Tinh Hoa

Bài diễn văn của ông Tổng thống và tư duy người Việt

Bài diễn văn của ông Obama tại Việt Nam trong chuyến công du thời gian gần đây đã gây ấn tượng mạnh với người Việt bởi việc trích dẫn rất nhiều thơ văn từ cổ chí kim của đất nước mình. Nhân đây tôi cũng xin góp đôi dòng cảm nghĩ.

“Sông núi Nước Nam, Vua Nam ở,

Rành rành định phận tại Sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!!!!”

Điều này khiến tôi chợt nhớ về câu chuyện về anh sếp cũ mấy năm trước. Thời điểm  đó tôi làm cho một công ty công nghệ mới mở tại Việt Nam. Anh sếp này là dân Việt kiều được điều về quản lý chi nhánh tại Việt Nam. Giờ thì anh đang làm quản lý kỹ thuật cho Ebay.

Vốn dĩ anh sếp của tôi trước đó từng làm cho công ty công nghệ Yahoo danh tiếng nên tôi nghĩ chắc anh cũng học trường kỹ thuật có tiếng nào đó bên Mỹ. Trong một bữa rỗi rãi, tôi hỏi về trường anh học, anh kể tôi nghe từng theo học một trường công nghệ. Ngoài ra còn có bằng cấp chuyên ngành lịch sử. Ồ! Cái gì cơ? Anh mà lại theo học cái ngành đó à?

Tôi nói khéo với anh là cái ngành này ở Việt nam ít người theo học, cũng có ý ngầm là anh hết ngành theo hay sao mà học lịch sử.

Ông anh này (nghe tôi nói có lẽ cười trong bụng) trả lời tôi: Chậc, ngành này bên Mỹ có thể kiếm nhiều tiền. Ví dụ như nếu những người làm chính trị, như thống đốc hoặc tổng thống khi họ cần viết diễn văn thì sẽ có một nhóm người hỗ trợ để cho bài diễn văn được sinh động, và có tính lôi cuốn. Thường thì sẽ có vài người hỗ trợ việc viết lách. Ai cũng biết các chính khách lúc nào cũng bận rộn, do đó những người thế này thực sự rất quan trọng. Và họ thường là tốt nghiệp môn xã hội học, chủ yếu là môn lịch sử.

Điều đó giải thích tại sao ông Obama có thể đọc rành rọt, dẫu là đã chuyển ngữ sang tiếng Anh, những câu thơ cổ của một quốc gia vùng viễn đông. Bởi vì theo sau họ luôn có một bộ phận những tham vấn viên rất am hiểu về các lĩnh vực, có năng lực trong việc đưa ra các hỗ trợ quyết định, và quan trọng hơn là họ có bằng thật, học thật và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ việc ứng tuyển và đề bạt.

Bà Elizabeth Phu, một người Mỹ gốc Việt, và là nữ cố vấn an ninh tại Nhà Trắng, có mặt trong chuyến công du lần này của ông Obama.(Ảnh: Los Angeles Times)

Bài diễn văn của ông Obama đã cho tôi thấy một phong cách làm việc chuyên nghiệp, có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Và một bài diễn văn “có hồn” là thành quả của cả một tập thể mà trong đó vai trò của ông tổng thống Mỹ chính là truyền tải được cái hồn ấy.

Ngược lại, bạn thử hình dung mà xem nếu ông Obama cũng chỉ biết ngồi trong phòng máy lạnh, khi qua các buổi hội nghị hay chuyến công du thì hành trang chỉ cần mang theo một bản soạn sẵn do các tham vấn viên cổ cồn, chuyên ngồi văn phòng và phóng tác ra các bản thuyết trình – mà có phần na ná nhau về kịch bản –  thì có lẽ ông cũng sẽ để lại cho người dân Việt Nam một cuộc gặp đầy nhạt nhẽo và mang nặng tính hình thức.

Mặt khác, tôi còn thấy được rằng thành phần tinh anh của quốc gia không hẳn là người biết hết mọi thứ, không nhất thiết phải nắm vững lý luận nào đấy. Mà họ phải được tính chính danh và khả năng điều hành những người thực sự có năng lực ở các tầng cấp trong xã hội.

Người dân Việt Nam đã được chứng kiến và bày tỏ ngưỡng mộ đối với hình ảnh ngoại giao và sự phong nhã của tổng thống Mỹ, nhưng ít ai nhận ra rằng những gì ngài tổng thống bộc lộ ra không đơn giản là mang tính cá nhân của một người ở cương vị tổng thống cường quốc, mà đây là hình ảnh đại diện cho bản sắc văn hóa Mỹ. Khi một nền giáo dục xây dựng đặc tính văn hóa cao thì nó sẽ được thể hiện qua từng cử chỉ và hành vi của con người. Obama đã trực tiếp quảng bá và tôn vinh văn hóa Mỹ, và ngược lại văn hóa Mỹ cũng làm nổi bật ngài tổng thống trong con mắt ngoại giao.

Ông bà ta có câu, “làm đầy tớ kẻ khôn, còn hơn làm thầy thằng dại”. Rõ ràng, ông Obama được làm người điều hành một bộ máy tư pháp và hành chính mà trong đó hết thảy đều là những con người tinh anh thì đó là vinh dự của ông, bởi chẳng phải ông đang quản trị những nhân lực đầy tài năng hay sao? Do đó, người lãnh đạo dám khai phát và thúc đẩy sự phát triển tri thức của các tầng lớp trong xã hội cũng chính là đang khiến cho bản thân được có được vinh dự, điều đó có giá trị hơn nhiều  so với việc lo lắng mất đi quyền hành của kẻ nắm quyền.

Vấn đề ở đây có lẽ không phải là nói về môn lịch sử hay một môn nào đó, mà là việc những cá nhân trong xã hội nếu tất cả họ đều có cơ hội công bằng để thúc đẩy bản thân trở thành những thành phần ưu tú trong xã hội, thay vì bó hẹp tầm nhìn của mình vào những vị trí, ngành nghề béo bở, thì đất nước Việt Nam ta có lẽ đã khác.

Người dân Việt Nam đang mong đợi ông Obama sẽ mang tới cho đất nước những tiến bộ về thỏa thuận về kinh tế và dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương. Tuy nhiên nếu không nâng cao mặt bằng tri thức của quốc gia thì việc nhập về những khí tài quân sự hiện đại để cân bằng với một quốc gia khác có thế lực quân sự hùng hậu thì hết sức mơ hồ. Nó chẳng khác nào những niềm tin ảo tượng về việc dùng chạc ná bắn rớt máy bay Mỹ như tôi vẫn đọc đâu đó trên báo mạng.

Khai Nguyên