Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội có lưu truyền một bài văn đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi trung học phổ thông, từng khiến cho biết bao phụ huynh phải thổn thức. Hôm nay xin chia sẻ cho mọi người cùng đọc thử!
Dưới đây là nguyên văn bài thi đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi THPT năm 2006 khiến các bậc phụ huynh phải suy nghĩ thật nhiều.
***
Mẹ thân yêu!
Mẹ đưa con đến cổng trường, con bước theo dòng người đi vào phòng, không ngoảnh đầu nhìn lại, nhưng con có thể tưởng tượng ra tâm tình phức tạp trong ánh mắt của mẹ, con nghĩ con vẫn nên bình tĩnh một chút. Nhưng bức tranh châm biếm trước mắt lại khiến đầu óc của con quay cuồng.
Một đứa bé lần thi thứ nhất được 100 điểm, trên mặt là dấu của một nụ hôn, lần hai thi được 98 điểm, trên mặt là dấu của một cái tát; một đứa trẻ khác lần thi thứ nhất là 55 điểm, trên mặt là một cái tát, lần thi thứ hai được 61 điểm, trên mặt là một nụ hôn.
Điều con nghĩ là, thế còn lần thứ ba, lần thứ tư thì sao? Chỉ cần điểm số có biến động, thì đãi ngộ của con cái cũng sẽ biến động theo hay sao. Theo ý nghĩa thông thường, cậu bé đầu tiên hiển nhiên là một học sinh ưu tú, còn cậu thứ hai có thể coi là học sinh rất bình thường, nhưng toàn bộ cuộc sống lại bị điều khiển trong thế giới của những con số, vui buồn đan xen, không biết phải trốn đến nơi nào.
Lòng con có chút bất an, mẹ ơi, người vừa đánh vừa hôn đối với con cái đó là ai vậy? Người đó có phải là mẹ hay không? Người đó chính là mẹ, đúng không? Đi học suốt 12 năm, mẹ không ít lần đã hôn con, cũng không ít lần đã đánh mắng con, có lúc thậm chí là những cái bạt tai “bốp! bốp! bốp!” như trời giáng.
Mẹ trích dẫn lời của thầy giáo nói với con rằng “cần phải trở thành cỗ máy làm bài xuất sắc”, nhưng thầy giáo của con luôn nói tiếp rằng “càng cần phải trở thành con người xuất sắc hơn”.
Nhưng mà mẹ ơi, mẹ dường như đã đơn giản hóa mọi thứ rồi, trên đường đi cùng với con, trong mắt của mẹ chỉ có điểm số của con, dường như đó chính là thể hiện toàn bộ giá trị con người của con.
Đúng vậy, con từ khi còn nhỏ đã biết đọc sách, đã biết làm bài kiểm tra, chính là “vốn liếng” khiến mẹ ngẩng đầu ưỡn ngực cười nhạo thiên hạ; đúng vậy, con biết ý nghĩa của thành tích tốt, nó sẽ giúp con càng được yêu thương và khen ngợi, nó sẽ khiến con càng có được thành tựu và sự tôn trọng, nó sẽ thay đổi hoàn cảnh và vận mệnh của nhà chúng ta, nó sẽ khiến con dễ dàng có được hưởng thụ vật chất và tinh thần nơi thế gian con người… mọi điều như thế.
Nhưng sau khi lớn lên nhìn thấy mẹ vì điều này mà buồn mà vui, con thường cảm thấy mọi chuyện sao mà xa vời quá. Còn mẹ? Mẹ có bao giờ phát hiện dưới lông mi mỗi lúc một dài của con, ẩn chứa bao nhiêu ủy khuất? Mẹ có bao giờ phát hiện trong bước chân mỗi lúc một nhanh của con, biết bao lần con lảo đảo muốn ngã gục xuống đất?
Mẹ có biết chăng, nhiều lúc nửa đêm con thường tự mình bước lên sân thượng, nhìn vầng trăng khuyết không nói được lời nào? Mẹ có biết chăng, những lúc con tay vịn lan can, đứng khóc một mình, “nhìn non sông, ai hiểu ý” mà thở dài? Có những lúc cơn giận bộc phát, ngẩng đầu nhìn trời chỉ biết hét to lên? Thậm chí “lau khô những giọt nước mắt chua xót, thở một hơi dài, than khóc cuộc đời sao lại gian nan đến như vậy”.
Mẹ cứ mãi nói với con, mẹ yêu thương con như mạng sống của mình, vậy nên con đã nghe lời, con nghe lời mẹ nói, không hỏi đến những chuyện khác, không muốn hưởng lạc, không chơi điện thoại, không chơi bóng chuyền, không đánh đàn ghi- ta mà con thích, không đọc những cuốn tiểu thuyết võ hiệp mà con hằng say mê… con gắng sức thi được điểm cao hơn một chút rồi cao hơn một chút nữa, nhưng đề thi thì có khó có dễ, tinh thần có lúc hăng hái có lúc suy sụp, cũng có những lúc sơ xuất điểm thi thấp hơn người khác, cũng có những khi số mệnh đùa cợt con người.
Nhớ có một lần, trong kỳ thi môn toán của học kỳ hai, 120 điểm con đã thi được 86 điểm, sau khi về nhà đã nói lại với mẹ, sắc mặt của mẹ liền biến đổi, không chỉ là mẹ, bố còn bắt con phải quỳ xuống hối lỗi, con không quỳ ông ấy liền vung một bạt tai, con ngay lập tức ngã lăn xuống sàn.
Buổi tối hôm đó con đã phải quỳ suốt 2 tiếng đồng hồ, nhưng ngày hôm sau thầy giáo nói lại với mẹ rằng thầy đã quên cộng thêm 30 điểm cho con, ngoài ra con còn là học sinh ưu tú đứng đầu cả năm học. Về đến nhà mẹ ôm chầm lấy con hôn lấy hôn để, nhưng con tim nhỏ bé của con đã trở nên tê dại. Mẹ ơi, con quả thật không thể chịu đựng, đây là gánh nặng mà con không thể gánh chịu được trong đời, mẹ có biết hay không?
Con đã từng thử giãi bày với bố mẹ nhưng vô hiệu. Con ngưỡng mộ Tiểu Lý, người bạn học cùng bàn với con, thành tích của bạn ấy cũng bình thường nhưng hễ khi nói đến bố mẹ thì mặt mày liền hớn hở. Con càng ngưỡng mộ những người thầy và con cái của họ trong một cuốn sách kia. Trong đó, Lương Khải Siêu nói với con gái của ông rằng “chưa thể vào đại học có gì quan trọng đâu”, nói “chuyện thiên hạ bản thân hãy cứ làm hết sức mình, nếu được vậy thì đã là nhân vật số một trong thiên hạ rồi”.
Lương Bồi Khoan khi nhớ lại bố mình là Lương Thúc Minh, cậu nói giáo dục của bố là “mô thức tín nhiệm và lạc quan cởi mở”. Có một lần cậu ấy thi được 59 điểm, cậu ấy cầm giấy thông báo thi lại cho bố mình xem, ông bố chỉ nhìn một cái liền đưa lại cho con trai, ý là “chuyện của bản thân thì bản thân mình hãy tự chịu trách nhiệm”. Những đứa trẻ này đã nhận được tín nhiệm và khích lệ, về sau đều có được thành tựu. Mẹ ơi, mẹ có biết rằng con rất ngưỡng mộ họ hay không?
Ba tháng trước, sau trăm ngày thi quân sự, một buổi chiều tan học, trong loa phóng thanh của trường truyền đến một ca khúc sâu lắng: “Khi bạn vẫn còn đang ảo tượng về ngày mai, liệu nó sẽ trở nên tốt đẹp hơn không? Đối với tôi mà nói, là càng nát vụn tả tơi, là một ngày kia tôi đã từng hủy đi tất cả, chỉ muốn mãi mãi rời đi. Tôi đã từng rơi vào trong bóng tối vô biên, muốn giãy giụa nhưng không cách nào tự thoát ra được. Tôi đã từng giống như bạn, giống như anh ấy, giống như những hoa dại cỏ dại kia, khát khao một cách tuyệt vọng, cũng khóc cũng cười cũng bình thường thôi …”.
Con càng đi càng chậm, đi đến trước cổng trường nước mắt bỗng nhiên tuôn rơi, ngày hôm đó con dứt khoát ở bên bờ hồ khóc một trận thỏa thích giống như một anh hùng, khóc xong con lặng lẽ trở về lớp học ôn thi buổi tối. Mẹ ơi, đây là những điều mà mẹ không biết được.
Có người chỉ trích nền giáo dục Trung Quốc hiện nay, nói là giáo dục thiên tài, mà hơn một nửa kết quả của cái gọi là giáo dục thiên tài này vốn không phải là bồi dưỡng những người có tư chất bình thường trở thành thiên tài, mà là bóp méo họ trở thành thứ dị dạng cao không được mà thấp cũng không xong.
Con tự hỏi bản thân mình vẫn chưa phải là thứ dị dạng, mẹ ơi, con cảm thấy may mắn bởi điều này, nhưng điều khiến con bất an chính là, bản thân con cũng đã bị cuốn vào trong nền giáo dục giống như vậy, điều con không biết được là ngày mai của con, liệu nó có thật sự tốt đẹp hay không? Ngày mai của chúng ta, liệu nó có tốt đẹp được hay không?
Mẹ ơi, con vẫn nguyện ý thi được điểm cao hơn một chút để báo đáp mẹ. Nhưng mà, sau ngày mai, không kể con thi được bao nhiêu điểm, mẹ và bố đều có thể vui vui vẻ vẻ mà chúc mừng khóa tốt nghiệp phổ thông của con, được không mẹ?
Con gái ngoan của mẹ!
Trong phòng thi, ngày 7 tháng 6 năm 2016
Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV