trên đường đi của dòng tia này sẽ mất bầu khí quyển ngay lập tức và bị đốt cháy.
Được gọi là GRB 160625B, vụ nổ này mạnh đến mức lượng năng lượng mà nó phát ra chỉ trong vài giây lớn bằng toàn bộ năng lượng của một ngôi sao phát ra trong 10 tỷ năm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath đã sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất MASTER-IAC để chụp ảnh lại vụ nổ này, và cho rằng chỉ có 1/10.000 cơ hội được nhìn thấy nó.
Trưởng khoa vật lý của Đại học Bath, GS. Carole Mundell, cho biết “vụ nổ đó sáng đến mức bạn có thể nhìn thấy nó bằng 1 cặp ống nhòm”.
“Chúng thường diễn ra ngay lập tức, nhưng lần này chúng ta đã nhận được một chớp sáng kéo dài trong một giây giống như một sự báo hiệu. Sau đó, nó có một độ trễ khoảng 100 giây, giúp cho chúng ta có đủ thời gian để định vị vụ nổ bằng kính thiên văn. Điều này khá là bất thường, và vụ nổ cũng kéo dài hơn so với bình thường, đó thật là vài phút may mắn”.
TS. Eleonora Troja, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Maryland, cho biết vụ nổ tia gamma là những sự kiện thảm khốc liên quan đến hiện tượng phát nổ của các ngôi sao khổng lồ lớn gấp 50 lần kích thước Mặt trời. Sự kiện tuyệt chủng trên Trái đất cách đây 450 triệu năm có thể liên quan đến vụ nổ tia gamma ở một vùng rất gần trong dải Ngân hà.
Tinh Hoa (t/h)