Tấm bảng đá Cascajal là một tấm bia khắc chữ viết cổ xưa nhất được tìm thấy ở phía Tây bán cầu. Chữ khắc trên đá có niên đại thuộc năm 900 TCN hay nói cách khác là 400 năm trước khi hệ thống chữ viết xuất hiện ở Trung Mỹ và lan rộng ra châu Mỹ.
Tấm bảng đá Cascajal được cho là thuộc về nền văn hóa của người Olmec, một nhóm người cổ đại thuộc thời kỳ tiền Colombo sống ở vùng đất thấp nhiệt đới ở phía Nam trung tâm Mexico. Tấm bảng đá trở thành bằng chứng vững chắc đầu tiên cho thấy người Olmec đã có một hệ ngôn ngữ viết hoàn thiện chính xác.
Người Olmecs là một xã hội phức tạp đầu tiên ở Trung Mỹ (là khu vực từ trung tâm Mexico qua nhiều vùng ở Trung Mỹ), phát triển thịnh vượng trên bờ biển phía Nam của vịnh Mexico vào thời gian đầu những năm 1200 TCN đến khoảng năm 400 TCN, nơi này bây giờ là bang Veracruz và Tabasco ở Mexico.
Mặc dù không biết chính xác niên đại, người ta cho rằng người Olmec đã di cư hoàng loạt vào năm 13.000 TCN từ cầu đất từng nối liền Siberia đến Alaska. Họ đã phát triển nền văn minh sớm nhất ở Bắc Mỹ và được cho là đã tạo ra ảnh hưởng lên các tác phẩm nghệ thuật và thực hành tôn giáo của nền văn hóa châu Mỹ sau này như văn hóa Maya và văn hóa Aztec.
Họ được biết đến với tác phẩm điêu khắc đá khổng lồ gồm một tượng đầu người rất lớn, và các bức tượng về động vật và tượng hình người. Một số tác phẩm điêu khắc rất nặng khoảng 36.000 pao (16.300 kg) và những tượng đầu người tương tự đã được tìm thấy cách trung tâm Mexico khá xa như bang Oaxaca, bang Morelos và Guerrero. Một số học giả tin rằng người Olmec có thể đã đến từ châu Phi do các đặc điểm thể chất được tìm thấy trên lăng mộ của họ.
Tấm bảng đá Cascajal lần đầu tiên được phát hiện tại một mỏ đá sỏi vào năm 1999 tại làng Lomas de Tacamichapa, ở bang Veracruz, Mexico, nơi đây được tin từng là khu trung tâm của người Olmect cổ đại.
Tấm bảng đá đã được tìm thấy trong số những mảnh gốm và tượng đất sét bị bỏ qua trong một cuộc khai quật khoa học khả tín. Từ sự liên kết với các đối tượng khác, tấm bảng đá có niên đại thuộc giai đoạn văn hóa khảo cổ học San Lorenzo Tenochtitlan, kết thúc vào năm 900 TCN.
Vào Tháng 9/2006, một nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Khoa học. Tấm bảng đá đó được làm từ khoáng chất Xecpentin, một loại đá biến chất cứng, nặng khoảng 26 pao và có kích thước 14 x 8 x 5 inch. Bia có một bên mặt để trống, một bên được mài mịn và khắc vào 62 biểu tượng chữ tượng hình.
Các biểu tượng được sắp xếp thành hàng, được lặp đi lặp lại, tương tự với các ngôn ngữ viết khác. Tấm bảng đá cũng cho thấy những dấu hiệu khác của ngôn ngữ viết bao gồm mẫu cú pháp, trật tự từ, và sự lặp lại. Các ký hiệu trông giống như mô tả côn trùng, thực vật, động vật, dứa, một trái bắp và nhiều thứ khác nhau. Nhiều ký hiệu trông như những hộp trừu tượng hay những viên tròn. Một quan sát thú vị khác cho thấy rằng tấm bảng đá có thể đã bị xóa hay tẩy xóa nhiều lần.
Trong khi hầu hết mọi người đều đồng ý rằng những hình ảnh trên các khối Cascajal là bằng chứng của một hệ thống chữ viết, vẫn còn một số tranh luận và phê bình xung quanh những phát hiện này và liệu những phát hiện này có phải là thật hay không.
Những lời chỉ trích đề cập đến thực tế rằng tấm bảng đá này được tìm thấy trong đống mảnh vụn của xe ủi đất (không phải do các nhà khảo cổ học tìm ra) và nó có niên đại thuộc khoảng năm 900 TCN, đó là ước tính dựa trên mảnh vỡ của lọ bình và các hiện vật bao quanh nó.
Một số người không tin tưởng vào bối cảnh mà hiện vật này được tìm thấy. Tuy nhiên, các nhà địa chất đã tìm thấy sự phong hóa bên trong câu khắc, cho thấy chúng thuộc về thời cổ đại và thí nghiệm phân tích được nhà địa chất Ricardo Sanchez và Jacinto Robles thực hiện vào năm 2006.
Tấm bảng đá Cascajal cũng có một điều bất thường rằng các ký hiệu dường như chạy theo hàng ngang và không có dấu hiệu rõ ràng về trật tự tổ chức tổng thể. Tất cả hệ thống chữ viết ở Trung bộ châu Mỹ là hệ thống chữ viết thẳng đứng hoặc tuyến tính trong khi nét chạm của tấm bảng đá này chụm lại với nhau một cách ngẫu nhiên.
Các hình ảnh dường như không liên quan tới bất kỳ hệ thống chữ viết nào ở khu vực hay khoảng thời gian đó. Như vậy, còn lại hai câu hỏi phải giải quyết. Tại sao không có một ví dụ khác về kiểu chữ viết này được tìm thấy và tại sao không có sự liên kết giữa hệ thống chữ viết xuất hiện sớm này với kiểu chữ viết của Trung Mỹ?
Về khía cạnh này có thể tấm bảng đá Cascajal là một ví dụ đơn độc của hệ thống chữ viết này hay có lẽ là một ngôn ngữ phổ biến đã biến mất vào 500 năm TCN. Người ta tin rằng ngôn ngữ Olmec có liên quan đến ngôn ngữ Mixe và Zoque mà ngày này được khoảng 150.000 người sử dụng.
Vì không có một tài liệu văn bản nào được tìm thấy nói về thời Olmec, rất ít thông tin được biết về xã hội của họ, cách họ cai trị và tại sao họ lại biến mất. Những ký hiệu cô lập được tìm thấy trên một vài hiện vật Olmec, nhưng tấm bảng đá Cascajal, nếu là thật, thì là một bằng chứng vững chắc đầu tiên cho một hệ thống ngôn ngữ viết thực sự, dù không được tấm bảng đá Rosetta ở Ai Cập cổ đại, cung cấp một bảng chữ cái đầy đủ, nhưng nếu niên đại là chính xác.
Nó cho thấy người Olmec đã biết chữ, tăng thêm sức nặng cho lý thuyết gây tranh cãi rằng họ đã xây dựng được thứ các học giả gọi là “văn hóa gốc”, đặt nền móng cho người Maya, Aztec, và các nền văn minh lớn khác sau đó. Văn bản này là hệ thống chữ viết mới đầu tiên được phát hiện trong những thập kỷ qua và đưa ra khả năng có thể nhiều văn bản Olmec hơn sẽ được tìm thấy và giải mã trong tương lai, điều đó sẽ cho phép các nhà khảo cổ học đọc các ghi chép về cái được gọi là nền văn minh đầu tiên của châu Mỹ.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins