Nhà khoa học Mexico đã chỉ ra rằng Acetaldehyde sinh ra từ quá trình chuyển hóa chất cồn có khả năng gây đột biến DNA, đồng thời tăng nguy cơ ung thư và một loạt tác hại phổ biến khác đối với cơ thể.
Ý tưởng của nghiên cứu này xuất phát khi nhà nghiên cứu Adela Rendon phát hiện các sinh viên của mình tại trường ĐH Bách Khoa Quốc gia ở Mexico thường xuyên đến lớp muộn vào sáng thứ 2, kèm theo đó là những biểu hiện uể oải, nôn nao, lơ đãng, tâm trạng bất ổn…
Adela Rendon và đồng nghiệp của ông đã tiến hành cuộc thử nghiệm với sinh viên nhằm mục đích chỉ ra những tác hại và những ảnh hưởng tiêu cực mà họ phải chịu khi dùng rượu bia. Theo đó, các sinh viên được chia thành 2 nhóm – một nhóm nói “không” với rượu bia và một nhóm uống nhiệt tình.
Tất cả những sinh viên tham gia cuộc thử nghiệm đều ở độ tuổi từ 18 – 23 và đã trải qua xét nghiệm máu ở giai đoạn đầu của nghiên cứu để đảm bảo họ là người khỏe mạnh, không mắc bệnh gì hay sử dụng chất kích thích nào gây ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
Nhóm thứ 1 sau khi tiêu thụ trung bình khoảng 118g rượu hay 1,5l bia sẽ được các chuyên gia tiến hành nghiên cứu thử nghiệm. Cho thấy, khi vào cơ thể, chất ethanol có trong rượu bắt đầu trải qua các bước chuyển hóa trong gan. Bước đầu, chúng chuyển hóa thành acetaldehyde, sau đó enzyme aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2) sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetoacetate và acetone.
Trong ba hoạt chất trên, acetaldehyde độc hại nhất vì có khả năng gây đột biến DNA và ung thư, khi tích tụ trong máu sẽ gây nóng bừng, nôn ói, và ở một số người thì nhịp tim nhanh lên. Acetaldehyde cũng chính là thủ phạm khiến cho những người uống rượu bị nhức đầu vào buổi sáng hôm sau khi uống rượu trong đêm trước.
Bên cạnh đó, Rendon còn đánh giá mối quan hệ giữa DNA và thói quen uống rượu của sinh viên. Một thử nghiệm khác được tiến hành với các sinh viên, theo đó, Lympho bào T (một trong những loại tế bào miễn dịch của cơ thể) được lấy ra từ máu của nhóm uống rượu bia để nghiên cứu. Kết quả cho thấy, nhóm uống rượu có nhiều tế bào bị hư hỏng gấp 5,3 lần so với nhóm không uống.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn muốn tìm hiểu sâu hơn về các nhiễm sắc thể và phản ứng phức tạp ở những người uống rượu này. “Khi nói về việc giới trẻ uống rượu, chúng ta chưa thể quy kết họ là người lạm dụng hay nghiện rượu, tuy nhiên, ngay cả khi uống ít, rượu vẫn gây ra nhiều mối nguy hại cho cơ thể. Và bạn phải nhận thức được điều đó”, Rendon chia sẻ.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu gây ra cái chết cho 2,5 triệu người mỗi năm trên thế giới và 320.000 trong số đó là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 19 – 25.
Một số bệnh do rượu bia gây nên
Thiếu máu
Uống nhiều rượu có thể làm giảm đột ngột số lượng hồng cầu trong máu giúp vận chuyển oxy để nuôi cơ thể, gây ra thiếu máu. Những người thiếu máu thường bị các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, chóng mặt và kém minh mẫn…
Ung thư
Bệnh ung thư ở người sử dụng rượu thường liên quan đến miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, vú và vùng trực tràng. Nguy cơ ung thư càng tăng ở những người uống rượu kèm hút thuốc lá.
Bệnh tim mạch
Uống nhiều rượu, nhất là nghiện rượu, sẽ làm cho các tiểu cầu trong máu có khuynh hướng tạo thành cục máu đông, nguyên nhân dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ. Rượu cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, làm cho cơ tim suy yếu, đồng thời làm loạn nhịp tim.
Xơ gan
Rượu là chất độc đối với các tế bào gan, những người nghiện rượu lâu năm dễ bị xơ gan do mô gan biến thành sẹo và mất chức năng hoạt động. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định tất cả những người uống rượu sẽ phát triển thành xơ gan, vì có những người uống rất nhiều rượu mà không hề bị xơ gan, trong khi có những người uống rất ít lại bị xơ gan. Đặc biệt, phụ nữ uống rượu dễ bị xơ gan hơn nam giới.
Mất trí nhớ
Ở người già, bộ não teo lại, trung bình 1,9% mỗi thập kỷ. Đó là một chu trình bình thường ở những người không uống rượu. Tuy nhiên, khi uống rượu, tốc độ teo lại của một số vùng trọng điểm trong não tăng nhanh hơn, dẫn đến mất trí nhớ và một số triệu chứng khác như suy giảm khả năng tính toán, phán xét và khả năng giải quyết vấn đề.
Sảng run
Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu mà nguyên nhân là do nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 – 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật:
Rối loạn ý thức kiểu mê sảng: làm cho người bệnh mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh… nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh.
Các rối loạn về thần kinh: như toàn thân run lập cập, nói chuyện lắp bắp không rõ ràng, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây gãy xương, vỡ tạng… Trường hợp nặng hơn, có thể còn có cả cơn co giật như động kinh.
Người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, tiểu ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định… Sảng run có thể tự thuyên giảm sau vài ngày, tuy nhiên đây chỉ là số ít. Phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu, các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
Gout
Bệnh Gout là một tình trạng viêm hình thành do sự tích tụ axit uric ở các khớp và gây ra đau đớn. Ngoài yếu tố di truyền, rượu và chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò lớn gây ra bệnh Gout. Những người bệnh Gout uống nhiều rượu sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Huyết áp cao
Uống rượu, đặc biệt là nghiện rượu, sẽ làm huyết áp tăng cao. Nếu tình trạng này kéo dài, những ảnh hưởng trên sẽ thành mãn tính. Huyết áp cao còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác bao gồm cả bệnh thận, bệnh tim và đột quỵ.
Bệnh phổi
Khoảng 5% lượng cồn trong máu sẽ nhanh chóng khuếch tán vào trong các phế nang. Tại đây dung dịch cồn sẽ được làm ấm và chuyển chúng thành dạng hơi mà khi chúng ta thở ra, các phân tử hơi này sẽ là tiêu chí để đo lượng cồn trong hơi thở.
Nếu uống rượu trong một thời gian dài, chất cồn sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn, vì thế người nghiện rượu rất dễ mắc các bệnh về phổi như: viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác… Những bệnh này ở người nghiện rượu thường nặng hơn, diễn biến nhanh hơn, tỷ lệ phải nhập viện cao hơn, thời gian điều trị dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn ở người không nghiện rượu tới trên 20%.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng
Sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của số lượng cồn có trong rượu bia. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% lượng bia, rượu uống vào sẽ lập tức khuếch tán vào máu. Phần bia, rượu còn tồn lưu tại dạ dày sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh về dạ dày với các triệu chứng như ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Viêm tụy
Không chỉ gây viêm dạ dày, uống nhiều rượu còn gây ra viêm tụy. Viêm tụy mãn tính sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, thường là nguyên nhân của đau bụng và tiêu chảy kéo dài mà khó điều trị khỏi. Những trường hợp viêm tụy mãn tính khác có thể có nguyên nhân do sỏi, nhưng có đến 60% các sỏi này là do rượu.
Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội. Tai nạn giao thông tăng vọt có liên quan rất nhiều đến rượu bia, nên nếu tham gia giao thông cần rất hạn chế bia rượu.
Như vậy, chúng ta đã biết tác hại của rượu bia không những ảnh hưởng đến sức khỏe (cả về thể chất lẫn tinh thần) mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội nói chung, vì vậy chúng ta cần kiểm soát lượng rượu bia uống vào để tránh những tổn hại đáng tiếc cho gia đình và xã hội.
Chúc Di (t/h)