Hai câu chuyện cổ ở Ấn Độ và Ả Rập, nói về hai đồ vật khác nhau là chiếc bình đạo đức và cây Đèn Thần, mặc dù tình huống cũng gần giống nhau nhưng cách hành xử khác nhau đã dẫn đến kết cục khác biệt một trời một vực.
“Chiếc bình đạo đức” chứa nhiều báu vật, phải có tâm cung kính mới có thể giữ được
Tại Ấn Độ cổ, có một người vô cùng nghèo khổ. Cho dù cuộc sống khó khăn, anh ta vẫn một lòng cung phụng Thần linh, hơn nữa còn kiên trì bền bỉ suốt 12 năm trời.
Thần linh thương cảm mới hiển hiện ra trước mặt anh ta hỏi: “Bây giờ con có ước muốn gì không?” Người nghèo khổ nói: “Con muốn được giàu có. Muốn tất cả nguyện vọng của mình đều trở thành sự thật”.
Thần liền ban cho anh ta một chiếc bình đạo đức và nói: “Bất kể là con muốn cái gì, đều có thể lấy ra từ trong bình này”.
Từ khi có chiếc bình đạo đức, người nghèo khổ đã được như ước nguyện. Nhà cửa xa hoa, xe cộ hoa lệ, rồi nào là vàng bạc, đá quý, phàm là những gì anh ta cần thì trong chiếc bình đạo đức đều có cả.
Người nghèo khổ chỉ trong một đêm mà một bước lên tiên. Rất nhiều người đều thấy ngạc nhiên, tự hỏi: “Anh ta làm thế nào mà lại được như vậy?”.
Một ngày, có vị khách hỏi anh ta: “Trước kia anh rất nghèo khổ, hôm nay sao lại đột nhiên trở nên giàu có như vậy?”.
Người nghèo nói: “Bởi vì tôi đã được cho một cái bình của Thần. Cái bình này có thể cho tôi bất kể thứ gì, nên tôi mới có thể giàu có như thế”.
Vị khách mới hỏi: “Anh có thể lấy cái bình ra biểu diễn cho tôi xem, làm thế nào cái bình lại có thể chứa nhiều đồ vật như vậy được không?”. Thế là anh ta lấy chiếc bình đạo đức ra, tùy ý sử dụng, lấy ra rất nhiều đồ vật.
Người nghèo ở trước mặt vị khách, như điên như khùng, phóng túng bừa bãi, lại còn cuồng vọng đứng ở trên chiếc bình đạo đức mà nhảy múa. Đúng lúc này, chiếc bình đạo đức thoáng cái đã vỡ vụn, tất cả tài vật đều lập tức biến mất, người nghèo khổ lại trở về hoàn cảnh bần cùng giống như xưa.
Anh ta từng kiên trì bền bỉ mười hai năm, một lòng cung phụng chư Thần, nhưng khi giàu có rồi là vội quên đi. Kỳ thực, tất cả phúc phận cũng là do Thần ban cho, đều là đến từ chiếc bình đạo đức kia.
Chiếc bình đạo đức chính là tích chứa phúc đức của anh ta. Ngay lúc anh ta không còn tâm kính sợ Thần, thì lập tức sẽ bị Thần lấy đi tất cả phúc phận, hoàn cảnh của anh ta cũng bị rớt xuống thật thê thảm.
Aladdin và cây Đèn Thần
Trong chuyện dân gian của Ả Rập, mọi người đều biết câu chuyện “Aladdin và cây Đèn Thần”. Có một pháp sư biết rõ ở dưới chân núi Karlas, có một kho báu rất lớn, trong đó có giá trị và thần kỳ nhất, chính là cây Đèn Thần.
Ai có được Đèn Thần, thì sẽ có được của cải và quyền lực khắp thiên hạ. Nhưng người có thể mở được kho báu này chỉ có một người, đó chính là một đứa bé sinh ra ở trong một gia đình nghèo khổ tên là Aladdin.
Vì để có thể lấy được Đèn Thần, pháp sư đã giả dạng làm chú của Aladdin, nói sẽ mở cửa hàng buôn bán, chuẩn bị hàng hóa sang trọng, tương lai có thể giúp Aladdin trở thành thương nhân nổi tiếng.
Pháp sư dẫn Aladdin đến cái hầm nơi có chứa kho báu. Lợi dụng Aladdin để lấy Đèn Thần, nhưng sau đó lại không chịu kéo Aladdin lên khỏi hầm. Aladdin nói phải đưa lên khỏi hầm trước rồi mới đưa Đèn Thần cho ông ta.
Pháp sư thấy rằng mưu kế của mình đã bị bại lộ, thẹn quá hóa giận, liền niệm chú giam Aladdin ở trong động, quyết tâm để cho Aladdin chết luôn ở trong đó.
Aladdin trong lúc tuyệt vọng, vô tình xoa tay vào cây đèn, thì bất ngờ xuất hiện một vị Thần từ trong cây đèn bay ra và đưa cho anh ta một chiếc nhẫn, lập tức trước mặt xuất hiện một khung cảnh thần kỳ.
Vị Thần Đèn đã thực hiện nguyện vọng của anh ta, dẫn anh về nhà, không những vậy còn có thể đáp ứng mọi mong muốn của anh ta.
Từ đó về sau, Aladdin và mẹ có thể dùng vô số tài vật, nhưng bọn họ vẫn sinh hoạt rất tiết kiệm, một chút đồ ăn cũng không lãng phí, bình thường làm việc gì cũng rất có chừng mực.
Aladdin ngày trước nghịch ngợm, càn quấy, thì bây giờ đã từ bỏ được rất nhiều thói xấu, làm một người chính trực. Anh cần cù và thật thà trong việc buôn bán, cố gắng học tập đạo kinh doanh. Cuối cùng, Aladdin không chỉ đánh bại được vị pháp sư mà còn cứu được vợ của mình – Vị công chúa xinh đẹp nhất của đất nước.
Có thể thấy, tuy là các dân tộc khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, nhưng giá trị phổ quát thì vẫn giống nhau. Tôn kính Thần Phật, tu dưỡng bản thân, thì nhất định sẽ được phúc báo. Còn người phóng túng bản thân, khinh nhờn Thần Phật, thì dù hoàn cảnh có tốt đến mấy cũng chỉ một thoáng là tan biến hết ngay.
Chân Chân (Biên dịch)