Hôm 19/1, những trận mưa đá dữ dội to như quả bóng Golf đã trút xuống thành phố Melbourne, Australia gây hư hại nhiều cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, bão lũ do mưa lớn cũng càn quét các bang đang chịu ảnh hưởng của cháy rừng, theo Daily Mail.
Vào ngày 19/1, thành phố Melbourne, Australia đã phải hứng chịu những cơn mưa đá dữ dội. Video của người dân địa phương ghi lại cho thấy những viên đá có kích thước to bằng quả bóng đánh Golf. Mưa đá ập xuống đã gây hư hại nhiều mái nhà và cơ sở hạ tầng.
Theo báo News, các trận mưa đá mạnh đến nỗi chúng đủ sức làm gãy các nhánh cây. Người dân được cảnh báo nguy hiểm và cần phải tìm chỗ trú an toàn trong nhà ngay lập tức.
Cơ quan Khí tượng thành phố Melbourne cho biết các cơn bão lớn nguy hiểm đang di chuyển dọc miền đông Melbourne và khu vực ngoại ô phía đông nam kèm theo gió mạnh, mưa đá, các trận mưa lớn, thậm chí có thể cả lũ quét.
Bà Krystian Seibert, người dân ở vùng Hawthorn cho biết:“Tôi sống ở Melbourne đã lâu nhưng chưa bao giờ nhìn thấy trận mưa nào khủng khiếp đến vậy. Các hạt mưa đá to như quả bóng chơi Golf như được bắn ra từ máy bắn đá”.
Cũng theo báo News, từ 12h đến 18h ở Úc, có 884 cuộc gọi đến dịch vụ cứu hộ khẩn cấp, trong đó 628 cuộc gọi báo cáo về các trường hợp nhà cửa bị hư hại, 106 cuộc gọi báo cáo về tình hình ngập lũ và 130 cuộc gọi về các trường hợp cây đổ.
Hội đồng thành phố Melbourne đã đưa ra cảnh báo thời tiết khắc nghiệt: “Cảnh báo bão sấm sét nghiêm trọng cho thành phố Melbourne. Một cơn giông rất nguy hiểm đang di chuyển qua phía đông và phía đông nam. Cơn bão này đã tạo ra mưa đá có đường kính lên tới 5cm và lượng mưa lớn”.
Trước đó ngày 18/1, hai bang New South Wales và Queensland của Australia đã phải đối mặt với những trận mưa lớn gây lũ quét, khiến các tuyến đường cao tốc phải đóng cửa và người dân chịu cảnh mất điện. Đây cũng là là 2 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán và cháy rừng
Mực nước mưa đạt 330 mm ở một số khu vực tại bang New South Wales và Queensland. Cục Khí tượng học bang Queensland nói với các tài xế “hãy cẩn thận khi lái xe trên đường. Nếu đường bị ngập-Hãy chuyển sang lối khác.”
“Lượng mưa lớn, dữ dội đã giảm bớt, nhưng mưa rào và dông vẫn có thể xảy ra vào cuối tuần này”, Cục Khí tượng thủy văn ở bang Queensland cho biết trên Twitter trong ngày 18/1.
Trong khi đó, một số nơi tại bang New South Wales cũng bị mưa lớn gây ảnh hưởng. Kimba Wong, chuyên gia thời tiết tại văn phòng dự báo khí tượng của bang New South Wales cho biết, các cơn bão này là “sự kiện trăm năm có một“. Hiện tại bang New South Wales vẫn đang trải qua sự cố mất điện do lượng mưa lớn.
Những con đường khổng lồ quanh vùng Gold Coast chìm ngập trong nước. Cơ quan Khí tượng thủy văn Queensland cho biết, hiện những trận mưa rào đã ngừng, nhưng vẫn còn đó hàng loạt mối đe dọa theo từng trận mưa như trút nước vào thời điểm cuối tuần.
Sở cứu hỏa nông thôn bang New South Wales cho biết họ đang tận dụng tối đa điều kiện thời tiết mát mẻ hơn để đối phó với 75 vụ cháy rừng đang hoành hành, trong đó 25 vụ vẫn chưa được kiểm soát.
Lính cứu hỏa ở bang Đông Nam Australia hy vọng sự thay đổi thời tiết sẽ mang lại thời gian nghỉ hồi sức và tiếp tục chống đỡ với hàng chục đám cháy vẫn còn hoành hành tại nhiều nơi khác.
Dịch vụ cứu hỏa cũng lưu ý một số khu vực khác bị cháy rừng ảnh hưởng, đặc biệt là ở vùng bờ biển phía nam thuộc tiểu bang New South Wales vẫn chưa xuất hiện trận mưa nào.
Những cơn bão ít dữ dội hơn được dự báo cho bang Victoria, nơi bị ảnh hưởng trong tuần này bởi những cơn bão nghiêm trọng và khói bụi từ các vụ cháy rừng.
Một số đám cháy rừng ở phía nam của bang Victoria, nhất là các đám cháy rừng ở đảo French vẫn ngoài tầm kiểm soát dù lửa không lan rộng thêm. Lực lượng chữa cháy bang Victoria dự báo họ có thể khống chế được đám cháy vào cuối ngày 19/1.
“Các đám cháy đã ngừng lan rộng. Chúng tôi đã thiết lập được các vành đai kiểm soát lửa xung quanh. Bão lớn ở khu vực phía trung và đông bang Victoria sẽ có tác động giảm nhiệt cháy rừng trên đảo French”, cơ quan cứu hoả bang Victoria cho biết.
Trên các bang New South Wales, Victoria, Queensland, Nam Úc, Tây Úc và Tasmania, tổng cộng 8,4 triệu hecta đất rừng đã bị phá hủy bởi các vụ hỏa hoạn.
Thiện Thành (t/h)