Huyệt Túc tam lý trong Y học cổ truyền phương Đông rất được coi trọng vì khả năng nâng cao sức khỏe toàn diện. Huyệt này được dùng như liều kích thích an toàn dành cho các vận động viên khi cần có sức bật, sức bền, sự dẻo dai… cũng như một tâm lý ổn định.
Tên huyệt
Có những câu chuyện và lý do để tên huyệt “Túc tam lý” ra đời. Chuyện kể rằng dùng kim châm hay bấm huyệt này có thể giúp binh lính đi bộ hơn 3 dặm mà chân không mỏi.
Nguyên do khác liên quan đến vị trí của huyệt: (1) huyệt nằm dưới lõm ngoài xương bánh chè 3 thốn và (2) huyệt là nơi hội tụ của 3 phủ Đại trường (phía trên), Vị (ở giữa) và Tiểu Trường (phía dưới). Huyệt còn được gọi với các tên khác như Tam lý, Hạ Tam lý, Hạ Lăng, Quỷ Tà.
Vai trò
Túc Tam Lý (TTL) đựơc xem là huyệt trường sinh với nhiều ý nghĩa. Năng kích hoạt Túc Tam lý giúp điều lý Tỳ Vị, tăng cường sự lưu thông khí huyết, gia tăng chức năng miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Không chỉ là 1 trong số những huyệt vị có tần suất sử dụng hàng đầu trong châm cứu mà còn là huyệt có nhiều tác dụng, từ chữa các bệnh về hệ thống tiêu hoá, tim mạch đến ý nghĩa bồi bổ nguyên khí, tăng cường sức miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Hiện nay, trong số các biện pháp nhằm gia tăng sức đề kháng để chống lại sự tác hại của các loai vi trùng vi khuẩn gây bệnh, có lẽ năng vận động thân thể và thường xuyên kích hoạt huyệt TTL là biện pháp tự nhiên và đơn giản nhất.
Vị trí
TTL nằm ở dưới mắt đầu gối ba thốn và cách bờ xương ống chân một thốn (ở người Việt Nam trung bình, 1 thốn khoảng 1,8cm). Có thể xác định huyệt bằng cách úp lòng bàn tay trên đầu gối, (bàn tay phải trên đầu gối phải, bàn tay trái trên đầu gối trái), TTL ở vị trí dưới đầu ngón tay giữa nơi đầu ngón tay giữa chạm vào chân ở phần ngoài xương ống chân.
Công năng huyệt Túc Tam Lý
Tỳ Vị thuộc Thổ. Trong số Ngũ Du huyệt, TTL lại là Thổ huyệt của đường kinh Túc Dương Minh Vị. Do đó, TTL được gọi là “Thổ trong Thổ”. Theo Đông y, Thổ là mẹ sinh của vạn vật, là chủ về hậu thiên. Đường kinh Dương Minh lại là đường kinh “đa khí đa huyết”, chủ về Vệ khí ở phần biểu để giúp cơ thể chống lại ngoại tà. Do đó, khí hoá mạnh yếu ở huyệt có liên quan mật thiết đến công năng của lục phủ ngũ tạng, sự thịnh suy trong thân người.
Về mặt cục bộ, TTL dùng để chữa các chứng bệnh ở bộ máy tiêu hoá như viêm dạ dày, ruột, ăn uống khó tiêu hoặc cải thiện việc lưu thông khí huyết ở chi dưới, ở vùng khớp gối. Liên quan đến công năng tăng cường sinh lực, cải thiện việc lưu thông khí huyết toàn thân, gia tăng tuần hoàn ngoại biên, TTL cũng hữu dụng trong các chứng suy nhược thần kinh, kích ngất, suyễn, dị ứng, cao huyết áp, đặc biệt là giúp tăng cường hệ miễn dịch đề phòng chống bệnh tật.
Những nghiên cứu ở Trường Đại học Quân y Trung Quốc và Viện Y học Bắc kinh đã cho biết việc châm vào TTL làm gia tăng khả năng thực bào của tế bào bạch cầu. Độ tăng cao nhất sau 24 giờ. Khả năng nầy kéo dài đến khoảng 48 giờ sau. Dưỡng sinh phương Đông thường nhắc đến câu nói “Tam lý cứu bất tuyệt, nhất thiết tai bệnh tức”. Ý muốn nói thực hành cứu huyệt TTL đều đặn sẽ tránh được những tai ương về bệnh tật. Truyền thuyết về huyệt TTL có nhắc đến câu chuyện 1 gia đình ở Nhật đều thọ hơn 200 tuổi nhờ cứu huyệt TTL đều đặn từ mồng 1 đến mống 8 hàng tháng.
Nói chung, Tỳ chủ hậu thiên, Tỳ năng sinh huyết. Ăn uống ngon miệng tất khí huyết sẽ được dồi dào, con người dễ sinh thoải mái, tay chân linh hoạt, sức đề kháng cũng gia tăng. Do đó, kích hoạt TTL thường là 1 biện pháp dưỡng sinh với nhiều ý nghĩa, tăng cường sự lưu thông khí huyết, gia tăng hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ.
Thực hành:
– Cứu bằng điếu ngải: Ngải cứu khô tán vụn, dùng giấy bản cuốn thành điều ngải bằng ngón tay. Khi cứu thì châm lửa hơ trên huyệt, điều chỉnh để độ nóng vừa chịu được, cứu từ 3 đến 5 phút. Khi chữa những bệnh suy nhược, hư hàn, có thể cứu lâu hơn đến khi toàn thân có cảm giác nóng ấm.
– Cứu cách gừng, cách tỏi: Gừng tươi hoặc tỏi tươi thái lát mỏng đặt lên huyệt, dùng một nhúm nhỏ ngải nhung, ấn ép thành hình quả núi trên lát gừng hoặc lát tỏi rồi châm lửa cho cháy dần.
Không dùng cách cứu TTL đối với trẻ em hoặc người đang bị viêm nhiễm cấp tính.
– Bấm huyệt: Ngồi trên ghế chân chạm đất hoặc ngồi trên phản và co chân ở góc độ vừa phải sao cho việc dây ấn vào huỵệt đạt đựơc lực mạnh nhất. Tập trung sức chú ý khi day ấn huyệt. Tay phải day bấm chân phải, tay trái day bấm chân trái. Định vị vùng huyệt. Đặt 4 ngón tay thường bọc phía sau chân, ngón tay cái cong lại, chỉa gần thẳng góc với mặt huyệt và day liên tục khoảng 3 phút. Mỗi ngày có thể làm 2 hoặc 3 lần.
Day bấm huyệt (Ảnh: internet)
Tổng hợp Internet