Vào thời cổ đại, con người tin rằng Trái đất là tâm vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay quanh nó, phải mất một chặng đường dài chúng ta mới phát hiện điều này hoàn toàn sai. Vậy ở trung tâm vũ trụ có gì?
Vũ trụ có trung tâm hay không? Nếu có thì trung tâm vũ trụ nằm ở đâu? Khi đưa ra vấn đề này, rất nhiều giả thuyết đã đượ đưa ra, cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất.
Có người cho rằng, vũ trụ chắc chắn có trung tâm.
Lí do của giả thuyết này chính là căn cứ vào lý thuyết Big Bang được công nhận rộng rãi, thì nguyên nhân hình thành nên vũ trụ là một vụ nổ lớn, chính vì vậy, nên nơi phát sinh vụ nổ chính là trung tâm của vũ trụ. Nhưng lại có rất nhiều người cho rằng, cái gọi là trung tâm của vũ trụ thực chất không hề tồn tại.
Năm 1929, nhà thiên văn học người Mĩ Hubble sau khi thực hiện quan trắc vũ trụ, đã đưa ra giả thuyết rằng, nếu lấy Trái Đất là một điểm cố định cho hệ tọa độ tham chiếu, thì sẽ xảy ra tình trạng là các thiên hà trong vũ trụ đều đang rời xa chúng ta với một tốc độ rất cao. Điều này đã thể hiện rằng, vũ trụ đang giãn nở.
Đồng thời ông cũng quan sát thấy, nhìn từ mọi phương hướng, tốc độ giãn nở của vũ trụ là đều nhau. Nói một cách đơn giản, tình trạng này giống như việc trên một bề mặt quả bóng bay có nhiều đốm, khi quả bóng phồng lên, khoảng cách giữa hai đốm bất kì đều tăng lên, nhưng không có đốm nào trên quả bóng có thể được coi là trung tâm. Vũ trụ cũng như vậy, không có trung tâm.
Thuyết địa tâm
Trong thiên văn học, mô hình địa tâm (geocentric model), (trong tiếng Hy Lạp: geo = Trái đất, kentron = trung tâm của vũ trụ) là lý thuyết cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay quanh nó.
Hệ này được coi là hình mẫu tiêu chuẩn thời Hy Lạp cổ đại, được cả Aristotle và Ptolemy, cũng như đa số các nhà triết học Hy Lạp đồng thuận rằng Mặt trời, Mặt trăng, các ngôi sao, và những hành tinh có thể quan sát được bằng mắt thường đều quay quanh Trái Đất. Các ý tưởng tương tự cũng đã xuất hiện ở thời Trung Quốc cổ đại.
Aristarchus xứ Samos đã đưa ra một mô hình nhật tâm của hệ Mặt trời, nhưng rõ ràng ông ở phe thiểu số tin rằng Trái đất không nằm ở trung tâm.
Người Hy Lạp cổ đại và các nhà triết học thời Trung Cổ thường cho mô hình địa tâm đi cùng với Trái đất hình cầu, không giống với mô hình Trái Đất phẳng từng được đưa ra trong một số thần thoại. Người Hy Lạp cổ đại cũng tin rằng những sự chuyển động của các hành tinh đi theo đường tròn chứ không phải hình elíp. Quan điểm này thống trị văn hoá phương Tây cho tới tận trước thế kỷ 17.
Mô hình địa tâm là quan điểm thống trị thời tiền hiện đại; từ cuối thế kỷ 16 trở về sau nó dần bị thay thế bởi hệ nhật tâm của Copernicus, Galileo và Kepler.
Hiện nay có thể thấy rằng chưa thể có đáp án tức thời cho vấn đề “Vũ trụ có trung tâm hay không?”. Tin rằng theo đà phát triển của khoa học kĩ thuật, những vấn đề này sẽ có ngày được giải quyết triệt để.
TinhHoa tổng hợp