Tinh Hoa

“Ba, con thi được 530 điểm” – Hiện thực cuộc sống khiến người ta không khỏi giật mình

Một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội có tựa đề “Ba, con thi được 530 điểm”. Đây chính là phản ánh chân thực về cuộc sống của xã hội Trung Quốc, khiến người ta không khỏi giật mình.

Câu chuyện về thực trạng của xã hội Trung Quốc. (Ảnh: Cectv)

Thí sinh Bắc Kinh: “Ba ơi, con thi được 530 điểm, so với điểm chuẩn cao hơn 53 điểm, con đoán chừng có thể đậu đại học Bắc Kinh rồi ba!”

“Con ba thật là có tiền đồ! Đi thôi, nhà mình đi Thượng Hải du lịch nào!”

Thí sinh Giang Tây: “Ba ơi, con thi được 530 điểm, so với điểm chuẩn thấp hơn 20 điểm, chắc con học cao đẳng nghề thôi ba!”

“Tệ quá, không học gì nữa, lên Thượng Hải làm công nhân đi!”

Thí sinh Thượng Hải: “Ba ơi, con thi được 530 điểm, chắc học Đại học Phục Đán không có gì khó đâu ba, ba còn đợi gì nữa mà không chuẩn bị đưa con đi học nước ngoài chứ?”

“Được, cho con đi học quản lý công thương, sau này vừa hay có thể về giúp ba. Năm nay, ba mới tuyển nhiều công nhân là nông dân ở Giang Tây, mấy người này ít học, không quản là không được đâu!”

………….

Bắc Kinh gió lạnh rét căm căm, dưới ngọn đèn sáng, một đứa trẻ đang cầm bài tập toán đứng bên cạnh bàn học…

“Con trai à, ba xin lỗi nhé! Mấy bài tập này bây giờ, so với trước đây coi bộ khó hơn đó con!”, người cha đã vùi đầu hàng giờ trước bàn học, lau lấy lau để những giọt mồ hôi trên trán.

“Ba, nhưng mà ba tốt nghiệp đại học Bắc Kinh mà?”

Người cha xấu hổ chỉ biết cười, cười trong sự xấu hổ.

Tình cờ lúc đó cô giúp việc đi qua, thoáng nhìn thấy bài tập trên bàn, thuận tay quơ lấy cây viết, cầm tờ giấy nháp rồi viết lên đó.

“Cô còn muốn làm rối hết việc của tôi sao!”, người cha nóng nảy xua tay, mặt lộ vẻ khinh thường.

Cô giúp việc không trả lời, trên mặt không chút cảm xúc.

Sự bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc khiến nhiều người giật mình. (Ảnh: Sohu)

Trong giây lát, bài tập đã được giải xong, người cha nhìn đáp án được giải ra rất trật tự, rõ ràng mà chính xác, nét mặt tràn đầy kinh ngạc: “Ơ…, hẳn là, quê cô ở…?”.

“Giang Tây”, cô giúp việc trả lời, nét mặt vẫn như cũ, không chút cảm xúc.

Gió bắc tiếp tục thổi ào ào như cũ, tiếp tục đập vào cửa sổ…

“Năm đó, cô thi đại học được bao nhiêu điểm?”, ông chủ nhà hỏi.

Cô giúp việc nhìn nhìn, không trả lời, hỏi: “Ông thì sao?”

Chủ nhà nuốt nước miếng, nói: “290 điểm, tôi quê ở vùng biên cương”.

Cô giúp việc im lặng bắt đầu thu dọn bàn học, chủ nhà nhìn cô hỏi: “Còn cô?”

Cô quay đầu lại: “Tôi được 625 điểm, năm đó so với điểm chuẩn thiếu 5 điểm”.

Mẹ của đứa trẻ ở bên ngoài nghe thấy rõ ràng câu chuyện, chợt nhớ đến năm đó mình thi được 400 điểm và vào được đại học Bắc Kinh, may nhờ có hộ khẩu Bắc Kinh, không thì giờ này hoán đổi vị trí với cô giúp việc rồi, may mắn quá, âm thầm cảm ơn Bộ Giáo dục.

Gió Bắc thổi ào ào, gõ thùng thùng vào cửa…

Ngày hôm sau, cô giúp việc mang đến cho đứa trẻ một cuốn vở: “Cháu xem đi, có thể giúp được cháu đấy!”

Đứa trẻ nhận lấy xem qua, cùng bài tập hôm qua có thể dùng 18 cách khác nhau để giải, được ghi chép rõ ràng, ngoài ra còn có các đề mở rộng đủ loại.

Ông chủ nhà sợ ngây người: “Đây là…?”

Cô giúp việc đáp: “Đây là do chồng tôi viết đấy. Ông hãy nhìn xem, người đàn ông bán trái cây dưới lầu kia là chồng tôi đấy!”

Theo Epoch Times