Ung thư có thể lây từ người sang người không? Các nhà khoa học đã có câu trả lời rằng “điều này rất hiếm khi xảy ra”.
Các tế bào ung thư có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua con đường tiếp xúc với máu như hiến máu hoặc dùng chung kim tiêm, thậm chí từ mẹ sang thai nhi.
Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hy hữu, rất hiếm khi xảy ra, Tiến sĩ Ashley Ng đến từ khoa ung thư và huyết học – Viện nghiên cứu Walter và Eliza Hall (Australia) giải đáp trước thắc mắc của nhiều người.
“Trước đây các nhà khoa học từng tiến hành một nghiên cứu khá quy mô trên khoảng 12.000 bệnh nhân nhận máu từ những người hiến tặng có biểu hiện lâm sàng của ung thư. Kết quả cho thấy không có sự gia tăng nguy cơ đáng kể nào được ghi nhận”, Ashley nói.
Bằng chứng này phù hợp với những gì chúng ta biết về cách thức phản ứng của hệ thống miễn dịch trước sự xâm nhập các yếu tố bên ngoài cơ thể. Trong trường hợp truyền máu, thông thường, nhóm máu (A, B, AB và O) giữa người cho và người nhận khi kết hợp với nhau sẽ khiến hệ miễn dịch của người nhận không thể phân biệt được tế bào máu đỏ từ ngoài vào. Nếu trong máu người cho có tế bào ung thư thì đây vô tình lại trở thành dấu hiệu giúp hệ miễn dịch nhận ra “vật thể lạ” và tiêu diệt chúng trước lúc kịp hòa nhập.
Tuy nhiên, cơ chế này sẽ mất tác dụng khi hệ miễn dịch người nhận hoạt động không tốt, ví dụ bị ức chế do bệnh tật hoặc bị suy giảm bởi quá trình cấy ghép nội tạng trước đó, nhưng rủi ro là cực kỳ thấp – khoảng 0,015%, theo các chuyên gia.
“Khi truyền máu cho người suy giảm miễn dịch, ta có thể xử lý các đơn vị tế bào hồng cầu bằng bức xạ”, Tiến sĩ Ng. nói. “Việc này được thực hiện để giảm nguy cơ tế bào bạch cầu tấn công cơ thể người nhận. Chiếu tia bức xạ cũng có thể giết những tế bào ung thư lâm sàng có trong máu của người hiến.”
Tương tự như vậy, nguy cơ lây truyền ung thư từ mẹ sang thai nhi cũng rất hiếm. “Trong báo cáo năm 2003, chỉ có 14 trường hợp thai nhi phát triển ung thư do ảnh hưởng của mẹ, bao gồm bạch cầu, khối u ác tính, một số loại ung thư nội tạng như phổi và bướu”.
Sự lây nhiễm trên có thể xảy ra bởi sự bất thường tồn tại trong thời kỳ mang thai, giai đoạn khi hệ miễn dịch của thai nhi vẫn chưa phát triển đầy đủ để có thể chịu đựng được các yếu tố đến từ ngoài cơ thể. Tuy nhiên, quá trình này cũng rất khó vì nó đòi hỏi tế bào ung thư không những phải di chuyển khắp hệ tuần hoàn người mẹ mà còn phải vượt qua “hàng rào” vững chắc là phần nhau thai. Thông thường, trừ khi nhau thai gặp sự cố như chấn thương do tai nạn, còn phần lớn hệ tuần hoàn của thai nhi hoạt động riêng biệt với nguồn cung cấp máu từ mẹ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo kể cả tỷ lệ lây nhiễm ở mức vô cùng thấp nhưng không phải là không có và vì thế, chúng ta vẫn nên lưu ý để tránh rơi vào số trường hợp ít ỏi đó.