Cổ nhân nói “hành thiện tích đức”, nhưng liệu thiện niệm thiện hành của con người thật sự có liên quan đến “đức” hoặc phúc báo không? Câu chuyện về một cụ bà tốt bụng dưới đây chính là một lời nhắn nhủ quý giá tới tất cả mọi người.
Trong thôn trang nọ đột nhiên dấy lên phong trào “Thanh hương”. Phong trào này chính là một vài thôn dân kết hợp lại xem nhà nào có gia súc như lợn, bò, dê… thì bày bàn tiệc ở nhà đó, ăn một trận đã đời. Gia chủ sẽ phải giết hết gia súc, để mọi người ăn.
Phong trào này chưa từng được ghi chép trong lịch sử, chỉ phát sinh ở vài khu vực riêng lẻ, có thể nguyên do là vì cuộc sống của mọi người quá nghèo đói, vì vậy tài liệu về phong trào này không chi tiết, cũng không cách nào thẩm định.
Lúc đó, nhà nào cũng nghèo khó, ai nấy cũng phải sống trong những ngày “bữa đói bữa no”. Có một bà lão, lương thực trong nhà bà đều do mình bà thu vén, cơm nước cho chồng con đã thật chẳng dễ dàng gì. Trong nhà chỉ có một con lợn, bà để dành làm vốn cho cả nhà chi tiêu sinh sống sau này.
Người cầm đầu phong trào “Thanh hương” là một phụ nữ hơn 30 tuổi, chúng ta tạm gọi cô ta là “L”. Một hôm, cô ta phát hiện nhà bà cụ có lợn, liền kéo một đám người đến nhà bà cụ ăn uống, con lợn mà bà cụ nuôi bao năm bị đem ra thịt, thành món ngon cho mọi người.
Bà cụ rất không can tâm, vì thế ốm nặng một trận, cảm thấy mình sống thật vô dụng. Trải qua cuộc biến động này, cuộc sống trong gia đình càng túng quẫn.
Tất cả mọi chuyện đều do người phụ nữ “L” này gây ra, người phụ nữ đó cầm đầu mọi người đến từng nhà ăn uống linh đình, quả thực là đi ngược với đạo đức. Nhưng tục ngữ có câu “Trên đầu ba thước có thần linh”, nhân quả báo ứng của cô ta ắt sẽ đến.
Không lâu sau, người phụ nữ “L” cầm đầu mọi người đến nhà bà cụ đột ngột qua đời, trong nhà vẫn còn con nhỏ gào khóc đòi ăn. Bà cụ cảm thấy đứa trẻ thật bất hạnh, thế là bà thường xuyên đến nhà người phụ nữ L đó cho đứa trẻ uống sữa, người trong thôn đều cảm thấy bà không tính toán chuyện xưa như vậy, thật hiếm thấy!
Nhưng bà không phải chỉ khua chân múa tay cho người khác xem, mà bà thật tâm cảm thấy đứa trẻ mất mẹ từ nhỏ thật đáng thương, nên muốn giúp đỡ cậu bé. Bà cụ là người như vậy, bà thích giúp đỡ mọi người. Trong lúc nghèo khổ nhất, có người sắp chết đói đến xin ăn, bà vẫn bố thí cho người ta.
Còn có một ví dụ về chuyện nhân quả, có liên quan đến bà cụ…
Hồi bà còn trẻ, dung mạo xinh đẹp, mặc dù những ngày tháng sau khi lấy chồng nghèo khó, nhưng lại hạnh phúc, bà cụ sinh cả thảy bảy người con đủ nếp đủ tẻ, nhiều người trong thôn ngưỡng mộ bà, nhưng cũng có không ít những người đố kị.
Hàng xóm của bà cụ là một người “chuyên đố kị”, bà ta thấy người khác sống tốt hơn mình là trong lòng hậm hực khó chịu. Bà ta luôn ghen ghét với bà cụ, thậm chí còn ngấm ngầm làm chuyện “đâm chọc tiểu nhân”. Bà ta làm một con rối vải, bên trên viết tên của bà cụ, hàng ngày đều dùng kim châm một nhát để phát tiết sự oán hận của mình.
Về sau có người kể chuyện này với bà cụ, bà cụ rất điềm tĩnh, không hề nổi giận. Bởi bà tin rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Quả nhiên, sau đó kẻ giở trò “đâm chọc tiểu nhân” bệnh tật đầy người, không lâu sau thì chết. Bà cụ chẳng bị ảnh hưởng bởi những lời nguyền rủa của bà ta, ngược lại cơ thể vẫn khỏe mạnh.
Từ góc độ nhân quả mà nói, thực ra kẻ giở trò “đâm chọc tiểu nhân”, người mà bà ta đâm không phải là ai khác, mà là đâm chính mình!
Bà cụ nói mấy thầy đoán số đều nói bà chỉ có thể sống đến 60 tuổi, nhưng cuối cùng bà sống đến 90 tuổi, mất vì tuổi già, lúc qua đời không chịu sự giày vò đau khổ nào! Bà cụ có thể kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, nhất định liên quan đến chuyện cả đời bà thường xuyên hành thiện tích đức, không oán hận người khác.
Thế gian này có rất nhiều khổ đau, cũng rất nhiều bi thương, nhưng chúng ta hãy luôn là chính mình. Có người làm tổn thương bạn, họ sẽ chịu trừng phạt, chỉ là có một vài nhân quả đến nhanh, một vài lại đến muộn, tất cả đều được định sẵn! Việc chúng ta có thể làm đó là làm một người tốt, phúc báo nhất định đang chờ đón!
Tuệ Tâm, theo Secret China