Tết Trung Thu hẳn là không thể thiếu bánh Trung Thu, một món bánh truyền thống ẩn chứa sự tinh tế từ trong cách chế biến cho đến thưởng thức.
Một mẻ bánh ngon phải hội đủ các yếu tố như màu sắc, hương vị, sự cân đối giữa các thành phần cùng hình dạng của chiếc bánh. Nhưng hơn hết, yếu tố thưởng thức mới là điều làm nên nét đặc trưng của bánh.
Thị trường bánh Trung Thu hiện nay hết sức đa dạng và phong phú các chủng lọa bánh. Nhờ sự đa dạng này, người tiêu dùng có thể chọn cho mình những mặt hàng phù hợp. Tuy nhiên, sự đa dạng và phong phú đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người mua khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng nhái hay hàng kém chất lượng…
Sau đây là một vài phương pháp lựa chọn bánh để đảm bảo chất lượng và an toàn:
- Chọn thương hiệu uy tín: Để chọn được bánh ngon, người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm tại các điểm bán buôn sỉ và lẻ thuộc hệ thống quản lý trực tiếp của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng với cơ quan y tế hay có chứng nhận về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Bao bì chọn mua còn nguyên vẹn: Bánh khi mua về phải đảm bảo bao bì còn nguyên vẹn, không hỏng, rách; thông tin sản xuất đầy đủ; chiếc bánh bên trong cũng giữ nguyên hình dạng màu sắc, không có dấu hiệu mốc hay bị biến dạng. Nếu bánh bị mốc thì tuyệt đối không sử dụng vì có thể gây ngộ độc cho người ăn.
- Màu sắc bánh tươi mới: Bánh nướng phải có vỏ mềm, mặt bánh có màu vàng đều, da bánh mỏng có mùi thơm đặc trưng. Nếu bánh ngon màu sắc của bánh phải là màu vàng hơi đậm và đều. Nhân bánh phải mềm, đầy đủ các vị bùi, béo, thơm, cắt bánh ra không bị nhớt, không có mùi vị lạ. Riêng bánh dẻo, vỏ và nhân bánh phải mềm có mùi vị tự nhiên của đậu xanh và hạt sen. Bánh có chất lượng thì vỏ mềm và dẻo, màu sắc tươi sáng, hoa văn trên mặt bánh có đường nét sắc sảo và rõ ràng, nhân bánh mềm dẻo và có hương thơm tự nhiên.
Các cách thưởng thức và bảo quản bánh Trung Thu
Truyền thống thưởng thức của bánh Trung Thu là dùng kèm trà ngon và nhâm nhi cùng gia đình, bè bạn. Người xưa còn có thú hàng thuyên, ngắm trăng, ngâm thơ; trong khi trẻ em chơi đèn lồng và các trò chơi dân gian khác. Theo khoa học ngày nay, trà có tác dụng giúp ích cho quá trình tiêu hóa lượng dầu mỡ trong bánh Trung Thu. Đặc biệt, trà có thể bài tiết một phần lượng dầu mỡ ra ngoài, tránh được việc cơ thể hấp thụ quá nhiều calories.
Với giới trẻ, bánh Trung Thu kết hợp cùng rượu vang cũng là một cách thưởng thức trong đêm hội trăng rằm này. Theo các nhà dinh dưỡng, rượu vang chứa nhiều amino acid, chất khoáng và vitamin, có thể loại bỏ cảm giác ợ… khi ăn nhiều bánh Trung Thu chứa nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra, vừa ăn trái cây vừa ăn bánh Trung Thu cũng có thể là một trải nghiệm thú vị, vị ngọt của bánh dễ gây ra cảm giác ngán ăn. Trong khi vị chua của các loại trái cây sẽ làm dịu cảm giác này và hỗ trợ tiêu hóa. Trái cây được chọn ăn kèm có thể là cam hoặc bưởi,…nhưng không nên chọn loại trái cây có hàm lượng đường cao như táo và dưa hấu, vì bản thân bánh Trung Thu là thức ăn chứa nhiều đường; do đó việc kết hợp này không tốt cho sức khỏe.
Cách bảo quản bánh Trung Thu cũng là một khâu rất quan trọng, vì nếu bảo quản không đúng cách thì bánh sẽ dễ bị hư mốc gây ngộ độc, hoặc đau bụng sau khi ăn. Vì vậy, người tiêu dùng nên lưu ý những điều sau:
- Đối với những loại bánh Trung Thu tươi, bánh cổ truyền thường là không có chất bảo quản nên khi mua về hoặc được biếu tặng thì ăn ngay trong thời hạn sử dụng có ghi trên bao bì.
- Bánh Trung Thu khi mua về nếu muốn để dành ăn trong vài tuần thì có thể bỏ bánh vào ngăn mát của tủ lạnh. Nhiệt độ trong ngăn mát có thể giúp bảo quản bánh khoảng một tháng mà không bị mốc.
- Còn nếu bạn muốn dự trữ bánh từ mùa này qua mùa khác để ăn quanh năm thì cần bỏ vào ngăn đá tủ lạnh.
Cả 2 cách trên đều có nhược điểm là làm cho bánh khô, vỏ bánh cứng, các thành phần trong nhân bánh cũng bị khô và cứng. Để khắc phục tình trạng này bạn nên bỏ vào lò vi sóng vài phút trước khi ăn.
Theo Đại Kỷ Nguyên